Mặc Covid, 9 tháng qua doanh thu phí bảo hiểm vẫn tăng 15,38%.

21:41 | 06/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Covid-19 kéo dài ảnh hưởng đến mọi mặt của xã hội, từ tăng trưởng kinh tế đến đời sống của người dân, tuy nhiên có vẻ như nó ít ảnh hưởng đến lĩnh vực bảo hiểm, biểu hiện rõ nhất là 9 tháng qua doanh thu phí bảo hiểm tăng 15,38%.

Bộ Tài chính cho biết, thống kê trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt hơn 650 tỷ đồng, tăng 20,62% so với cùng kỳ năm ngoái (các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 102.222 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 547.943 tỷ đồng). Nguồn vốn đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 535.867 tỷ đồng, tăng 23,37% so với cùng kỳ (doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 54.172 tỷ đồng; các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 481.695 tỷ đồng).

Tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt hơn 650 tỷ đồng

Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm tăng 22,45% (ước tính đạt 423.821 tỷ đồng) so với cùng kỳ, (bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 27.806 tỷ đồng, bảo hiểm nhân thọ ước đạt 396.015 tỷ đồng).

Tổng nguồn vốn chủ sở hữu tăng 37,39% (ước đạt 152.755 tỷ đồng) so với cùng kỳ (doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 34.442 tỷ đồng, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 118.313 tỷ đồng).

Tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng 15,38% (ước đạt 151.993 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm ngoái (Doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 43.890 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 108.103 tỷ đồng).

9 tháng đầu năm 2021, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt hơn 650 tỷ đồng

Trong 9 tháng qua, tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 37.977 tỷ đồng, tăng 11,69% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 14.568 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 23.409 tỷ đồng.

Tổng số phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới bảo hiểm ước đạt 8.877 đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, phí bảo hiểm gốc thu xếp qua môi giới ước đạt 5.922 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ, phí tái bảo hiểm thu xếp qua môi giới ước đạt 2.955 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ.

Nhìn lại chặng đường hơn 20 năm thực thi, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã tạo khung khổ pháp lý vững chắc, minh bạch cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm, thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển.

So với năm 2020, chỉ có 15 doanh nghiệp, đến nay thị trường bảo hiểm đã có 75 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 23 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 01 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tạo kênh huy động vốn quan trọng cho nền nền kinh tế, giải quyết việc làm, an sinh xã hội cho hàng triệu người.

Mới đây nhất, Uỷ ban kinh tế của Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Nhiều quy định mới được sửa theo hướng bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm và khắc phục những bất cập hiện nay. Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, đánh giá dự thảo giảm thiểu thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm mà vẫn đảm bảo được quyền lợi của khách hàng.

Theo đó, dự thảo bổ sung nội dung: “Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ và có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được doanh nghiệp bảo hiểm giải thích đầy đủ và hiểu rõ các nội dung này khi giao kết hợp đồng bảo hiểm”.

Song song với đó, bên mua bảo hiểm cũng phải nghĩa vụ kê khai đầy đủ, chính xác mọi thông tin có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định tại Luật này để tránh xảy ra tranh chấp khi có sự kiện bảo hiểm.

Covid - 19 khiến người dùng tăng mua bảo hiểm

Mới đây, đại diện YouGov, một công ty nghiên cứu và phân tích dữ liệu quốc tế, công bố khảo sát mới nhất về bảo hiểm với nhận định: đại dịch Covid-19 kéo dài đã khiến người tiêu dùng Việt Nam cân nhắc mua và sử dụng dịch vụ bảo hiểm tư nhân nhiều hơn trong nỗ lực bảo vệ bản thân và gia đình.

Theo khảo sát của YouGov, 26% người tiêu dùng cho biết họ tăng tần suất mua sản phẩm bảo hiểm trong làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 so với trước đây. “Xu hướng này mở ra cơ hội mới cho các nhà cung cấp bảo hiểm tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc khai thác thị trường tiềm năng này đòi hỏi các công ty phải tận dụng thời điểm này để đầu tư vào nghiên cứu thị trường nhiều hơn và xây dựng thương hiệu tốt hơn” YouGov nhận định.

“Bảo hiểm tư nhân còn rất nhiều cơ hội để phát triển với tỷ lệ thâm nhập tại thị trường Việt Nam thấp hơn so với các nước khác. Chính điều này đang tạo ra một phân khúc tăng trưởng mới đầy tiềm năng cho các nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm tại Việt Nam", ông Thue Quist Thomasen, Giám đốc điều hành YouGov Việt Nam đánh giá.

Covid - 19 khiến người dùng tăng mua bảo hiểm  

Tuy nhiên, dữ liệu của YouGov cho thấy, một số thương hiệu có vị thế lớn mạnh hơn những thương hiệu khác trong mắt người tiêu dùng. Ông Thue Quist Thomasen cho rằng, đầu tư vào nghiên cứu thị trường và xây dựng thương hiệu sẽ giúp các công ty bảo hiểm hiểu rõ khách hàng. Từ đó, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ mà khách hàng tin tưởng, đánh giá cao và giới thiệu cho những tập khách hàng tiềm năng khác.

Theo bảng xếp hạng các thương hiệu ngân hàng và bảo hiểm (YouGov’s Banking & Insurance Rankings) được YouGov công bố gần đây, BaoViet Life có sức khỏe thương hiệu tốt nhất qua đánh giá của người tiêu dùng Việt Nam.

Dựa trên hơn 45.000 cuộc phỏng vấn, bảng xếp hạng này được lập ra dựa trên điểm trung bình của 6 chỉ số đo lường đặc biệt từ YouGov. Mỗi công ty bảo hiểm được đánh giá dựa trên sự hài lòng của khách hàng, danh tiếng của công ty, giá trị đồng tiền, chất lượng tổng quát, ấn tượng và liệu người tiêu dùng có muốn giới thiệu nó cho người khác hay không.

Theo đó, BaoViet Life dẫn đầu bảng xếp hạng với điểm số 7.0. Nhà cung cấp dịch vụ tài chính của Canada là Manulife (6.7 điểm) và Prudential thuộc sở hữu của Hoa Kỳ (6.3 điểm) đứng thứ hai và thứ ba. Trong khi đó, AIA đứng thứ tư (5.2 điểm) và Dai-ichi Life đứng thứ năm (4.3 điểm) cũng ghi nhận những kết quả khả quan.

Đáng chú ý, một trong những thước đo giúp dự đoán tăng trưởng của các thương hiệu bảo hiểm là khả năng khách hàng của những công ty này tin tưởng và giới thiệu tên, sản phẩm, dịch vụ của họ tới người thân và bạn bè.

Đối với chỉ số “đề cử” (Recommend Score), Manulife dẫn đầu với điểm số 71.5. Tuy nhiên, dù chiếm vị trí đầu bảng nhưng Manulife lại có mức tăng trưởng chậm nhất qua các năm, chỉ tăng 0.9 điểm.

Công ty bảo hiểm có cải thiện nhiều nhất trong chỉ số này là Aon, thuộc sở hữu của Anh, với điểm số “đề cử” tăng 7.5 điểm trong khoảng thời gian từ tháng 7/2020 đến tháng 7/2021. Chubb Life cũng có những cải thiện đáng ghi nhận khi tăng 4.3 điểm “đề cử” trong cùng khoảng thời gian.

Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 38.092 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 94.948 tỷ đồng.

Tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 643.588 tỷ đồng, tăng 22,10% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 102.222 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 541.366 tỷ đồng.

Trong khi nhiều ngành khác "lao đao" vì dịch bệnh thì ngành bảo hiểm vẫn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng. Theo báo cáo của Bộ tài chính, tính đến hết tháng 8/2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 133.040 tỷ đồng, tăng 16,96% so với cùng kỳ năm 2020.

Xem thêm: Cần đáp ứng những điều kiện nào để được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp?