Mặc COVID-19, kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng năm 2020 đạt con số kỷ lục 489,88 tỷ USD

15:53 | 19/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng/2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 489,88 tỷ USD, tăng 3,6% với cùng kỳ năm trước.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 11 tháng đạt 489,88 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 254,97 tỷ USD, nhập khẩu 234,91 tỷ USD. Mức thặng dư thương mại hàng hóa đạt 20,06 tỷ USD.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong tháng 11 đạt 49,93 tỷ USD, giảm 3,2% so với tháng trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 25,24 tỷ USD, giảm 7,4% so với tháng trước (tương ứng giảm 2,02 tỷ USD); nhập khẩu đạt 24,69 tỷ USD, tăng 1,5% (tương ứng tăng 373 triệu USD).
 
Tính chung 11 tháng, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 489,88 tỷ USD, tăng 3,6% với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 254,97 tỷ USD, tăng 5,5% (tương ứng tăng 13,23 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 234,91 tỷ USD, tăng 1,7% (tương ứng tăng 3,93 tỷ USD).
 
Trong tháng 11, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 546 triệu USD. Kết quả này đã góp phần đưa mức thặng dư thương mại hàng hóa của cả nước trong 11 tháng đạt mức kỷ lục 20,06 tỷ USD.
 
Mặc COVID-19, kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng năm 2020 đạt con số kỷ lục 489,88 tỷ USD - ảnh 1
 
Tổng cục Hải quan ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 11 đạt 35,1 tỷ USD, giảm 1,9% so với tháng trước, đưa trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong 11 tháng đạt 333,46 tỷ USD, tăng 9,5%, tương ứng tăng gần 29 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019.
 
Trong 11 tháng, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Mỹ đạt 91,24 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2019, là châu lục đạt mức tăng trưởng cao nhất. Trong khi đó, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với châu Á đạt 315,84 tỷ USD, tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (64,5%) trong tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước.
 
Trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với châu Âu là 57,92 tỷ USD, giảm 4,4%; châu Đại Dương 8,8 tỷ USD, giảm nhẹ 0,2% và châu Phi 6,2 tỷ USD, giảm 5,5% so với 11 tháng năm 2019.
 
Xuất khẩu hàng hóa trong tháng 11 đạt 25,24 tỷ USD, giảm 7,4% về số tương đối và giảm 2,02 tỷ USD về số tuyệt đối so với tháng 10. So với tháng trước, các mặt hàng giảm trong tháng là: điện thoại các loại & linh kiện giảm 996 triệu USD, tương ứng giảm 18,4%; máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện giảm 399 triệu USD, tương ứng giảm 9,4%; hàng dệt may giảm 320 triệu USD, tương ứng giảm 12,5%...
 
Tính trong 11 tháng/2020 tổng trị giá xuất khẩu đạt 254,97 tỷ USD, tăng 5,5%, tương ứng tăng 13,23 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 7,89 tỷ USD, tương ứng tăng 24,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 7,49 tỷ USD, tương ứng tăng 45,2%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 1,49 tỷ USD, tương ứng tăng 15,6%; đồ chơi, dụng cụ thể thao & bộ phận tăng 897 triệu USD, tương ứng tăng 52,4%; sắt thép các loại tăng 857 triệu USD, tương ứng tăng 22,3%; sản phẩm nội thất từ chất liệu khác, trừ gỗ tăng 758 triệu USD, tương ứng 51,7%...
 
Bên cạnh đó có một số nhóm hàng giảm mạnh như: hàng dệt may giảm 2,89 tỷ USD, tương ứng giảm 9,7%; điện thoại các loại & linh kiện giảm 1,94 tỷ USD, tương ứng giảm 4%; giày dép các loại giảm 1,49 tỷ USD, tương ứng giảm 9%...
 
Nhập khẩu hàng hóa trong tháng là 24,69 tỷ USD, tăng nhẹ 1,5% về số tương đối, tương ứng tăng 373 triệu USD về số tuyệt đối so với tháng trước. Các mặt hàng có trị giá tăng so với tháng trước là: sắt thép các loại tăng 103 triệu USD, tương ứng tăng 17,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 100 triệu USD, tương ứng tăng 1,6%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 91 triệu USD, tương ứng tăng 2,7%...
 
Tổng trị giá nhập khẩu trong 11 tháng/2020 tăng 1,7%, tương ứng tăng 3,93 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 10,54 tỷ USD, tương ứng tăng 22,4%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 1,2 tỷ USD, tương ứng tăng 9%; sản phẩm từ chất dẻo tăng 606 triệu USD, tương ứng tăng 10,2%...
 
Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 10,54 tỷ USD, tương ứng tăng 22,4%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 1,2 tỷ USD, tương ứng tăng 9%; sản phẩm từ chất dẻo tăng 606 triệu USD, tương ứng tăng 10,2%.
 

Khai thác tốt các FTA

 

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng các FTA đã có hiệu lực và đang tiếp tục đàm phán, ký kết. Nhất là khi cộng đồng doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA sẽ là yếu tố tích cực thúc đẩy quá trình xuất khẩu hàng hóa. Đặc biệt, cùng với việc không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động đã và đang là động lực rất lớn trong việc phát triển các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cũng như thu hút mở rộng đầu tư và xuất khẩu sản phẩm của các doanh nghiệp.
 
Mặc COVID-19, kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng năm 2020 đạt con số kỷ lục 489,88 tỷ USD - ảnh 2
 
Ngày 15 tháng 11 năm 2020, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà Việt Nam là thành viên đã chính thức được ký kết, mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam khi quy mô thị trường của các quốc gia tham gia hiệp định chiếm hơn 32% tổng GDP toàn cầu với hơn 2,2 tỷ dân và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.
 
Đánh giá về hiệu quả của Hiệp định RCEP với doanh nghiệp (DN), đặc biệt là khối DN nhỏ và vừa, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, việc ký kết RCEP có ý rất lớn trong bối cảnh hiện nay, mở ra những cơ hội mới cho nền kinh tế cũng như DN trong một sân chơi kinh tế rộng lớn. Với các cam kết về mở cửa thị trường ở lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ, tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại RCEP sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng toàn cầu mới, thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho hàng hoá Việt Nam.
 
Nguyễn Dung