Loại Ethanol Phú Thọ, DAP-1 ra khỏi 12 dự án yếu kém ngành Công Thương
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đồng ý đưa DAP-1, Ethanol Phú Thọ và Ethanol Bình Phước ra khỏi danh sách theo dõi, xử lý dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương.
Báo Chính phủ cho biết tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã nghe báo cáo, xem xét, cho ý kiến chỉ đạo cụ thể về hướng xử lý các vướng mắc liên quan đến Nhà máy đóng tàu Dung Quất như công tác quyết toán hợp đồng EPC dự án xây dựng (giai đoạn 1); quyết toán dự án tàu chở dầu 104.000 DWT giữa SBIC và PVN; xem xét đưa một số dự án ra khỏi danh sách theo dõi, xử lý của Ban Chỉ đạo xử lý 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình. Ảnh: Quochoi.vn.
Đối với trường hợp xử lý vướng mắc thực hiện quyết toán hợp đồng EPC dự án xây dựng Nhà máy đóng tàu Dung Quất (giai đoạn 1), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành chức năng khẩn trương rà soát, xem xét kỹ lại các nội dung thỏa thuận ký kết của hợp đồng, đồng thời rà soát, kiểm tra lại các kết luận thanh tra liên quan đến hợp đồng để tiến hành xử lý dứt điểm trong tháng 12 năm 2020.
Đối với vướng mắc quyết toán tàu chở dầu 104.000 DWT, do PVN và SBIC chưa thống nhất được giá trị con tàu khi thực hiện chuyển giao nguyên trạng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ SBIC sang PVN, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình giao Bộ Tài chính chủ trì cùng các bộ, ngành chức năng, SBIC và PVN họp bàn để thống nhất giá trị con tàu theo đúng quy định của pháp luật để tiến hành xử lý dứt điểm.
Theo Zingnews Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng đồng ý với đề xuất của các bộ, ngành, PVN và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đưa các dự án/doanh nghiệp DAP-1, Ethanol Bình Phước và Ethanol Phú Thọ ra khỏi danh sách theo dõi, xử lý của Ban chỉ đạo xử lý 12 dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả, chậm tiến độ của ngành Công Thương. Giao Văn phòng Chính phủ hoàn thiện báo cáo, có cơ sở, căn cứ để có quyết định chính thức.
Thường trực Chính phủ, Thủ tướng đã có những chỉ đạo, giao nhiệm vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục triển khai, trong năm 2021-2022 hoàn thành xây dựng nhà máy đưa vào vận hành, đảm bảo an toàn và chất lượng
12 dự án yếu kém ngành Công Thương có 43.700 tỷ đồng tổng mức đầu tư, sau điều chỉnh lên hơn 63.611 tỷ đồng (tăng gần 46%). Trong đó, vốn chủ sở hữu trên 14.351 tỷ đồng (khoảng 23%), vốn vay hơn 47.452 tỷ đồng (75%), còn lại gần 2,9% từ các nguồn khác. Trong tổng số vốn vay, khoản từ ngân hàng trong nước hơn 41.802 tỷ đồng, còn lại là vay bảo lãnh của Chính phủ.
Nguyễn Triệu