Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực: Lấy doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ
Dưới đây là những trợ giúp cơ bản từ Luật Hỗ trợ DNNVV dành cho doanh nghiệp:
7 biện pháp hỗ trợ chung và 3 nhóm biện pháp hỗ trợ mục tiêu.
Luật đã nhận diện và giới hạn biện pháp hỗ trợ DNNVV ở 7 biện pháp hỗ trợ chung (tín dụng, thuế, mặt bằng, công nghệ, thị trường, thông tin, nhân lực) và 3 nhóm biện pháp hỗ trợ mục tiêu (chuyển đổi hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo và chuỗi liên kết).
Các nội dung hỗ trợ chung sẽ được thực hiện bởi các cơ quan quản lý Nhà nước theo chức năng nhiệm vụ được giao. Còn các nội dung hỗ trợ có trọng tâm sẽ được Chính phủ tổ chức thực hiện một cách đồng bộ.
Lấy doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Tránh tình trạng xin-cho vốn đang tồn tại trong quan hệ giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp, Luật lấy doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Chính quyền phải cung cấp cho doanh nghiệp một dịch vụ công chính yếu.
Trong đó, chính quyền địa phương phải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có điều kiện sản xuất, ví dụ như cho phép doanh nghiệp trả tiền thuê đất theo năm hoặc vài năm, được thuê đất cho đến khi nào không hoạt động sản xuất.
Doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán đơn giản theo quy định của pháp luật về thuế, kế toán. Các doanh nghiệp có thể sử dụng chung kế toán chuyên nghiệp để hỗ trợ nhằm giảm chi phí.
Hộ kinh doanh cá thể không chỉ được hưởng ưu đãi về mặt bằng sản xuất, giảm thuế mà còn được hỗ trợ về thủ tục, đào tạo, tư vấn miễn phí về nghiệp vụ thuế, kế toán trong thời hạn 3 năm.
Với nội dung khuyến khích các ngân hàng, tổ chức tín dụng cố gắng đạt tối thiểu 30% dư nợ tín dụng trong hệ thống dành cho DNNVV, các DN sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc vay vốn.
DNNVV sẽ được hỗ trợ về mặt pháp lý trong tố tụng, tư vấn. Nếu xảy ra tranh chấp pháp lý, DN sẽ được hỗ trợ về mặt pháp lý để tránh hiện tượng thường xảy ra: Phần thắng luôn thuộc về DN lớn khi ra trước tòa án hay trọng tài. Nhà nước sẽ giúp DNNVV đánh giá khảo sát thị trường quốc tế để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh ra nước ngoài, thay vì trước đó, chỉ DN lớn mới đủ tiền thuê thuê tư vấn đánh giá khảo sát thị trường quốc tế.
Lấy doanh nghiệp làm trung tâm, Luật cũng quy định rõ về vai trò và trách nhiệm của các tổ chức hiệp hội. Các tổ chức hiệp hội hoạt động bằng chính nguồn kinh phí từ lệ phí của hội viên đóng góp và do đó, thành viên của hiệp hội có quyền đặt ra các tiêu chí hoạt động của hội mình, đảm bảo hướng tới lợi ích cao nhất của doanh nghiệp.