Loạt doanh nghiệp thuỷ sản báo chi phí vận chuyển tăng mạnh khi cước vận tải biển leo thang

Trang Mai 11:46 | 01/08/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cùng với những căng thẳng tại biển Đỏ, giá cước vận tải liên tục tăng đã tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là ngành thuỷ sản.

 

Thiếu tàu và cước vận tải tăng cao gây sức ép lớn lên các doanh nghiệp thủy sản

Vấn đề phức tạp từ khu vực Aden, Biển Đỏ đã khiến các hãng vận tải lớn như Yang Ming Line, One, Evergreen Line, Maersk… tránh đi qua kênh đào Suez để đảm bảo an toàn. Với việc thay đổi hải trình này, các hãng cũng đã thông báo thu thêm phụ phí cho các tuyến châu Á- châu Âu, đi đến Mỹ và Canada.

 Chỉ số giá cước container thế giới tổng hợp của Drewry Tuần 12/2024 (Nguồn: Drewry)

Thậm chí, thông tin trên VTV, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê ở TP HCM cho biết, có thời điểm, giá cước container 40 feet xuất hàng sang Mỹ lên tới 8.000 USD. Với mức cước đó, nếu xuất khẩu, doanh nghiệp cầm chắc lỗ.

Liên quan vấn đề trên, ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho biết, từ tháng 1, giá cước vận chuyển đi Mỹ, EU và một số nước khác đã được điều chỉnh tăng cao.

Theo ông Hoè, khoảng 80% lượng hàng hoá đi bờ Đông của Mỹ, Canada và EU đều phải qua kênh đào Suez. Tuy nhiên, do căng thẳng bởi chiến tranh, bao gồm cả những bất ổn từ việc tấn công tàu hàng đi vào Biển Đỏ để qua kênh đào Suez, cho nên tàu hàng phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng. Điều này khiến hành trình kéo dài thêm 7-10 ngày, tức chi phí phát sinh sẽ nhiều hơn, bao gồm cả vòng quay của tàu.

Doanh nghiệp thủy sản còn chịu tác động lớn hơn nhiều, bởi đặc thù xuất khẩu hàng chế biến đông lạnh là phải thuê container lạnh, trong khi việc thuê container lạnh cũng không dễ. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Vasep từng nhấn mạnh: “Đặt được container lúc này rất khó. Các hãng tàu lớn đang giảm chuyến, giảm số lượng tàu, nên chi phí logistics bị đẩy lên rất cao”.

Vĩnh Hoàn, Sao Ta, Nam Việt... đồng loạt báo chi phí vận chuyển quý II tăng vọt

Tác động của giá cước tàu được thể hiện rõ trong báo cáo tài chính quý II của loạt doanh nghiệp thuỷ sản.

 

Tại Vĩnh Hoàn (mã: VHC), Mỹ, Châu Âu là các thị trường xuất khẩu chính. Trong nửa đầu năm nay, chi phí vận chuyển, lưu kho và các chi phí dịch vụ mua ngoài khác tăng tới 56%, tương đương gần 40 tỷ so với cùng kỳ 2023. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến chi phí bán hàng tăng 43%, lên gần 140 tỷ đồng. 

Dù doanh thu trong 6 tháng vẫn tăng 22%, thế nhưng chậm hơn tốc độ tăng của giá vốn, cộng thêm việc giá bán sản phẩm cá tra giảm, lợi nhuận 6 tháng của Vĩnh Hoàn đã giảm tới 157 tỷ, tương đương 23%, xuống còn 525 tỷ đồng. Đây cũng là mức thấp nhất trong nửa đầu năm giai đoạn 2022-2024. 

Với Nam Việt (mã: ANV), dù thị trường chính là Trung Quốc, thế nhưng sự chuyển dịch sang Mỹ, Brazil, Colombia thời gian gần đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chi phí vận chuyển tăng gần gấp đôi trong quý II, từ 19 tỷ lên gần 36 tỷ đồng, dù doanh thu chỉ tăng hơn 10%. 

Trong quý I, khoản chi phí vận chuyển cũng chiếm cơ cấu lớn nhất trong chi phí bán hàng của Nam Việt. Luỹ kế 6 tháng, khoản chi này ghi nhận 53 tỷ đồng, chiếm một nửa chi phí bán hàng. 

Trong mảng kinh doanh tôm, Sao Ta (mã: FMC), chi phí vận chuyển nửa đầu năm nay tăng tới 48%, tương đương hơn 14 tỷ. Trong khi đó, doanh thu cũng tăng 32%, cho thấy những dấu hiệu tích cực của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, một trong những thị trường chính của Sao Ta là Nhật Bản, chi phí cước tàu vận chuyển hàng hóa tới Nhật Bản không cao như tới Mỹ, EU. Do đó có thể chi phí vận chuyển không tác động quá nhiều đến kinh doanh của đơn vị này. 

Một doanh nghiệp cũng ghi nhận chi phí vận chuyển tăng mạnh là Thuỷ sản Cửu Long An Giang (mã: ACL). Trong 6 tháng, doanh thu của đơn vị này tăng mạnh 2,4 lần, lên gần 900 tỷ. Thế nhưng giá vốn tăng mạnh hơn với 2,7 lần. Lãi gộp ghi nhận 87 tỷ. 

Tuy nhiên, 49% trong số này là chi phí bán hàng, bao gồm phí vận chuyển (22 tỷ), phí bao bì (22 tỷ) và một vài khoản phí khác. Sau cùng, lợi nhuận sau thuế 6 tháng của ACL ghi nhận 5,5 tỷ đồng, giảm 8 tỷ đồng so với nửa đầu năm ngoái. 

Bộ Công Thương: Doanh nghiệp XNK có thể xem xét các tuyến đường thay thế 

Trước tình trạng tăng giá cước vận tải biển, ùn tắc cục bộ tại một số cảng khu vực châu Á, thiếu container rỗng đã có tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu, ngày 19/7 mới đây, Bộ Công Thương đã có Công văn gửi các Hiệp hội ngành hàng xuất nhập khẩu; các Hiệp hội lĩnh vực logistics; Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam; Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam; Hiệp hội Đại lý, Môi giới và dịch vụ hàng hải Việt Nam về giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu trong bối cảnh giá cước vận tải biển tăng cao.

Đầu tiên, phối hợp giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics.

Bộ Công Thương đề nghị các hiệp hội ngành hàng xuất nhập khẩu cần làm việc với các Hiệp hội lĩnh vực logistics, Hiệp hội chủ hàng Việt Nam, Hiệp hội chủ tàu Việt Nam, Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hải Việt Nam nhằm nâng cao năng lực, tập hợp doanh nghiệp hội viên cùng xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch vận chuyển, kế hoạch xuất nhập khẩu hàng hoá. Chính điều này làm cơ sở ký kết hợp đồng dài hạn với hãng tàu, giảm thiểu tối đa tác động của giá cước, phụ phí trong giai đoạn thị trường quốc tế nhiều diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay.

Tiếp đó, phân luồng hàng hoá và tuyến đường thay thế.

Theo Bộ Công Thương, bên cạnh tuyến đường biển hiện tại, doanh nghiệp xuất nhập khẩu với châu Âu có thể xem xét các tuyến đường thay thế, trong đó có tuyến đường vận tải đa phương kết hợp, đi đường biển đến các cảng ở Trung Đông, sau đó đi đường hàng không, đường sắt hoặc đường bộ sang châu Âu.

Đồng thời tăng cường tận dụng ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Các hiệp hội ngành hàng xuất nhập khẩu phối hợp với Bộ Công Thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các cơ quan liên quan tăng cường phổ biến cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu về các quy định của các FTA nhằm tạo thuận lợi thương mại, nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các hiệp định này.

Ngoài ra cần giải quyết hàng hoá xuất nhập khẩu tồn đọng.

Theo đó, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phối hợp với cơ quan hải quan, doanh nghiệp khai thác cảng đẩy nhanh tiến độ xử lý hàng hoá tồn đọng tại các cảng, góp phần thúc đẩy luồng hàng lưu thông và nâng cao năng lực xử lý hàng hoá tại cảng.

Cùng lúc hỗ trợ đào tạo và nâng cao năng lực đàm phán hợp đồng mua bán và hợp đồng bảo hiểm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Các hiệp hội ngành hàng phối hợp với VCCI tăng cường tuyên truyền và nâng cao năng lực của doanh nghiệp xuất nhập khẩu vừa và nhỏ trong đàm phán, ký kết các hợp đồng mua bán ngoại thương và hợp đồng bảo hiểm nhằm bảo vệ doanh nghiệp trước rủi ro, tổn thất khi có sự cố. Đặc biệt với hàng hoá đường biển đi qua tuyến đường có mức độ rủi ro cao.

Cuối cùng là xây dựng kế hoạch phòng ngừa và phản ứng nhanh.

Các hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu chủ động xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó để giảm thiểu nguy cơ, rủi ro, tổn thất từ các sự cố phức tạp, khó lường tương tự trong tương lai.