Masan (MSN): Nợ trái phiếu tăng lên 21.000 tỷ sau khi bán thành công lô mới

Trang Mai 09:36 | 24/02/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau đợt chào bán thành công 8 triệu trái phiếu thuộc lô MSNH2227002 với tổng mệnh giá 800 tỷ đồng, CTCP Tập đoàn Masan (mã: MSN) đã có báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về sự thay đổi tổng nợ và vốn chủ sở hữu.

Theo đó, vào ngày 22/2, thông qua tổ chức đại lý phát hành là CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), Masan đã phát hành thành công 8 triệu trái phiếu thuộc lô MSNH2227002. Đây là trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi, không kèm chứng quyền với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu. Tổng số lượng trái phiếu được chào bán là 8 triệu trái phiếu có kỳ hạn 60 tháng kể từ ngày phát hành. 

Mục đích chào bán là để tăng cường tiềm lực tài chính cho doanh nghiệp, huy động nguồn vốn với chi phí hợp lý đáp ứng nhu cầu vốn phát sinh từ hoạt động kinh doanh và tái cơ cấu các khoản nợ.

Lô trái phiếu có kỳ hạn 60 tháng với lãi suất cố định năm đầu tiên là 9,5%, các kỳ tính lãi còn lại (mỗi kỳ 6 tháng) sẽ theo lãi suất thả nổi bằng tổng 3,975%/năm và lãi suất tham chiếu.

Tương tự lô trái phiếu MSNH2227001 có tổng mệnh giá 700 tỷ đồng được Masan phát hành ngày 21/2,  chỉ có duy nhất một tổ chức đầu tư trong nước tham gia đợt chào bán này của Masan. Thông tin về tổ chức này không được công bố cụ thể.

Sau khi phát hành thành công 2 lô trái phiếu nói trên, tổng nợ phải trả tại ngày 22/2/2023 của MSN tăng 4,8% so với thời điểm cuối năm ngoái lên 32.562 tỷ đồng, bao gồm 20.708 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 11.853 tỷ đồng nợ dài hạn. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của Masan cũng tăng từ 218,3% lên 228,7%.

Chiếm phần lớn cơ cấu nợ của MSN là 21.000 tỷ đồng trái phiếu chưa đáo hạn, tăng 1.500 tỷ đồng so với ngày 31/12/2022.

 Cơ cấu nợ của Masan tại 22/2/2023

Năm 2022, doanh thu thuần của Tập đoàn đạt 76.189 tỷ đồng, giảm 14% và lợi nhuận ròng đạt 3.567 tỷ đồng – giảm gần 60%. Nguyên nhân lớn nhất của con số sụt giảm này là do cuối năm 2021, Masan đã chuyển nhượng mảng thức ăn chăn nuôi và ghi nhận khoản lãi tài chính đột biến mà trong năm nay không còn.

Nếu loại trừ doanh thu từ mảng thức ăn chăn nuôi năm 2021, doanh thu thuần của Masan tăng 2,6% so với mức 74.224 tỷ đồng của năm 2021.

 

Masan Group ước tính, trong năm tài chính 2023, doanh thu thuần hợp nhất sẽ từ 90.000 tỷ đồng – 100.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18% - 31%. TCX - nền tảng bán lẻ tiêu dùng hợp nhất WinCommerce (WCM) và Masan Cosumer Holdings (MCH) vẫn sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng doanh thu, đóng góp hơn 70% vào tổng doanh thu. Lợi nhuận thuần sau phân bổ cổ đông thiểu số ở các mảng kinh doanh chính (chưa bao gồm khoản thu nhập 1 lần) dự kiến sẽ nằm trong khoảng 4.000 tỷ - 5.000 tỷ đồng, đạt tỉ lệ tăng trưởng từ 4% đến 30%.