Liệu dạy khởi nghiệp trong trường có thành công?
Đây là một động thái đáng hoan nghênh nếu nội dung đào tạo được biên soạn nhằm kích thích óc sáng tạo, các kiến thức cơ bản về tài chính, về quản trị kinh doanh nhưng sẽ là một việc làm hấp tấp, nóng vội nếu đi theo các trào lưu khởi nghiệp theo kiểu chóng làm giàu có nhiều mặt trái hiện nay.
Lý tưởng nhất, nội dung khởi nghiệp nên xoay quanh ba giai đoạn hình thành một doanh nghiệp: 1. nảy sinh ý tưởng; 2. tính toán tài chính; 3. triển khai ý tưởng. Ý tưởng khởi nghiệp, giai đoạn quan trọng nhất, sẽ là cơ hội để học sinh, sinh viên học cách suy nghĩ ngoài lề thói thông thường, để óc sáng tạo mặc sức bay bổng nhưng đồng thời biết các ràng buộc của cuộc đời thật sẽ tác động lên óc sáng tạo như thế nào. Ý tưởng khởi nghiệp không thể nào dạy trực tiếp nhưng môi trường ươm mầm cho ý tưởng cần sự tự do, phóng khoáng, cần sự lắng nghe, không áp đặt, cần tranh biện, bảo vệ ý tưởng... toàn là những điều chương trình nội dung hiện đang thiếu.
Hai giai đoạn sau là những kiến thức mang tính thực dụng, trang bị cho các em những công cụ phân tích rất có ích cho dù sau này các em thật sự lao vào khởi nghiệp hay dùng nó cho bản thân. Đó là các bài học căn bản về tài chính như tính toán lời lỗ, dự báo dòng tiền, học về tiếp thị, định giá sản phẩm... Dạy khởi nghiệp như thế là trao cho các em những kỹ năng để, không phải cuối năm tổng kết một trường có một hai dự án khởi nghiệp thành công, bởi đó là điều không tưởng, dễ dẫn tới báo cáo ảo, tốn tiền ngân sách. Các kỹ năng này đi theo các em suốt đời để ở bất kỳ cương vị nào các em cũng biết phải ứng xử ra sao với các xu hướng mới trong nền kinh tế.
Đáng tiếc hiện nay chuyện khởi nghiệp bị đẩy vào một chiều hướng lệch lạc và sự lệch lạc này đang chiếm lĩnh suy nghĩ của nhiều người muốn khởi nghiệp và nhất là sự tư vấn của những chuyên gia khởi nghiệp. Thử nhìn vào các bài viết về khởi nghiệp được chia sẻ nhiều nhất - đa phần là các bài bày cách làm nhà đầu tư hài lòng, tạo ấn tượng, cách thuyết phục họ để cuối cùng mục đích là gọi vốn thành công.
Giới trẻ thường kháo nhau các câu chuyện “khởi nghiệp” (start-up) thời công nghệ thông tin kiểu mẫu: hai người bạn bỏ ngang đại học, nảy ra một ý tưởng kinh doanh độc đáo, khởi sự làm ăn trong muôn vàn khó khăn, phải cày suốt ngày suốt đêm trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, rồi thu lượm được những thành công bước đầu, một ngày đẹp trời vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm rót vào, doanh nghiệp bừng nở, dù không có lợi nhuận nhưng nổi tiếng khắp nơi, người dùng tăng vọt. Cái kết có thể là bán lại doanh nghiệp chừng vài tỉ cho các đại công ty hay lên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu thăng thiên - nói chung là cặp bạn ngày xưa bỗng chốc trở thành tỉ phú.
Khởi nghiệp kiểu đó thì có lợi cho người khởi nghiệp nhưng để lại những tác hại cho cộng đồng bởi ý tưởng khởi nghiệp không đặt trên nền tảng tạo ra một giá trị mới mà chỉ chăm chăm xây dựng quy mô nhằm bán lại, giá càng cao càng được xem là thành công. Khởi nghiệp kiểu đó không nhằm tìm kiếm lợi nhuận mà chỉ mong tăng lượng khách hàng để làm đẹp hồ sơ “bán mình” của doanh nghiệp.
Tiền đầu tư của giới đầu tư mạo hiểm có thể rót vào nuôi sống các start-up loại này một thời gian nhưng họ càng hăm hở mở rộng thị trường càng gây hại cho môi trường kinh doanh bình đẳng bình thường. Ví dụ một dự án cho thuê xe đạp giá rẻ, nếu được tài trợ rót vốn, có thể tung ra hàng ngàn chiếc xe đạp với giá cho thuê hầu như không thể nào rẻ hơn. Dự án này không nhắm tới việc thu hồi vốn, có lãi hay ít ra cũng khấu hao đầy đủ các chiếc xe đạp cho thuê bởi tiền đã được rót vào. Thử hỏi những nơi cho thuê xe bình thường làm sao cạnh tranh nổi, phải đóng cửa nhường sân chơi cho dự án này tung hoành một thời gian. Sau này thất bại, nhà đầu tư rút vốn chịu lỗ thì trước đó cũng đã có hàng chục nơi cho thuê xe truyền thống phá sản, thất bại theo.
Hay lấy một ví dụ khác, một start-up khởi nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến được quản trị tốt nên nhìn có vẻ rất thành công vì lượng khách ngày càng đông, giao hàng đúng hẹn, chất lượng hàng đúng cam kết, giá hàng lại rẻ hơn nơi khác. Duy chỉ một điều không ai muốn thừa nhận: doanh nghiệp này lỗ triền miên, lỗ từ khi ra đời cho đến lúc được rót vốn đầu tư mở rộng thị trường, lỗ cho đến ngày nay. Người ta đâu biết, một cách gián tiếp, doanh nghiệp này đã trở thành một rào cản lớn cho các dự án bán lẻ trực tuyến khác, muốn nhắm tới bức tranh tài chính cân bằng hơn, bền vững hơn vì cạnh tranh không lại với tiền đầu tư được rót vào. Doanh nghiệp này biết đâu cũng là tác nhân gián tiếp làm đóng cửa nhiều kênh bán lẻ khác, nên dù tạo ra công ăn việc làm cho giới giao hàng cũng đồng thời làm nhiều việc làm khác biến mất.
Một số vụ start-up thành công, theo nghĩa bán lại cho các đại công ty giá hàng tỉ đô la, đã làm xáo động tâm lý giới trẻ, cứ chăm chăm vào các con đường làm giàu nhanh chóng như thế. Môi trường khởi nghiệp kiểu này không giúp cho giới trẻ phát triển theo con đường bình thường, không tôn trọng các giá trị như kiên trì, nhẫn nại, xây dựng doanh nghiệp theo cách bền vững, nhân văn. Nếu khuyến khích giới trẻ đi theo con đường này, chẳng thà đừng dạy họ khởi nghiệp còn hơn.
Theo Kinh tế Sài Gòn