Chuyên gia: Phải đến quý III, tăng trưởng tín dụng mới 'bứt tốc'
Tăng trưởng tín dụng âm trong tháng 1 và thậm chí kéo dài sang cả tháng 2 là thông tin đang được nhiều người quan tâm bởi điều này khá ít xuất hiện.
Theo thống kê từ VDSC, tăng trưởng tín dụng thấp trong những tháng đầu năm là hiện tượng phổ biến, bình quân tăng trưởng tín dụng trong hai tháng đầu năm của giai đoạn 2013 -2023 chỉ là 0,56%. Song tăng trưởng tín dụng âm trong hai tháng đầu năm chỉ xuất hiện trong các năm 2014, 2018 và 2024.
VDSC ước tính, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 1 giảm 0,6% và tính đến ngày 16/2 giảm 1%. Thậm chí, tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng trong tháng 1 giảm mạnh hơn diễn biến của toàn ngành, như: Vietcombank (giảm 2,3% so với cuối năm 2023), BIDV (giảm 1,3%) hay MB (giảm 0,7%).
Tăng trưởng tín dụng âm do đâu?
Chia sẻ tại họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 2/3, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết nguyên nhân chính là do yếu tố mùa vụ, sau khi có tháng 12 tăng trưởng tín dụng rất mạnh khoảng 4%.
"Thông thường yếu tố mùa vụ vào quý IV, hoạt động kinh tế sẽ sôi động hơn, kéo theo hoạt động cho vay cũng sôi động hơn. Còn tháng 1, tháng 2 là tháng Tết nên hoạt động tín dụng sẽ giảm và hoạt động vay vốn cũng không được tăng trưởng như quý IV năm trước," Phó Thống đốc nói.
Đánh giá về vấn đề này, TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng nguyên nhân căn bản dẫn đến tăng trưởng tín dụng âm trong các tháng đầu năm là do sự mở rộng tín dụng quá nhanh với các khoản vay ngắn hạn vào cuối năm trước.
Đầu tháng 12/2023 tín dụng tăng trưởng tín dụng chưa tới 10% nhưng cuối tháng đã tăng lên trên 13%. Việc tăng trưởng gần 4% trong một tháng phần nhiều do yếu tố chủ quan nên có thể tiên liệu việc dư nợ sẽ giảm trong quý I là điều đương nhiên.
Ông phân tích, năm 2023, tín dụng của nền kinh tế tăng trưởng hết sức khó khăn. Nguyên nhân xuất phát từ các yếu tố bên ngoài của kinh tế thế giới như lạm phát tăng cao trong khi tăng trưởng kinh tế thấp, tổng cầu giảm xuống. Khu vực xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề kéo theo sản xuất gặp khó dẫn đến nhu cầu tín dụng cũng giảm xuống.
Với yếu tố bên trong, năm 2022, một số doanh nghiệp lớn đã có những vi phạm liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán.... Các hoạt động này tác động rất lớn đến thị trường bất động sản cùng với sự cố của ngân hàng SCB, nhu cầu giao dịch bất động sản cùng với trái phiếu doanh nghiệp gặp sự cố gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế.
Các vấn đề này làm cho lãi suất cho vay tăng cao, do đó đến đầu tháng 12, tăng trưởng tín dụng vẫn chưa đạt 10%. Cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ, các ngân hàng ra sức mở rộng tín dụng vào dịp cuối năm.
"Dĩ nhiên, mở rộng tín dụng chủ yếu là khoản vay hết sức ngắn hạn, cho vay với một lượng vốn tương đối lớn nên qua tháng 1 tín dụng ngay lập tức đảo chiều tăng trưởng âm. Thậm chí, trong cả quý I phải cố gắng lắm tín dụng mới không tăng trưởng âm", chuyên gia đánh giá.
PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM thì cũng cho rằng, tín dụng tăng trưởng âm là hệ quả của việc tăng nóng trong giai đoạn cuối năm.
"Thực tế, tín dụng vẫn có xu hướng chung là tăng trưởng song trong giai đoạn ngắn hạn bị tác động của yếu tố mùa vụ", ông Huân đánh giá.
Tín dụng sẽ tăng mạnh từ quý III
Tín dụng đang có dấu hiệu hồi phục, điều đó được thể hiện ở việc tín dụng tháng 2 giảm ít hơn tháng 1, theo thông tin cho biết từ đại diện NHNN.
Theo chuyên gia Nguyễn Hữu Huân, tín dụng sẽ tăng trưởng chậm ít nhất là đến tháng 6, bởi Mỹ vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt trong nửa đầu nămvà phải đến quý III mới bắt đầu tăng mạnh hơn. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 15% trong năm nay vẫn hết sức rất khó khăn.
Ông cho biết kinh tế Việt Nam cũng đang ghi nhận một số tín hiệu tích cực như nhập khẩu tăngcho thấy các doanh nghiệp đang tăng cường nhập nguyên liệu để sản xuất.Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp sản xuất đang có lượng đơn hàng trở lại.
Điều này cũng phù hợp với dự báo của TS. Trương Văn Phước. Ông cho rằng tín dụng sẽ bắt đầu tăng lên trong quý II và đến quý III sẽ tăng tốc.
Phân tích về nhận định trên, TS Phước cho hay sự phục hồi của kinh tế thế giới ảnh hưởng rất nhiều đến tăng trưởng tín dụng. Ngoài ra, giảm lãi suất cho vay cũng là yếu tố giúp tín dụng tăng trưởng.
Hiện tại lãi suất huy động gần như đã chạm đáy còn lãi suất cho vay vẫn cao không chỉ cao với lạm phát mà còn cao với lãi suất huy động nên chắc chắn sẽ tiếp tục giảm. Năm nay Việt Nam xác định lạm phát nằm trong tầm kiểm soát khoảng 4 đến 4,5% vì vậy lãi suất cho vay cần hạ thấp hơn mới phù hợp.
Sang đầu tháng 6, chúng ta sẽ chứng kiến mức cân bằng của lãi suất khi lãi suất cho vay sẽ kéo xuống chênh lệch với lãi suất huy động khoảng 3 – 4%.
Như vậy khi lãi suất cho vay được kéo xuống cùng với nhu cầu vốn phục vụ cho xuất khẩu, nhu cầu vốn cho luân chuyển hàng hoá, vật tư khi các thị trường đã bắt đầu hồi phục thì tín dụng năm nay có khả năng tăng tốc từ quý III và đạt mục tiêu tăng trưởng từ 14 - 15%.
Tuy nhiên, TS. Phước cũng chỉ ra rằng tình hình thế giới tốt hơn chắc chắn sẽ giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt hơn nhưng chúng ta cũng cần tháo gỡ các vấn đề của thị trường bất động sản, trái phiếu Chính phủ, thủ tục hành chính…
Theo ông, Chính phủ đã nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 và hiện bắt đầu tạo ra sức lan toả đối với nền kinh tế. Thị trường bất động sản cũng đã có rất nhiều chính sách để tháo gỡ khó khăn đối với các địa phương. Chính phủ đã đặt ra các tổ để giải quyết khó khăn về thủ tục hành chính cho các dự án. Sự biến chuyển của các dự án bất động sản sẽ tạo ra nhu cầu về vốn.
Thị trường chứng khoán cũng được Chính phủ đặt mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi, tạo niềm tin với nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với đó là thị trường trái phiếu được chấn chỉnh lại, giám sát chặt chẽ, có một khuôn khổ công khai, minh bạch. Chỉ có như vậy, nền kinh tế mới thực sự hồi phục tạo điều kiện cho tín dụng tăng trưởng mạnh, vị chuyên gia này nhận định.