“Lỗ hổng” thẩm định: TCTD và khách hàng lãnh đủ?
Lời toà soạn: Thời gian vừa qua, hàng loạt các khách hàng vướng phải rắc rối với những khoản nợ “trên trời rơi xuống”, dù bản thân không cung cấp thông tin hay vay mượn từ tổ chức tín dụng.
Các ngân hàng, công ty tài chính liên tục đưa ra cảnh báo về việc một số đối tượng làm giả hợp đồng vay để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Mà theo đó, các đối tượng giả mạo vẫn qua mặt thành công các quy trình về thẩm định “chặt chẽ” của các công ty tài chính, tổ chức tín dụng để vay vốn trên danh nghĩa của người khác.
Câu hỏi đặt ra tại sao các quy trình về xác minh thông tin khách hàng, giấy tờ tuỳ thân, chứng minh tài chính hết sức chặt chẽ như vậy lại có thể bị “qua mặt” một cách dễ dàng. Đâu là "lỗ hổng" mà các đối tượng giả mạo sử dụng để lọt qua hệ thống kiểm soát của các tổ chức tín dụng?
Nhằm hạn chế các hoạt động của tín dụng đen và đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các công ty tài chính triển khai cho vay với thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng. Đặc biệt, hình thức thao tác qua ứng dụng (App) khiến cho việc vay tiền trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi các tổ chức tài chính cần có nhiều biện pháp quyết liệt trong công tác phòng chống gian lận nhằm phát triển lành mạnh. Trên thực tế, các tổ chức tín dụng, công ty tài chính đã đưa ra các quy định về thủ tục vay vốn, cung cấp thông tin, thẩm định hồ sơ hết sức chặt chẽ. Thế nhưng, các đối tượng liên tục có những chiêu trò hết sức tinh vi nhằm giả mạo thông tin khách hàng, gây thất thoát tài sản cũng như ảnh hưởng uy tín của công ty tài chính, ngân hàng.
Theo TS Cấn Văn Lực, quy mô của tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn nhỏ. Tỉ trọng cho vay tiêu dùng hiện mới chiếm 17% tổng dư nợ (so với 20% của Trung Quốc hay 34% của ASEAN-5). Trong đó, dư nợ tín dụng của các công ty tài chính chỉ chiếm 8,2% tổng dư nợ.
Sự hạn chế trong thị trường tài chính tiêu dùng được TS Cấn Văn Lực chỉ rõ
Thị trường tài chính tiêu dùng đang tập trung vào 4 công ty lớn là FE Credit (50% thị phần), Home Credit (17%), HD Saison (13%) và Prudential Finance (8%) có thể dẫn đến rủi ro tập trung, khả năng thao túng cũng như hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng… Trong khi đó, kiến thức tài chính của người tiêu dùng Việt Nam chưa cao.
Nhiều khách không hiểu rõ về sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng và đôi khi không được tư vấn một cách rõ ràng, đầy đủ về hợp đồng tín dụng, nên sau khi ký hợp đồng có cảm giác bị lừa gạt. Điều này có ảnh hướng nhất định đến tính thiếu tuân thủ các điều kiện tín dụng, dẫn đến chịu lãi phạt cao và các công ty tài chính phải liên tục gọi điện để đòi nợ. Từ đó làm mất thiện cảm đối với các công ty tài chính, cũng như gây bức xúc dư luận thời gian qua.
“Lỗ hổng” chính: Thẩm định?
Mới đây, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) xác nhận đã tiếp nhận thông tin phản ảnh từ khách hàng về việc một số đối tượng làm giả hợp đồng vay để thực hiện các hành vi lừa đảo, thu phí làm hồ sơ/hợp đồng vay nhằm chiếm đoạt tiền.
Các đối tượng lừa đảo đã sử dụng thủ đoạn giả mạo hợp đồng vay tiền của ngân hàng với lãi suất thấp cùng các thông tin về ban lãnh đạo ngân hàng đứng tên trên hợp đồng vay. Khách hàng sẽ được yêu cầu thanh toán theo dạng COD (giao hàng thu tiền) thông qua shipper (người giao hàng), bưu điện với chi phí 1,5 - 2,5 triệu đồng để nhận hợp đồng vay.
Bắc Á Bank cũng phát đi cảnh báo: trên thị trường xuất hiện hành vi quảng cáo các hình thức cho vay nhanh trên mạng xã hội/Zalo hoặc mạo danh nhân viên ngân hàng, gọi điện cho khách hàng để giới thiệu các loại hình cho vay với thủ tục dễ dàng, giải ngân nhanh.
Chúng gửi thẻ tự chế giả mạo cán bộ tín dụng/cán bộ thẩm định, sau đó yêu cầu chuyển thông tin CMND, hộ khẩu qua Zalo/Facebook kèm theo một khoản phí ban đầu, sau đó chiếm dụng, thậm chí nhiều người được yêu cầu nộp trước một khoản tiền trả góp cho kỳ thanh toán đầu tiên. Sau khi nhận tiền, chúng chặn toàn bộ liên lạc với nạn nhân.
Hay như một số khách hàng bất ngờ thành “con nợ” của các công ty tài chính. Như trường hợp chị Lê Thị Thanh Thảo (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội). Năm 2018, chị liên tục bị Công ty tài chính TNHH HD Saison gửi đơn khởi kiện vì khoản vay chưa thanh toán tại Cty tài chính này. Tuy nhiên, chị Thảo khẳng định mình không hề liên hệ hay cung cấp thông tin đến HD Saison để làm thủ tục vay mua trả góp chiếc điện thoại Samsung số tiền hơn 8 triệu đồng.
Lo lắng bởi yêu cầu thanh toán và đe doạ khởi kiện, chị Thảo đã phải nhờ đến báo chí phản ánh về vụ việc trên. Sau nhiều lần liên hệ, cung cấp thông tin chính thống cho bộ phận pháp chế của HD Saison thì sau nhiều tháng đấu tranh chị Thảo đã được “minh oan” bởi các thông tin CMND, Số điện thoại của chị nhưng chữ ký và ảnh lại là một người khác.
Gần đây, Tạp chí Doanh Nhân Việt Nam tiếp nhận một thông tin phản ánh của anh Lương Ngọc Chung (SN 1992) trú tại Thị trấn Sơn Thịnh, Văn Chấn, Yên Bái về một khoản vay 49 triệu đồng với Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit).
Anh Chung cho biết, trước đó chưa từng liên lạc hay cung cấp thông tin cho Fecredit để làm hồ sơ vay vốn. Trong thời gian trên, anh Chung bị các đối tượng đòi nợ nhắn tin đe dọa khiến gia đình anh hết sức lo sợ. Cá nhân anh Chung cho rằng không hiểu sao thông tin của anh không hề cung cấp cho ai mà tự FE Credit t có thể tạo một khoản vay không có chữ ký, cũng như xác nhận của anh Chung. Việc này đang khiến gia đình anh Chung thấy hoang mang lo sợ, ảnh hưởng đến công việc hiện tại cũng như danh dự, uy tín của anh.
Hiện anh Chung đang yêu cầu phía FE Credit làm rõ về khoản vay “trên trời rơi xuống” đang làm khổ sở cuộc sống, danh dự của anh. Được biết, xác minh ban đầu thì các thông tin của anh đã bị giả mạo mặc dù số CMND, Số điện thoại trùng khớp nhưng ảnh người vay lại là người khác.
Trao đổi với PV Doanh Nhân Việt Nam, phía FE Credit cũng xác nhận có vụ việc trên hiện đang xác minh thông tin và sẽ phản hồi lại sau cho báo chí.
“Thủ tục đơn giản, giải ngân dễ dàng” đó hiện đang là tiêu chí chung của nhiều TCTD. Nhưng đây lại là miếng mồi béo bở để tội phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng có xu hướng gia tăng mạnh. Bởi lẽ, trong những vụ việc trên “trót lọt”, cũng cần có cả sự "giúp đỡ" của chính những cán bộ ngân hàng, TCTD, khi mà khâu thẩm định giải ngân chỉ thực hiện cho có.
Nhằm chỉ rõ lỗ hổng trong khâu thẩm định giải ngân, cùng TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính – ngân hàng đã có những quan điểm thông qua cuộc trao đổi với Doanh Nhân Việt Nam:
PV: Hiện nay, nhiều vụ án kinh tế xuất phát từ nguyên nhân các đối tượng giả mạo hồ sơ để vay, xin ý kiến ông về vai trò của thẩm định thông tin trước khi giải ngân như thế nào?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Nếu tổ chức tín dụng thẩm định chặt chẽ thì khó thể xảy ra được. Đối với khách hàng có nhu cầu vay thì họ sẽ phải cung cấp giấy tờ tùy thân, CMTND, địa chỉ, nơi làm việc,… Công ty tài chính khi thẩm định sẽ phải đến thông tin đã được cung cấp xác nhận thân nhân của người vay, xác nhận địa chỉ nhà, nơi làm việc, mức lương của người vay, xem có vay ngân hàng không,…
Nếu thẩm định điều tra 80% việc đó thì giả mạo sẽ không thế xảy ra việc giả mạo được. Tại một số công ty tài chính, người ta sử dụng một số tiền nhỏ hoặc không muốn chi phí lớn cho việc điều tra khiến cho việc thẩm định trở nên “qua loa” và tin tưởng theo những thông tin khách hàng cung cấp tạo điều kiện tội phạm lừa đảo sẽ dễ giả mạo hồ sơ vay.
Ở Việt Nam không có 1 thang chấm điểm tín dụng cá nhân như ở các nước như Mỹ - nơi có những công ty có hệ thống cùng các ngân hàng có các thông tin điều tra về khoản vay của khách hàng và có thang xếp hạng từ 400 tới 800 điểm. Những thông tin đó người ta có thông tin rất chính xác. Bản thân tôi đã từng đi vay ở một số ngân hàng và biết điểm tín dụng của họ và họ có xác nhận của bên thứ 3 về thành tích trả nợ của các cá nhân.
Ở Việt Nam không có công ty xếp hạng hay chấm điểm tín dụng như vậy. Mặc dù có thể tra thông tin tại nguồn CIC của Ngân hàng nhà nước, nhưng CIC vẫn hạn chế vì chỉ có thông tin của một bộ phận khách hàng chứ không phải tất cả. Một số người đi vay nhưng họ không vay của ngân hàng mà họ vay tổ chức tín dụng khác nên CIC không biết và không thể cập nhật được. Chính vì thế, thông tin có thể lấy được từ CIC nhưng lại không đầy đủ.
Thiếu sót về xác nhận tín dụng của bên thứ 3 nên ngân hàng cho vay có thể bị lừa tiền.
TS. Nguyễn Trí Hiếu chỉ rõ sự lỏng lẻo trong khâu thẩm định giải ngân của các TCTD
PV: Theo ông vai trò của bên thứ 3 này có thể liên kết thông tin với công an hay chính quyền để điều tra hồ sơ khách hàng không?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Công an thì không thể lấy được thông tin này được vì họ không chuyên, công an có thể cung cấp một số thông tin như địa chỉ ở, thân nhân người vay, hay hồ sơ như án hay sử phạt của người vay không, nhưng công an không thể cung cấp được về người này có khoản vay khác hay không.
Vừa qua, có những việc như giả mạo thông tin từ CMTND, Thẻ căn cước thì theo tôi lỗ hổng này có thể xuất phát từ quy trình của các công ty tín dụng hay từ chính cá nhân của người đi thẩm định.
Bởi lẽ cả 2 phía vì từ người đi vay tiền đưa ra các thông tin thiếu xót. Việc xảy ra từ các công ty tài chính, có thể quy trình thẩm định chưa xác đáng nên các Công ty tài chính khó kiểm soát được nguồn vốn cho vay. Việc trả nợ của khách hàng với các doanh nghiệp vay làm ăn có địa chỉ cụ thể thì dễ nhưng với cá nhân thì rất khó. Vì vậy vấn đề giả mạo giấy tờ và lừa đảo rất dễ.
PV: Hiện nay việc vay tiền qua APP rất thịnh hành, theo ông việc vay tiền qua APP có tăng nguy cơ về giả mạo thông tin vay vốn hơn vay trực tiếp không?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tất nhiên là có. Vì vấn đề định dạng qua mạng này không thể bằng được việc nhận dạng vay bằng vật lý được. Ví dụ cán bộ TCTD có thể nhìn thấy nhân dạng khách hàng và chữ kí khách hàng trực tiếp được. Còn thông qua APP thì không thể nhận dạng được. Vì vậy việc cho vay truyền thống sẽ có độ an toàn hơn hơn vay Online qua ứng dụng.
PV: Theo ông, trước tình hình giả mạo thông tin thế thì Ngân hàng hay Công ty tài chính nên có biện pháp gì để siết chặt khâu thẩm định chặt chẽ?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Có một điểm khá bất cập là rất nhiều ngân hàng tại Việt Nam không điều tra kỹ càng nguồn trả nợ, mà chỉ nhắm vào nguồn tài sản thế chấp của khách hàng.
Tại một số nước, họ thường nhắm vào nguồn trả nợ đầu tiên từ lương, nguồn tài sản thế chấp là nguồn thứ hai. Nếu nguồn tài sản thứ nhất không được thì sẽ là nguồn thứ hai thế chấp, thanh khoản.
Ở Việt Nam thì ngược lại. Phần lớn người ta không phân biệt được rõ các nguồn trả nợ. Các công ty tài chính nên xác nhận rõ đâu là nguồn trả nợ thứ nhất (lương), tài sản thế chấp nên trở thành thứ hai. Và điều quan trọng trong việc thẩm định thì việc liêm chính, trung thực, của cán bộ thẩm định là phải nên có.
Còn nữa
Hải Đăng