Lộ trình 'Việt hoá' dàn lãnh đạo cấp cao tại VinFast

Thành Vũ 09:29 | 09/01/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Kể từ 2017, lần đầu tiên ban lãnh đạo chủ chốt của VinFast đều là người Việt.

Cuối tuần trước, VinFast công bố thông tin thay đổi trong bộ máy lãnh đạo. Bà Lê Thị Thu Thuỷ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch VinFast trong khi ông Phạm Nhật Vượng trực tiếp điều hành dưới cương vị CEO.

Trên cương vị Tổng giám đốc, ông Vượng sẽ trực tiếp quản lý các hoạt động vận hành, bao gồm sản xuất toàn cầu, bán hàng và chiến lược thị trường của VinFast.

Trong khi đó, bà Thủy sẽ tiếp tục tương tác với các đối tác bên ngoài và các hoạt động huy động vốn của VinFast bất chấp việc chức danh bị thay đổi.

Ngoài ra, VinFast cũng bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Lan Anh làm Giám đốc tài chính mới thay thế cho ông David Mansfield, người tham gia công ty từ tháng 1/2021.

Điều này đánh dấu lần đầu tiên mà VinFast có một ban điều hành chủ yếu là người Việt. 

VinFast lên sàn Nasdaq. (Ảnh: VinFast).

VinFast được thành lập vào năm 2017. Để thúc đẩy tham vọng trở thành hãng xe điện toàn cầu, từ đầu VinFast đã thu hút nhân tài nước ngoài đến Việt Nam, đưa ra mức lương và phúc lợi cạnh tranh.

Tháng 7 năm ngoái, trả lời phỏng vấn tờ Rest of World, ông Martin Schröder, Giáo sư tại Đại học Ritsumeikan, người nghiên cứu về ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam, nhận xét sự phụ thuộc của VinFast vào nhân viên nước ngoài là “khá lớn”.

“Hầu hết các nhà quản lý hàng đầu dường như là những người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành đến từ nước ngoài”, Ông nói, điều này cũng đúng với vai trò lãnh đạo trong nhà máy.

Tuy nhiên, VinFast đã có một lộ trình để thay đổi điều này, nhằm đưa các vị trí chủ chốt vào tay người Việt.

Tổng giám đốc VinFast đầu tiên là ông James B. DeLuca - cựu Phó Chủ tịch điều hành hoạt động sản xuất toàn cầu General Motors. Ông DeLuca được giao trách nhiệm xây dựng, vận hành, phát triển riêng cho mảng sản xuất ô tô của tổ hợp nhà máy.

Tháng 7/2019 ôngDeLuca rời VinFast về làm Phó Tổng giám đốc Vingroup. Đến nay, ông DeLuca cũng đã rời Vingroup.

Tháng 7/2021, nhằm thực hiện hoá tham vọng xe điện, VinFast đã mời ông Michael Lohscheller, người từng là Phó Chủ tịch Volkswagen Mỹ và Tổng giám đốc Opel toàn cầu, về làm CEO VinFast toàn cầu.

Cựu thuyền trưởng Opel được giao quản lý và điều hành trực tiếp các thị trường của VinFast gồm Việt Nam, Mỹ, Canada, Pháp, Đức và Hà Lan. Nhiệm vụ chính của ông Lohscheller là thúc đẩy chiến lược quốc tế của VinFast, đưa nhà sản xuất xe điện của Việt Nam trở thành hãng xe điện thông minh toàn cầu.

Sau khoảng 7 tháng tại vị, VinFast thông báo ông Michael Lohscheller sẽ rời vị trí và trở về châu Âu vì lý do cá nhân. Bà Lê Thị Thu Thuỷ tiếp quản vị trí điều hành VinFast kể từ đó đến nay.

Ngoài thay đổi vị trí lãnh đạo điều hành, VinFast đã nhiều lần thay "ngoại binh" để phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

Hai cựu quản lý Tesla là Jeremy Snyder và Eric Bender từng được hãng xe điện Việt Nam thuê về để làm phục vụ mục tiêu phát triển thị trường Bắc Mỹ. Sau khoảng hơn một năm làm việc, cả hai nhân sự này đều rời VinFast.

Hồi giữa năm 2022, hãng tin Reuters đưa tin 4 nhân sự cấp cao người nước ngoài đã rời công ty vì nhiều lý do khác nhau.

Những người này bao gồm ông Emmanuel Bret, Phó giám đốc điều hành phụ trách bán hàng toàn cầu; Franck Euvrard, Phó Giám đốc điều hành phát triển sản phẩm; Hong Bae, Phó giám đốc điều hành phát triển công nghệ xe và Bruno Tavares, người từng là Giám đốc tài chính.

Đây đều là những nhân sự có thời gian làm việc từ 6 tháng đến một năm tại VinFast và họ rời đi sau khi công ty giới thiệu những sản phẩm đầu tiên trong dải xe điện của hãng.

Có thể thấy, kể từ khi bắt đầu giấc mơ với những chiếc xe hơi của Việt Nam, VinFast đã thu hút rất nhiều nhân tài trong ngành ô tô thế giới. Đây là một chiến lược phù hợp trong giai đoạn đầu khi công ty muốn tận dụng kinh nghiệm của các nhà quản lý hàng đầu trong ngành xe hơi quốc tế.

Tuy vậy, mức độ đào thải ở hãng xe điện Việt Nam là tương đối khắc nghiệt.

Tờ Rest of World  từng trích lời của các cựu nhân sự giấu tên, cho biết biết mục tiêu nhân sự của VinFast luôn thay đổi để phù hợp với thị trường. Nhà sản xuất xe điện có một môi trường làm việc áp lực cao. Đây cũng chính là văn hoá doanh nghiệp đã giúp Vingroup (công ty mẹ VinFast) trở thành một trong những tập đoàn lớn nhất Việt Nam.

 

 

Hoa - một cựu nhân viên văn phòng làm việc hai năm tại VinFast, đồng ý rằng mức thu nhập tại đây cao là chuyện bình thường. “Chúng tôi thường nói với nhau rằng môi trường làm việc tại VinFast đòi hỏi nhân viên phải đa kỹ năng, giỏi chuyên môn thôi là chưa đủ”.

Luân, một kỹ sư Việt Nam đã làm việc tại VinFast trong 5 năm qua, cho biết các chuyên gia nước ngoài được tuyển dụng để đào tạo và phát triển đội ngũ kỹ sư người Việt. Nhiệm vụ chung của nhân sự người Việt là “học hỏi nhanh nhất có thể từ các chuyên gia nước ngoài. Để khi họ rời đi, kỹ sư người Việt vẫn có thể tiếp tục công việc”.

 

Từ khóa: #VinFast