PVN về đích chỉ tiêu sản lượng khai thác dầu thô năm 2022

Anh Nguyễn/TTXVN 13:34 | 06/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã về đích chỉ tiêu sản lượng khai thác dầu thô của cả năm 2022, sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch.

 Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng phát biểu tại giao ban sản xuất kinh doanh. (Ảnh: PVN). 

Đây là thông tin được Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho biết tại giao ban sản xuất kinh doanh ngày 5/11. Theo ông Hùng, sản lượng khai thác dầu thô của toàn PVN trong trong 10 tháng của năm 2022 đạt 9,03 triệu tấn, vượt 3% kế hoạch cả năm 2022 và bằng 99,4% mức thực hiện cùng kỳ năm 2021.

Cùng với hoàn thành chỉ tiêu sản lượng khai thác dầu thô của năm trước 70 ngày,  PVN cũng nỗ lực cung ứng tối đa xăng dầu cho thị trường trong nước, góp phần cùng Bộ Công Thương và các doanh nghiệp nhà nước khác đảm bảo an ninh xăng dầu trong nước trước ảnh hưởng của khủng hoảng năng lượng trên thế giới.

Đối mặt với nhiều khó khăn

Trong tháng 10 và 10 tháng của năm 2022, kinh tế toàn cầu đang bên bờ của sự suy thoái trên diện rộng khi chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ở các thị trường, các nền kinh tế lớn đều suy giảm, cho thấy sản xuất tiếp tục thu hẹp, cầu thị trường giảm mạnh, nhất là ở khu vực châu Âu- thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Chỉ số PMI sản xuất khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tháng 10 đạt 46,4 điểm, giảm 2 điểm so với tháng 9/2022 (48,4 điểm) và là mức thấp nhất trong 29 tháng qua. Trong khi đó, chỉ số PMI sản xuất toàn cầu của JP Morgan công bố tháng 10/2022 là 49,4 điểm - duy trì dưới mốc 50,0 điểm tháng thứ hai liên tiếp, thấp hơn 0,4 điểm so với tháng 9/2022 (49,8 điểm) và là mức thấp nhất trong 28 tháng qua.

Cùng đó, lạm phát ở mức cao kỷ lục trong vài thập kỷ gần đây đã khiến các quốc gia trên thế giới thắt chặt tín dụng thông qua nâng lãi suất. Hệ quả là cả hai trụ cột của thế giới là Mỹ và EU đều đang đối mặt với lạm phát đình trệ. Tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ chậm lại từ 6% năm 2021 xuống còn 3,2% năm 2022 và 2,7% năm 2023. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2001 ngoại trừ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và giai đoạn bùng phát của đại dịch COVID-19.

Ở trong nước, mặc dù kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, tuy nhiên giá cả, lạm phát toàn cầu gia tăng đã buộc các nước; trong đó có Việt Nam phải đẩy nhanh tốc độ thu hẹp chính sách tài khóa và tiền tệ, tăng trần lãi suất và tỷ giá để kiểm soát lạm phát.

Bên cạnh đó, đáng chú ý, chỉ số PMI sản xuất trong nước tháng 10/2022 giảm xuống 50,6 điểm so với mức 52,5 điểm trong tháng 9/2022, là mức thấp nhất trong thời kỳ tăng kéo dài 13 tháng gần đây. Thị trường chứng khoán lao dốc, thị trường bất động sản sụt giảm mạnh, các rủi ro trên thị trường vốn đang tác động và dự báo sẽ tiếp tục ảnh hưởng ngày càng sâu sắc hơn đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.

Duy trì sản xuất kinh doanh an toàn ổn định

Trong bối cảnh đầy biến động như vậy, PVN đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để ứng phó, đảm bảo duy trì sản xuất kinh doanh an toàn ổn định và tăng trưởng cao.  PVN đã chủ động dự báo tình hình giá dầu; tăng cường quản trị biến động, điều hành linh hoạt, phát huy vai trò các chuỗi giá trị.  

Nhờ vậy, trong 10 tháng của năm 2022, hoạt động tại các nhà máy, công trình, giàn khoan của Tập đoàn được đảm bảo an toàn, thông suốt. PVN đã hoàn thành kế hoạch khai thác dầu thô cả năm trước 2 tháng 9 ngày (đạt 8,74 triệu tấn vào ngày 22/10), tính chung 10 tháng đạt 9,03 triệu tấn, vượt 3% kế hoạch cả năm 2022 và tiệm cận mức thực hiện cùng kỳ năm 2021.

Sản lượng khai thác dầu về đích sớm do các mỏ khai thác chủ lực đã duy trì nhịp độ khai thác với hệ số hoạt động cao; công tác quản trị sản lượng, các giải pháp kỹ thuật được áp dụng liên tục, đồng bộ và kịp thời. Cùng đó là công tác phát triển mỏ được triển khai tích cực.

Trong 10 tháng qua, PVN đã đưa 4 mỏ và công trình vào khai thác gồm: Giàn RC-10 mỏ Rồng và giàn CTC-2 mỏ Cá Tầm (ngày 28/10); mỏ H4 Bắc Bunga Orkid FO (ngày 30/4); mỏ Đại Nguyệt (ngày 8/8). Bên cạnh đó, sản xuất khí, điện, đạm, xăng dầu và các sản phẩm khác đều tích cực, đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường, góp phần cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho sản xuất và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Với kết quả sản xuất và điều hành kinh doanh, PVN đã hoàn thành vượt mức cao các chỉ tiêu tài chính. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn 10 tháng qua ước đạt 782 nghìn tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch cả năm và tăng 56% so với cùng kỳ 2021. Nộp ngân sách toàn Tập đoàn 10 tháng ước đạt 112,2 nghìn tỷ đồng, vượt 74% kế hoạch năm 2022, tương đương với thực hiện cả năm 2021 (112,5 nghìn tỷ đồng).

Cung ứng tối đa xăng dầu cho thị trường

Từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều cửa hàng xăng dầu tư nhân (đặc biệt tại các khu vực phía Nam) đóng cửa ngừng bán do nguồn cung khan hiếm và chiết khấu thị trường thấp. Trước tình hình đó, PVN đã nỗ lực cung ứng tối đa cho thị trường.

Sản xuất xăng dầu (không gồm sản lượng của Lọc dầu Nghi Sơn) tháng 10 đạt 581,4 nghìn tấn, vượt 8% kế hoạch tháng. Tính chung 10 tháng qua, sản lượng xăng dầu sản xuất đạt 5,74 triệu tấn, vượt 9% kế hoạch 10 tháng và tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021. Bao tiêu sản phẩm lọc dầu từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn tháng 10 đạt 648 nghìn tấn, vượt 15% kế hoạch tháng, tính chung 10 tháng tăng 13% so với cùng kỳ 2021.

Dự báo nguồn cung xăng dầu trên thị trường tiếp tục khó khăn trong những tháng cuối năm, đặc biệt là để phục vụ nhu cầu tăng lên vào dịp lễ hội, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán sắp tới, PVN đã chỉ đạo các đơn vị liên quan trong Tập đoàn triển khai kế hoạch sản xuất, phân phối xăng dầu nhằm góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.

Theo Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, nhiệm vụ cấp bách của PVN hiện nay  là giữ vận hành an toàn, ổn định cho sản xuất, đặc biệt là nỗ lực đảm bảo nguyên liệu, giám sát vận hành, tránh sự cố để Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có thể hoạt động ở công suất cao (109 – 110% công suất); thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, cơ cấu thị trường phù hợp, đặc biệt là ở khu vực có các điểm nóng, góp phần bình ổn thị trường, chia sẻ khó khăn với Nhà nước.

Phát biểu tổng kết cuộc họp, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng đã đề nghị các đơn vị trong toàn Tập đoàn nhận diện, đánh giá các rủi ro trong tình trạng khủng hoảng thị trường vốn hiện nay, vấn đề liên quan về tín dụng, lạm phát, tỷ giá, đồng thời đánh giá tác động của khủng hoảng năng lượng toàn cầu đến thị trường trong nước để đưa ra những giải pháp kiểm soát, quản trị rủi ro trong toàn Tập đoàn.

PVN tiếp tục phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch tăng trưởng năm 2022, tạo đà cho thực hiện kế hoạch năm 2023. Đặc biệt, PVN tập trung đảm bảo sản xuất, kinh doanh an toàn ổn định, dự trữ xăng dầu tối đa, góp phần cùng Bộ Công Thương và các doanh nghiệp nhà nước khác ổn định thị trường xăng dầu.