Cần đáp ứng những điều kiện nào để được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp?
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của COVID-19.
Chính sách hỗ trợ dự kiến không áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp mà một số doanh nghiệp và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đáp ứng được điều kiện "cần" mới được hỗ trợ.
Cụ thể, để được hỗ trợ giảm 30% số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021, doanh nghiệp phải có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng. Đồng thời, tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2019.
Điều kiện này có sự thay đổi so với tờ trình của Chính phủ trước đó, là doanh nghiệp có doanh thu phải giảm so với năm 2020 mới được giảm nộp thuế.
Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, chuyển đổi loại hình kinh doanh, sáp nhập, chia tách, giải thể, phá sản trong năm 2020 và 2021 thì không áp dụng điều kiện tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2019.
Căn cứ tổng doanh thu năm 2019 và dự kiến tổng doanh thu của năm 2021, doanh nghiệp tự xác định số thuế được giảm khi tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hằng quý.
Khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm nay, số thuế nộp thiếu hoặc nộp thừa của số thuế tạm nộp các quý so với số phải nộp theo quyết toán năm.
Dự thảo cũng đang lấy ý kiến cũng đề xuất giảm 30% thuế giá trị gia tăng từ ngày 1/10 đến hết năm 2021 cho một số hoạt động sản xuất và dịch vụ với mục tiêu cuối cùng là người tiêu dùng được hưởng và không giảm cho các lĩnh vực được hưởng lợi trong dịch COVID-19.
Các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành vận tải (đường sắt, đường thuỷ, hàng không, vận tải đường bộ), dịch vụ lưu trú, ăn uống; hoạt động của đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch; các hoạt động xuất bản điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; thể thao, vui chơi và giải trí. Lưu ý là các hoạt động xuất bản phần mềm và các hàng hoá dịch vụ thực hiện trực tuyến không thuộc diện hỗ trợ.
Bên cạnh đó, dự thảo quy định miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý III và quý IV của năm 2021 cho tất cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mọi ngành nghề, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai thuế và nộp thuế.
Doanh nghiệp nào đã nộp sẽ được cơ quan thuế bù trừ tiền nộp thừa với các khoản nợ hoặc khoản phát sinh trong các kỳ tiếp theo.
Ngoài ra, Chính phủ đề xuất miễn tiền chậm nộp thuế, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp tiền thuê đất phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức (gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) lỗ trong năm 2020. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp.
Trước đó, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đã ban hành nghị quyết của kỳ họp, trong đó có giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện một số giải pháp cấp bách ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, bao gồm cả giải pháp về thuế.
Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái, chậm nhất là ngày 10/8, Bộ Tài chính phải trình những chính sách bổ sung hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo Bộ Tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân được ví như những mạch máu của nền kinh tế và khi hoạt động của nhiều doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn chắc chắn sẽ tác động đến sức khỏe của nền kinh tế. Dịch COVID-19 diễn ra từ năm 2020 đến nay đã tác động nhiều mặt đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong tháng 7/2021, dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp và đang tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và hoạt động của một số nhóm lĩnh vực dịch vụ như du lịch, vận tải, lưu trú và ăn uống, chiếu phim, thể thao, vui chơi và giải trí...
Theo đó, rất cần có thêm các giải pháp hỗ trợ về thu ngân sách cho doanh nghiệp, người dân nhằm ứng phó với ảnh hưởng của dịch COVID-19.