Lối đi nào cho ngành hàng không trong cơn bão dịch COVID-19?

18:05 | 29/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tình hình đợt dịch COVID-19 thứ 4 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp khiến các doanh nghiệp vận tải hàng không vốn đã khó khăn thì nay lại rơi vào tình cảnh hết sức lao đao. Hàng loạt chuyến bay bị cắt giảm, máy bay "đắp chiếu", hành khách vắng bóng, cảng hàng không ngưng trệ, các hãng hàng không liên tiếp thông báo lỗ...

Hàng không lâm nguy

Hàng không là một ngành có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ trong phát triển kinh tế, mà còn đối với các vấn đề an ninh, quân sự và chủ quyền quốc gia. Trước đại dịch COVID-19, ngành hàng không thế giới có sự phát triển rất mạnh mẽ. Tính trung bình, ngành hàng không trên toàn thế giới đã tạo ra khoảng 65,6 triệu việc làm, trong đó, có 10,2 triệu việc làm trực tiếp và hơn 55 triệu việc làm gián tiếp, các hoạt động hàng không có tác động tới 2,7 nghìn tỷ USD các hoạt động kinh tế, tương đương khoảng 3,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nền kinh tế thế giới đã phải chịu nhiều thiệt hại to lớn, mà ngành đầu tiên chịu tác động nặng nề nhất chính là ngành vận tải hàng không. Theo báo cáo của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) về tình hình hoạt động hàng không trong năm 2020, lượng khách quốc tế và nội địa lần lượt giảm 1,38 tỷ và 1,32 tỷ hành khách, giảm 74% và 50% so với năm 2019 và làm sụt giảm doanh thu lần lượt 250 tỷ và 120 tỷ USD.

Theo báo Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết trước bối cảnh khủng hoảng của ngành hàng không thế giới, ngành hàng không Việt Nam cũng không nằm ngoài tác động của đại dịch COVID-19. Trong báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, với ngành hàng không, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thị trường sụt giảm nghiêm trọng nhất, nhu cầu vận tải hàng không năm 2020 giảm 34,5 - 65,9%, doanh thu các doanh nghiệp hàng không giảm 61% so với năm 2019.

Đợt dịch COVID-19 lần 3 bùng phát dịp tết năm 2021 khiến doanh thu ngành hàng không giảm 80% so với cùng kỳ năm 2020. Dự báo hoạt động vận tải hàng không tiếp tục gặp khó trong năm 2021. Nếu dịch COVID-19 được kiềm chế, phải đến năm 2024 hoạt động ngành hàng không mới có thể phục hồi như trước dịch bệnh.

Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines dự báo quý I/2021 lỗ khoảng 4.800 tỉ đồng, trong 6 tháng đầu năm số lỗ có thể lên tới 10.000 tỉ đồng. Hiện số nợ phải trả quá hạn của Vietnam Airlines lên tới 6.240 tỉ đồng, tổng công ty này đang cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản trong khi các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy ngân gói hỗ trợ 12.000 tỉ đồng của Chính phủ nên không cho Vietnam Airlines giải ngân tiếp hoặc không gia hạn, cấp tiếp hạn mức tín dụng.

Các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways dù đã cố gắng tối ưu hóa hoạt động khai thác và duy trì sản xuất kinh doanh thông qua việc chuyển nhượng các tài sản trong năm 2020, tuy nhiên dự báo hoạt động của 2 hãng bay tư nhân này tiếp tục khó khăn trong năm 2021, các hãng dẫn hết nguồn lực tài chính để hỗ trợ dịch vụ vận tải hàng không. Ước tính hãng bay Vietjet Air thiếu hụt khoảng 10.000 tỉ đồng để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo, sản lượng khách toàn thế giới năm 2021 chỉ bằng 33% so với năm 2019. Mức lỗ của các hãng hàng không ước tính sẽ lên tới 95 tỷ USD, gần gấp đôi so dự báo hồi tháng 12/2020. Trong ngắn hạn, triển vọng của ngành hàng không sẽ chưa mấy sáng sủa. Tốc độ phục hồi phụ thuộc vào mức độ thành công trong việc triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 của các nước.

Tiếp tục tìm kiếm lối thoát, đẩy nhanh chính sách hỗ trợ

Để hỗ trợ các doanh nghiệp chống chọi qua cơn bão đại dịch COVID-19, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) đã có kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư các chính sách và giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Theo ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm, Tổng thư ký VABA, do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam đã phải gánh khoản lỗ trên 18.000 tỷ đồng từ hoạt động vận tải hàng không và doanh thu giảm khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2019. Hiện nay, thị trường bay quốc tế vẫn đóng băng, hoạt động bay của các hãng chủ yếu chỉ là vận chuyển khách hồi hương, chuyên gia và hàng hóa. Dự báo, doanh thu các hãng hàng không từ nay đến cuối năm vẫn tiếp tục giảm.  

VABA cũng đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ (quy định giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa) để các doanh nghiệp hàng không cũng được hỗ trợ lãi suất thuộc nhóm đối tượng này; cho phép các doanh nghiệp hàng không tái cơ cấu nợ vay, giãn nợ vay đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết ngày 31/12/2021...

Ông Bùi Doãn Nề cho hay: “Điều quan trọng nhất vẫn là các hãng cần được vay hỗ trợ lãi suất thấp, tiếp đến là miễn, giảm thuế, phí”.

Theo báo Người Lao Động cho biết liên quan đến đề xuất các gói hỗ trợ để "giải cứu" ngành hàng không, ngày 28-9, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức cuộc họp trực tuyến triển khai nhiệm vụ hỗ trợ các hãng hàng không chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết 105 của Chính phủ.

Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước, cho biết hiện dư nợ tín dụng của các hãng tại tổ chức tín dụng khoảng hơn 24.000 tỉ đồng, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là hơn 2.500 tỉ đồng. Các tổ chức tín dụng cũng điều chỉnh giảm lãi vay từ 0,5 - 1 điểm %/năm cho doanh nghiệp hàng không.

Theo Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước, kết luận cuộc họp, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết đối với các giải pháp vượt thẩm quyền như gói tín dụng với lãi suất ưu đãi từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng cho vay các hãng hàng không, cơ quan này ủng hộ về chủ trương và sẽ đề nghị các bộ, ngành và Bộ Giao thông Vận tải với tư cách là cơ quan chủ quản báo cáo, kiến nghị (nếu cần thiết) với Quốc hội, Chính phủ để có cơ sở pháp lý thực hiện.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục bám sát tình hình để kịp thời điều chỉnh quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi phù hợp. Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét, điều chỉnh nới hạn mức tăng trưởng tín dụng trên cơ sở tổ chức tín dụng phải cân đối nguồn vốn, thẩm định hiệu quả của phương án vay vốn và tự chịu trách nhiệm về quyết định cấp tín dụng…