VDSC: Cổ phiếu ngân hàng đang ở mức định giá hấp dẫn cho nhà đầu tư dài hạn

Diên Vỹ 15:29 | 15/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng mới nhất, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định giá cổ phiếu ngân hàng đã tăng trở lại trong 6 tháng qua nhưng định giá vẫn thấp hơn bình quân 5 năm. Nhóm phân tích cho rằng đây là mức định giá hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn tích lũy cổ phiếu nhóm ngân hàng.

 

Trước đó, trong quý I/2023, tăng trưởng lợi nhuận giảm trên diện rộng đã được chứng kiến ở hầu hết các ngân hàng, với tăng trưởng thu nhập của ngành (được tính toán dựa trên 27 ngân hàng niêm yết) ghi nhận mức âm -3% so với cùng kỳ (hoặc +5% so với cùng kỳ, nếu loại trừ phí trả trước của VPB trong quý I/2022). Trong đó, nhóm quốc doanh có kết quả tích cực nhất, với mức tăng trưởng trung bình 18,9% nhờ kết quả tăng trưởng ấn tượng 53% của BID.

 

 Ảnh: VDSC

 

Một yếu tố đáng lưu ý khác trong quý I là chất lượng tài sản suy giảm khi tốc độ hình thành nợ xấu gia tăng nhanh. Nợ xấu ngành ngân hàng đã gia tăng quý thứ ba liên tiếp sau khi Thông tư 14/2021 về nợ tái cơ cấu Covid-19 hết hiệu lực cùng với những bất ổn của thị trường trong nửa cuối năm 2022 và những hệ lụy sau đó. Tuy nhiên, VDSC chỉ ra rằng cũng có sự khác biệt giữa các nhóm ngân hàng khi nhóm quốc doanh có dấu hiệu giảm dần nợ xấu hình thành trong khi sự suy giảm chất lượng tài sản của nhóm TMCP vẫn chưa dừng lại trong bối cảnh nhóm khách hàng trung bình và thấp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dấu hiệu suy thoái kinh tế.

Tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng trong quý I đạt 2,06% so với đầu năm, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (5,97%) do nhu cầu tín dụng yếu trong bối cảnh kinh doanh gặp nhiều khó khăn và thị trường bất động sản ảm đạm. Một số cái tên có tăng trưởng cao hơn trung bình ngành có thể kể đến như TCB (+9% từ đầu năm), HDB (+9%) trong khi ở chiều ngược lại, VIB (-1,3%), ACB (- 0,6%), có mức tăng thấp hơn trung bình.

 

 Ảnh: VDSC

 

 

NIM tiếp tục chứng kiến xu hướng giảm liên tục từ quý trước nhưng với mức độ khác nhau giữa các ngân hàng như VPB (6,5%, -1 điểm % so với quý IV/2022), TCB (4,1%, -0,38 điểm %), MBB (5,7%, -0,11 điểm %), do chi phí vốn tăng vọt trong quý này đã phản ánh đầy đủ các đợt tăng mạnh lãi suất huy động kéo dài từ những tháng cuối năm 2022. Điều này cũng bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ CASA sụt giảm liên tục trên toàn ngành do cả lãi suất tăng và bối cảnh kinh tế khó khăn, với một số ngân hàng bị ảnh hưởng nặng nề hơn phần còn lại.

 

 

Cũng trong báo cáo, nhóm phân tích VDSC dự báo tín dụng sẽ dần phục hồi từ những tháng cuối năm 2023 trở đi, được hỗ trợ bởi một số yếu tố.

Cụ thể, theo các chuyên gia, về cuối năm, áp lực về chi phí tín dụng giảm sẽ được hỗ trợ bởi thuận lợi chính sách. Việc NHNN ban hành Thông tư 02 vào ngày 23/04/2023 được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở để các ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ, từ đó hỗ trợ khả năng làm mềm xu hướng gia tăng của tỷ lệ nợ xấu và phần nào giảm áp lực trích lập chi phí dự phòng trong vài quý tiếp theo, đặc biệt là quý II và quý III. 

“Nhìn chung, áp lực về nợ xấu cũng như chi phí tín dụng đều được kỳ vọng sẽ giảm nhẹ trong thời gian tới, mặc dù mức độ thay đổi chi phí dự phòng giữa các bên vẫn có thể khác nhau”, báo cáo cho hay.

 

 Ảnh: VDSC

 

Bên cạnh đó, VDSC dự báo nhu cầu tín dụng sẽ dần hồi phục từ những tháng cuối năm 2023 trở đi, nhờ sự khởi sắc của lĩnh vực xuất nhập khẩu từ nửa cuối 2023 và những tín hiệu tích cực hơn của thị trường bất động sản từ quý IV. 

“Có thể thấy tín dụng liên quan đến bất động sản là động lực chính của tổng tăng trưởng tín dụng trong nhiều năm, nên các dự án sắp chào bán vào cuối năm nay có thể tiếp tục là động cơ hỗ trợ thúc đẩy nhu cầu tín dụng yếu hiện tại quay trở lại”, nhóm phân tích nhận định.

VDSC cũng kỳ vọng vào triển vọng khả quan hơn của NIM, được hỗ trợ bởi các tín hiệu cắt giảm lãi suất gần đây với việc lãi suất tiền gửi niêm yết toàn ngành ở một số kỳ hạn đã giảm từ tháng 3. Động thái theo định hướng chính sách này được kỳ vọng sẽ giảm bớt áp lực lên chi phí huy động trong các quý tới, tạo tiền đề thuận lợi cho việc cải thiện NIM do lợi suất tài sản vẫn neo ở mức cao. 

Đáng chú ý, nhóm phân tích nhận định dù giá cổ phiếu ngân hàng đã tăng trở lại trong 6 tháng qua nhưng định giá vẫn thấp hơn bình quân 5 năm, vẫn là mức hấp dẫn cho nhà đầu tư dài hạn.

“Định giá đã đạt đến mức hấp dẫn trong những tháng cuối năm 2022 như đã đề cập trong báo cáo chiến lược năm 2023 của chúng tôi. Sau đó, khi một số nút thắt liên quan đến bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp được giải tỏa để bảo vệ hệ thống ngân hàng, giá cổ phiếu ngân hàng đã bật tăng trở lại mức -1std. Chúng tôi nhận định đây là mức định giá hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn tích lũy cổ phiếu nhóm ngân hàng”, báo cáo cho hay.

 

 Ảnh: VDSC