Loạt CTCK chung dự báo tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng năm nay chỉ khoảng 10%

Diên Vỹ 15:28 | 08/09/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trải qua nửa đầu năm với bức tranh lợi nhuận nhìn chung kém tích cực so với cùng kỳ, nhiều dự báo cho rằng lợi nhuận của các ngân hàng sẽ cải thiện kể từ quý III/2023 nhờ lãi suất huy động giảm và CASA tăng trở lại tác động lên chi phí vốn, dẫn đến NIM phục hồi. Mức tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành cả năm được các công ty chứng khoán VDSC, ACBS, TPS kỳ vọng đạt khoảng 10%.

 

Lợi nhuận các ngân hàng đã chạm đáy trong quý II, tăng trưởng lợi nhuận cả năm dự báo khoảng 10%

Trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng mới nhất hôm 5/9, Chứng khoán ACB (ACBS) chỉ ra rằng tổng lợi nhuận trước thuế quý II/2023 của các ngân hàng niêm yết trong chỉ số VN-Index đã ghi nhận giảm 4,8% so với quý I và giảm 1,0% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Phân tích sâu hơn về bức tranh kinh doanh của ngành ngân hàng trong quý II, ACBS chỉ ra một số điểm nổi bật.

Đầu tiên, thu nhập lãi thuần quý II giảm 3,9% so với quý I và chỉ tăng nhẹ 2,1% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do NIM bị thu hẹp mặc dù tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng niêm yết vẫn tương đối tích cực với mức tăng 11,1% so với cùng kỳ. Trong khi đó, thu nhập ngoài lãi quý II là điểm tích cực khi phục hồi 17,6% so với quý I nhờ lợi nhuận từ kinh doanh chứng khoán (chủ yếu là trái phiếu chính phủ). So với năm trước, thu nhập ngoài lãi toàn ngành tăng nhẹ 3% do mức nền cao ở cùng kỳ.

Về phía chi phí, chi phí hoạt động toàn ngành trong quý II đã tăng 7,8% so với quý I và tăng 6,9% so với cùng kỳ khi các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh chi đầu tư tài sản và hạ tầng công nghệ số. Tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/thu nhập hoạt động của các ngân hàng vẫn ở mức tốt là 33,2%, tăng nhẹ so với mức 31,0% ở quý trước. 

Ngoài ra, chi phí dự phòng quý II tăng 1,3% so với quý I và tăng 2,7% so với cùng kỳ dù tỷ lệ nợ xấu tăng đáng kể lên 1,93% (tức tăng 0,16 điểm % so với quý I và tăng 0,46 điểm % so với đầu năm, chủ yếu do nợ nhóm 2 chuyển sang). Nhìn chung, dư nợ xấu tăng đáng kể trong khi chi phí dự phòng chỉ tăng nhẹ khiến bộ đệm dự phòng tiếp tục bị bào mỏng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm xuống mức 109% từ mức đỉnh 160% vào quý III/2022.

Nhìn chung, ACBS nhận định bức tranh lợi nhuận toàn ngành trong 6 tháng đầu năm vừa qua không mấy tích cực. Tuy nhiên, nhóm phân tích kỳ vọng lợi nhuận của các ngân hàng sẽ cải thiện kể từ quý III trở đi nhờ lãi suất huy động giảm và CASA tăng trở lại sẽ bắt đầu tác động lên chi phí vốn của các ngân hàng dẫn đến NIM phục hồi. Trong khi đó, lãi suất cho vay mới hiện đã ở mức hợp lý hơn so với kỳ vọng của khách hàng và sẽ giảm chậm hơn lãi suất huy động. Thu nhập lãi thuần luôn là nguồn thu quan trọng nhất đối với các ngân hàng, chiếm khoảng 80% tổng thu nhập, do vậy, NIM phục hồi sẽ đóng vai trò quan trọng trong câu chuyện tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng.

Nhìn chung, cho cả năm 2023, ACBS kỷ vọng tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng đạt 10%, chậm lại rõ rệt so với mức tăng 34,6% của năm 2022.

Mức tăng trưởng lợi nhuận cũng được dự báo sẽ có sự phân hóa rõ nét giữa các ngân hàng. Trong đó, các ngân hàng có thanh khoản dồi dào và đặc biệt là khả năng quản trị rủi ro tín dụng tốt sẽ có điều kiện thuận lợi để đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn.

Cũng dự phóng mức 10% cho tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng cả năm, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) trong báo cáo triển vọng ngân hàng mới nhất bày tỏ kỳ vọng thu nhập ngành phục hồi dần trong nửa cuối năm theo sự phục hồi của nền kinh tế.

Theo nhóm phân tích VDSC, chính sách tiền tệ đang dần mở rộng, cùng với hàng loạt giải pháp tài khóa được đẩy mạnh thực hiện kỳ vọng sẽ tạo sức lan tỏa tốt lên các thành phần kinh tế. Thu nhập hoạt động theo đó kỳ vọng khả quan hơn nửa đầu năm, chủ yếu được dẫn dắt bởi thu nhập lãi, nhờ NIM cải thiện và tăng trưởng tín dụng khả quan hơn. 

Cùng đó, tốc độ hình thành nợ xấu chậm lại giúp giảm áp lực về tỷ lệ nợ xấu vào cuối năm. Tỷ lệ nợ xấu kỳ vọng ghi nhận mức đỉnh trong quý III/2023 và giảm nhẹ trong quý IV khi sức khỏe nền kinh tế được dự kiến phục hồi. 

“Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cho cả năm 2023 được dự phóng ở mức khiêm tốn 10% cho danh sách theo dõi của chúng tôi, với tăng trưởng 9% của thu nhập lãi thuần đóng góp vào tăng trưởng 6% của tổng thu nhập hoạt động và chi phí dự phòng giảm 1% hỗ trợ lợi nhuận trước thuế cả danh mục”, báo cáo của VDSC nhấn mạnh.

Tương tự, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cũng dự báo tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng năm nay khoảng 10% với các triển vọng: tăng trưởng tín dụng đạt mức 10-12%; tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) nửa cuối năm cải thiện hơn nửa đầu năm nhưng so với cả năm 2022 vẫn giảm tốc; tăng trưởng từ hoạt động ngoài lãi đến từ hoạt động ngoại hối và hoạt động thanh toán, hoạt động bảo hiểm tiếp tục chậm lại; tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) tăng nhẹ so với năm 2022 và cuối cùng, nợ xấu vẫn tiếp tục xu hướng gia tăng. 

 Nguồn: Diên Vỹ tổng hợp từ BCTC các ngân hàng, TPS.

Định giá ngành ngân hàng vẫn hấp dẫn

Tính đến thời điểm 28/8/2023, tính toán của ACBS cho thấy giá cổ phiếu ngành ngân hàng  đang được giao dịch ở mức P/E là 9,3 lần và P/B là 1,8 lần, thấp hơn lần lượt 22,2% và 11,5% so với mức trung bình lịch sử 10 năm. 

“Giá cổ phiếu ngành ngân hàng đã có sự phục hồi khá ấn tượng 48% kể từ vùng đáy vào tháng 11/2022, tuy nhiên, hệ số giá trên thu nhập P/E của cổ phiếu ngành ngân hàng hiện vẫn đang thấp hơn 1 độ lệch chuẩn so với trung bình lịch sử là 12 lần”, báo cáo của ACBS nhận định.

Dựa trên kỳ vọng này, nhóm phân tích cho rằng mặc dù dự báo tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành năm nay ở mức 10% là không quá tích cực, định giá cổ phiếu ngân hàng vẫn còn khá hấp dẫn với tầm nhìn đầu tư trung và dài hạn.

Các chuyên gia từ TPS cũng nhận định với P/B hiện tại là 1,59x, thấp hơn mức định giá trung bình 5 năm 1,93x thì mức định giá của ngành ngân hàng hiện vẫn còn hấp dẫn.

 Nguồn: TPS

Còn theo nhóm phân tích VDSC, định giá ngành ngân hàng cho đến nay đã phục hồi tương đối trong bối cảnh Chính phủ và các bộ ngành nỗ lực tháo gỡ cho các nút thắt về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và bất động sản (BĐS) suốt thời gian qua. Mức P/B hiện tại của ngành tương đương giai đoạn 2016 – 2017 khi thị trường BĐS bắt đầu khởi sắc sau giai đoạn dài trầm lắng. Do vậy, cho bối cảnh hiện tại, VDSC kỳ vọng các hoạt động kinh tế sẽ cho thấy sự phục hồi rõ rệt hơn để nhóm cổ phiếu ngân hàng được tái định giá lên mặt bằng cao hơn.