Ngân hàng có được kinh doanh bất động sản không?
Sáng ngày 18/1/2024, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi). Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, ngoại trừ một số điều khoản sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025.
Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi vừa được thông qua quy định chi tiết về các hạn chế để đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.
Theo đó, Điều 139 Luật này quy định, tổ chức tín dụng không được kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp sau đây:
Thứ nhất, mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dụng.
Thứ hai, cho thuê một phần trụ sở kinh doanh thuộc sở hữu của tổ chức tín dụng chưa sử dụng hết.
Thứ ba, nắm giữ bất động sản do việc xử lý nợ. Trong thời hạn 5 năm kể từ ngày quyết định xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, tổ chức tín dụng phải bán, chuyển nhượng hoặc mua lại bất động sản này. Trường hợp mua lại bất động sản phải bảo đảm mục đích sử dụng quy định tại khoản 1 Điều này và tỷ lệ đầu tư vào tài sản cố định quy định tại khoản 3 Điều 144 của Luật này.
Khoản 3, Điều 144 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi quy định, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được mua, đầu tư tài sản cố định phục vụ trực tiếp cho hoạt động của mình, bảo đảm tỷ lệ giá trị còn lại của tài sản cố định như sau:
Không được vượt quá 50% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ ghi trên sổ sách kế toán đối với ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô;
Không được vượt quá 100% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ ghi trên sổ sách kế toán đối với quỹ tín dụng nhân dân;
Không được vượt quá 50% vốn được cấp và quỹ dự trữ bổ sung vốn được cấp ghi trên sổ sách kế toán đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Ngoài ra, Điều 142 quy định về việc góp vốn, mua cổ phần giữa các công ty con, công ty liên kết, công ty kiểm soát.
Theo đó, công ty con, công ty liên kết của một tổ chức tín dụng không được góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng đó.
Tổ chức tín dụng đang là công ty con, công ty liên kết của công ty kiểm soát không được góp vốn, mua cổ phần của công ty kiểm soát, công ty con, công ty liên kết khác của công ty kiểm soát đó, trừ trường hợp thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.
Luật TCTD sửa đổi ngăn sở hữu chéo, cản chi phối thao túng ngân hàng
Chuyên gia kinh tế cũng đánh giá việc Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua giúp hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động ổn định, an toàn, đồng thời phòng ngừa được hiện tượng gian lận, lừa đảo đối với người vay tiền. Đồng thời giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong nước gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng.
Chia sẻ trên TTXVN, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) Nguyễn Đức Độ cho rằng, khi Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực thi hành sẽ góp phần giúp hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, ổn định hơn. Các điểm mới của Luật có mục tiêu chính là hạn chế tình trạng sở hữu chéo, cũng như chi phối thao túng ngân hàng, từ đó giúp hệ thống các tổ chức tín dụng trở nên công khai, minh bạch và an toàn hơn.
Về một số quy định liên quan đến xử lý sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, bên cạnh quy định việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, giới hạn cấp tín dụng và một số quy định trong tổ chức, quản trị, điều hành, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về cung cấp, công bố công khai thông tin, trong đó, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng phải thực hiện cung cấp thông tin, tổ chức tín dụng phải công bố công khai thông tin của các cổ đông này để bảo đảm minh bạch.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nâng cao hiệu quả phối hợp với bộ, ngành có liên quan, đồng thời có giải pháp tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm hạn chế cao nhất tình trạng sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng.
Theo bà Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, để hạn chế sở hữu chéo, thao túng tổ chức tín dụng, luật vừa thông qua đã điều chỉnh quy định về giảm tỷ lệ sở hữu với tổ chức, cá nhân và người liên quan (trừ quỹ tín dụng nhân dân); giảm giới hạn tín dụng để cho phép các tổ chức tín dụng nâng cao năng lực theo lộ trình.
Ngoài bổ sung quy định công khai thông tin với cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên, các quy định về tài chính, báo cáo tài chính (vốn, doanh thu, chi phí, lãi phải thu), dự phòng rủi ro… cũng được đưa Luật vào nhằm đảm bảo năng lực cạnh tranh, tổ chức tín dụng phát triển bền vững, phù hợp chuẩn mực quốc tế về tài chính, kế toán, bà Yến cho hay.