PV Power không đủ than để phát điện
Theo Phó tổng giám đốc PV Power Nguyễn Duy Giang, hiện tổ máy số 2 của Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng chỉ chạy với công suất 370/600 MW do lượng than cấp từ Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) không đủ theo hợp đồng đã ký.
Theo hợp đồng nguyên tắc đã được ký kết giữa TKV và PV Power, TKV sẽ đảm bảo cung cấp than cho nhà máy điện Vũng Áng 1 của PV Power trong suốt 20 năm vòng đời dự án, hàng năm sẽ chốt hợp đồng sản lượng cụ thể. Năm 2022, TKV cam kết sẽ cung cấp tổng cộng 1,8 triệu tấn than cho PV Power.
Tuy nhiên, do tình hình thiếu than chung xảy ra với nhiều nhà máy nhiệt điện trong cả nước, quý I vừa qua, TKV chỉ cung ứng cho PV Power 30% sản lượng than theo hợp đồng cam kết. Hiện tại, tình hình cung ứng than vẫn chưa được cải thiện nên tồn kho than cho phát điện của nhà máy điện Vũng Áng 1 chỉ là 7 ngày.
Thực tế, nhà máy điện Vũng Áng 1 được giao sản lượng điện hợp đồng là 289,3 triệu kWh cho tổ máy số 2 với giá thị trường cao hơn chi phí biến đổi nên nhà máy cơ bản phát tối đa sản lượng có thể. Nhưng, do khả năng cấp than hạn chế nên tổ máy số 2 nhà máy điện Vũng Áng 1 chỉ vận hành trung bình khoảng 9 triệu kWh/ngày và nhà máy không hoàn thành kế hoạch sản lượng trong tháng 5 vừa qua.
Ông Giang cũng cho biết, hiện PV Power cũng chủ động tìm nhiều nguồn nhập khẩu than khác từ đối tác như Lào, Indonesia, Australia nhưng không thể nhập khẩu về do giá than nhập khẩu cao hơn giá than TKV vẫn cung cấp nên tình trạng thiếu than vẫn chưa thể giải quyết.
Vì vậy, giải pháp để đảm bảo than cho phát điện chính là TKV hiệp thương với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để đưa giá than nhập khẩu theo mặt bằng thế giới vào giá điện. Có như vậy, tình trạng thiếu than cho phát điện sẽ được tháo gỡ và doanh nghiệp như PV Power có thể tìm mua các nguồn than nhập khẩu thay thế bù vào lượng than nội địa trong nước bị thiếu hụt, ông Giang đề xuất.
Trong tháng 6, PV Power đặt mục tiêu doanh thu đạt 2.166 tỷ đồng, sản lượng điện 1,3 tỷ kWh. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng sẽ đảm bảo đủ nhiên liệu để vận hành an toàn và ổn định các nhà máy điện trong bối cảnh căng thẳng Nga – Ukraina làm giá nhiên liệu dầu, khí, than tăng cao.
PV Power cũng sẽ phối hợp với PV Gas, TKV và các đơn vị cung cấp dầu để đảm bảo cung ứng đủ nhiên liệu (khí, than, dầu) cho các nhà máy điện. Cùng với đó, đơn vị này sẽ tiếp tục nghiên cứu triển khai phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo..
Trong tháng 5, tổng sản lượng điện của PV Power đạt 1,1 tỷ kWh, gần như hoàn thành kế hoạch tháng nhưng lại giảm 24% so với cùng kỳ năm 2021. Trong cơ cấu doanh thu, nhà máy điện Nhơn Trạch 2 chiếm tỷ trọng lớn nhất với gần 36%, tiếp đó là nhà máy điện Cà Mau 1&2 là gần 35,6%, phần còn lại là của các nhà máy khác.
PV Power cho biết, tháng 5 xảy ra mưa lớn trên diện rộng khắp cả nước, làm giảm nền nhiệt độ và giảm nhu cầu dùng điện sinh hoạt; đồng thời các hồ thủy điện được bổ sung lượng nước lớn trước khi vào mùa mưa. Các nhà máy thủy điện sẽ chào giá thấp, vận hành hạ thấp mực nước để đón lũ, trong khi các nhà máy thủy điện miền Trung sẽ cân đối giữ nước để vận hành vào các thời điểm giá cao trong các tháng tiếp theo.
Về tình hình một số nhà máy của công ty, nhà máy điện Cà Mau 1&2 được giao sản lượng điện hợp đồng cao (516,4 triệu kWh, tương đương công suất phát tối thiểu của 3 tổ máy với lượng khí tiêu thụ 3,5 triệu m3/ngày).
Do việc khó khăn về nguồn chỉ đủ để vận hành 2 tổ máy (trung bình 2,8 – 3,2 triệu m3/ngày) dẫn đến việc cắt giảm sản lượng điện hợp đồng còn 378,1 triệu kWh. Việc này ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của nhà máy nhiệt điện Cà Mau 1&2.
Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 được giao sản lượng theo hợp đồng là 390,3 triệu kWh. Giá thị trường nhiều thời điểm cao hơn chi phí biến đổi, do vậy nhà máy dự kiến vận hành vượt sản lượng kế hoạch. Trong các ngày cuối tháng, giá thị trường thấp hơn chi phí khí. Tuy nhiên, Nhơn Trạch 2 vẫn chào giá để vận hành với mục tiêu giảm lượng khí phạt bao tiêu và đàm phán sản lượng điện hợp đồng cho các năm tiếp theo.