Liên danh Vietur trước cơ hội lớn giành gói thầu 35.000 tỷ dự án Sân bay Long Thành: Dự báo VCG, C4G, VLB, PHC là những cái tên đáng chú ý
Theo đó, ngày 1/8, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV) vừa công bố thông tin nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của gói thầu 5.10 "Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách" của dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Gói thầu 5.10 có tổng giá trị hơn 35.200 tỷ đồng - gói thầu lớn nhất của sân bay Long Thành. Thời gian thi công 39 tháng.
ACV cho biết Liên danh Vietur do nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu là đơn vị duy nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thi công gói thầu này. Theo dự kiến, ngày 4/8 tới đây, sau khi mở hồ sơ đề xuất về tài chính, đơn vị cần thời gian đánh giá, chỉ khi kết quả tổng hợp hai gói được thông báo chính thức, ACV mới phát hành thông tin chính thức.
Liên danh Vietur bao gồm 10 thành viên: Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC ISTAS, CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons, CTCP Đầu tư Xây dựng Newtecons, CTCP Đầu tư Xây dựng SOL E&C, Tổng Công ty Xây dựng Số 1 (Mã: CC1), CTCP Kết cấu Thép ATAD, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã: VCG), CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings (Mã: PHC), CTCP Hawee Cơ điện, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội.
Trong bối cảnh kinh tế ảm đạm nửa đầu năm, việc được trao gói thầu 5.10 sẽ là yếu tố hỗ trợ đáng kể cho các nhà thầu trong nước trước bối cảnh thị trường bất động sản tư nhân trầm lắng.
Sau thông tin liên danh Vietur lọt vào vòng đánh giá năng lực tài chính, theo báo cáo mới nhất ngày 2/8, CTCK VNDIRECT tin rằng Vietur đang có cơ hội lớn giành được gói thầu này, tạo tiền đề giúp LTA đáp ứng được tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ đề ra (phải khởi công gói 5.10 trong tháng 8).
Với quy mô giá trị gói thầu lớn, các doanh nghiệp xây lắp được lựa chọn tham gia thi công sẽ đứng trước cơ hội bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn 2023 - 2026. Đối với lĩnh vực vật liệu, VNDIRECT tin rằng các doanh nghiệp đá xây dựng sẽ được hưởng lợi chính. Theo Bộ Giao thông Vận tải, nhu cầu đá xây dựng cho thi công LTA giai đoạn 1 lên tới 18 triệu m3, tương đương 56% công suất khai thác được cấp phép hàng năm của tỉnh Đồng Nai. Nhóm phân tích chung nhận định Vinaconex (VCG), CIENCO4 (C4G), Xây dựng Biên Hòa (VLB) và Xây dựng Phục Hưng (PHC) sẽ là những doanh nghiệp đáng chú ý trong chủ đề đầu tư này.
Trước đó, trong báo cáo phân tích ngày 24/7 vừa qua, CTCK Vietcap (VCSC) ước tính tổng lợi nhuận tối đa khoảng 525 tỷ đồng cho một nhà thầu tham gia gói 5.10.
Các chuyên gia phân tích độ nhạy về khả năng tăng lợi nhuận cho từng nhà thầu dựa trên các giả định về biên lợi nhuận ròng khác nhau và tỷ lệ phân chia tồn đọng (backlog) 35.000 tỷ đồng. VCSC kỳ vọng phạm vi hợp lý là tối đa 50% đối với giá trị backlog và tối đa 3% đối với biên lợi nhuận ròng trên giá trị backlog, tức tương đương khoản lợi nhuận 525 tỷ đồng mà một nhà thầu cụ thể trong liên danh có thể thu được khi hoàn thành gói thầu LTA 5.10. Ước tính này cho tổng lợi nhuận từ việc hoàn thành gói thầu 5.10.
Như vậy, mức lợi nhuận 525 tỷ đồng tương đối lớn so với lãi ròng trung bình hàng năm giai đoạn 2019 - 2022 của một số công ty tham gia 3 liên danh nhà thầu ban đầu như CTD (264 tỷ đồng), HBC (lỗ ròng 133 tỷ đồng) và VCG (866,3 tỷ đồng). (Trong 3 công ty này, chỉ có VCG là 1 trong 10 đơn vị thuộc liên danh Vietur vừa lọt vào vòng mở hồ sơ tài chính của gói LTA 5.10).
Tuy nhiên, do thời gian xây dựng ước tính cho LTA giai đoạn 1 là 39 tháng (tương đương với thời gian hoàn thành ước tính vào cuối năm 2026 hoặc giữa năm 2027 — tùy thuộc vào ngày khởi công xây dựng thực tế), tổng lợi nhuận ước tính trên sẽ được ghi nhận trong khoảng thời gian từ 3 năm đến 3,5 năm.
Chỉ khi hoàn thành Báo cáo đánh giá HSDT, được thẩm định và phê duyệt thì kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu 5.10 mới rõ ràng
Ở một khía cạnh khác, thảo luận về chủ đề này trên chương trình "Bí mật đồng tiền" hồi giữa tháng 7, Mr. X30 Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng kiêm Trưởng ban Đào tạo và Phát triển, CTCP Chứng khoán SSI nhận định: "Phần lớn các doanh nghiệp tham gia thầu bây giờ mục đích không chỉ là lợi nhuận."
Theo ông Hưng, đối với những công trình lớn như SBLT, việc trúng thầu có ý nghĩa đặc biệt trong công tác xây dựng hồ sơ doanh nghiệp cho nhà thầu. Bởi từ đó, họ có thể trúng những gói thầu lớn khác, thậm chí quan trọng hơn trong tương lai. Vì vậy, chuyên gia khẳng định "không phải ai cũng chạy theo mục tiêu lợi nhuận trong những dự án lớn như thế này."
Chia sẻ thêm, chuyên gia cho rằng, cơ hội tham gia đấu thầu những dự án trọng điểm quốc gia không nhiều, nên bên cạnh kết quả kinh doanh, các doanh nghiệp có xu hướng tham gia với mục tiêu lớn nhất là thiết lập hồ sơ đủ tốt để tạo đà phát triển mảng xây dựng sau này.
Chính vì vậy, gói thầu 5.10 đang trong giai đoạn chấm thầu hết sức kĩ lưỡng, rất nhiều thông tin thuộc diện bảo mật. Kết quả lựa chọn nhà thầu chỉ rõ ràng khi việc đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) được hoàn tất và Bên mời thầu công khai kết quả. Điều tất yếu là việc đánh giá HSDT căn cứ trên các tiêu chí của hồ sơ mời thầu (HSMT).
Theo đó, HSMT gói thầu 5.10 đưa ra một số tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm. Đó là, nhà thầu có giá trị tài sản ròng trong năm tài chính gần nhất so với thời điểm đóng thầu phải dương; doanh thu bình quân 5 năm tài chính gần nhất (không bao gồm thuế VAT) có giá trị tối thiểu 19.800 tỷ đồng; nguồn lực tài chính thực hiện gói thầu có giá trị là 3.244 tỷ đồng; từ ngày 1/1/2011 đến thời điểm đóng thầu, nhà thầu phải hoàn thành tối thiểu 1 công trình nhà ga hành khách trong cảng hàng không cấp đặc biệt, hoặc công trình kết cấu dạng nhà cấp đặc biệt, có giá trị lớn hơn hoặc bằng 14.798 tỷ đồng...
Về năng lực kỹ thuật, HSMT yêu cầu hàng trăm nhân sự cao cấp, với kinh nghiệm và các chứng chỉ, trình độ chuyên môn bậc cao trong các nhóm thi công công trình; nhân sự chủ chốt lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công. Ngoài ra, HSMT còn yêu cầu hàng chục thiết bị hạng nặng. Đặc biệt và quan trọng hơn là yêu cầu HSDT đề xuất biện pháp thi công, biểu đồ tiến độ. Theo lãnh đạo chủ đầu tư dự án - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đây là tiêu chí trọng yếu quyết định thành bại của nhà thầu trong cạnh tranh gói thầu 5.10, sau đó mới đến loạt yêu cầu khắt khe về hồ sơ đề xuất tài chính.
Thông tin trên tờ Báo Đấu thầu ngày 14/7 trước đó, lãnh đạo ACV cho biết, công tác đánh giá năng lực nhà thầu chỉ dựa trên HSDT, trên tinh thần chính xác, khách quan, công bằng nhằm chọn nhà thầu đảm bảo chất lượng, tiến độ và giá cả cạnh tranh nhất. “Hồ sơ như thế nào phải chấm thầu đúng như thế, y án hồ sơ. Có câu “học tài thi phận”, học giỏi chưa chắc điểm cao”, lãnh đạo ACV nói và cho biết, chỉ tới khi hoàn thành Báo cáo đánh giá HSDT, được thẩm định và phê duyệt thì kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu 5.10 mới rõ ràng.