Mía đường Sơn La hoàn thành kế hoạch năm sau 2 quý

Trang Mai 14:00 | 22/01/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dù giá mía đường tăng cao trong thời gian gần đây nhưng do lượng hàng tồn kho từ niên độ trước chuyển sang ít nên doanh thu thấp, dẫn tới lợi nhuận quý II niên độ 2023-2024 (từ ngày 1/10 - 31/12/2023) của CTCP Mía Đường Sơn La (mã: SLS) giảm 35% so với cùng kỳ, xuống còn 70 tỷ đồng.

Đứt chuỗi lãi trăm tỷ do hàng tồn kho chuyển sang thấp

Theo báo cáo tài chính quý II niên độ 2023-2024 (từ ngày 1/10/2023 đến 31/12/2023) Mía Đường Sơn La vừa công bố, các kết quả kinh doanh đều sụt giảm so với cùng kỳ. 

Cụ thể, doanh thu thuần đạt 188 tỷ đồng, giảm 49% so với cùng kỳ niên độ trước. Giá vốn hàng bán 127,4 tỷ đồng, giảm 51% kéo theo lợi nhuận gộp của doanh nghiệp còn đạt 60,4 tỷ đồng, giảm 45%.

Bù lại, doanh thu hoạt động tài chính trong quý cao gấp 3,4 lần, lên mức 11,9 tỷ đồng. Chi phí tài chính lại giảm 86%, xuống còn 744 triệu đồng.

Khấu trừ các khoản chi phí, lợi nhuận trước thuế của SLS đạt gần 70 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ niên vụ trước. SLS còn được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp do hoạt động chế biến nông sản tại tỉnh Sơn La (địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn), do đó lãi trước thuế bằng nguyên phần lãi ròng thu về. Như vậy, đơn vị này đã đứt chuỗi lãi trăm tỷ kéo dài từ quý II niên độ 2022-2023 đến quý I niên độ 2023-2024. 

 

Yếu tố chính tác động đến sự sụt giảm lợi nhuận của SLS là doanh thu thuần chỉ bằng 1/2 cùng kỳ. Lý giải về kết quả này, Mía đường Sơn La cho biết do hoạt động sản xuất của công ty có tính chất thời vụ, doanh thu bán hàng 6 tháng đầu niên độ sau chủ yếu là từ hàng tồn kho của niên độ trước chuyển qua. Quý II niên độ 2023-2024 hàng tồn kho của niên độ 2022-2023 ít nên doanh thu thấp, dẫn đến lãi gộp giảm, khiến lợi nhuận giảm theo.

Lũy kế 2 quý đầu niên vụ 2023 – 2024, Mía đường Sơn La thu về 618 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 13%; lợi nhuận sau thuế đạt 189 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ niên độ trước.

Niên độ 2023 – 2024, SLS tiếp tục đặt mục tiêu thận trọng với doanh thu thuần xấp xỉ 1.046 tỷ đồng, tương ứng giảm hơn 39% so với thực hiện niên độ trước. Lợi nhuận sau thuế dự kiến ở mức 137 tỷ đồng, giảm gần 74% so với con số thực hiện trong niên độ 2022 – 2023.

Ban lãnh đạo công ty dự báo năm 2023 ngành mía đường tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino diễn ra khá nghiêm trọng khiến tình trạng khô hạn, nắng nóng của tỉnh Sơn La và các tỉnh Tây Bắc khá gay gắt. Điều này gây ảnh hưởng nặng nề đến vùng nguyên liệu mía, nhiều diện tích bị chết hoặc ảnh hưởng do khô hạn nên nguy cơ năng suất, sản lượng vụ tới có khả năng giảm sâu. 

Như vậy, dù mới thực hiện được 59% chỉ tiêu doanh thu nhưng công ty đã vượt 38% mục tiêu lợi nhuận ngay sau 2 quý đầu niên độ.

Về tình hình tài chính, tại ngày 31/12/2023 tổng tài sản của Mía đường Sơn La ở mức 1.437 tỷ đồng, tăng 7,1% tại ngày đầu niên vụ 1/7/2023.

Trong đó, khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng gần 170 tỷ đồng. Khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng đạt 293 tỷ đồng, tăng 93%. Hàng tồn kho ở mức gần 180  tỷ đồng, giảm 45% so với ngày đầu niên vụ.

Tại ngày 31/12/2023, nợ phải trả của Mía đường Sơn La ở mức 219 tỷ đồng, tăng 35% so với ngày đầu niên vụ. Vay và thuê nợ tài chính ngắn hạn ở mức 78 tỷ đồng, đều đến từ ngân hàng Vietinbank, tăng 70%, công ty không ghi nhận khoản vay và thuê nợ tài chính dài hạn.

Giá đường niên vụ 2023-2024 có thể tiếp tục tăng

Theo Công ty Chứng khoán DSC hồi tháng 11/2023, giá bán của các nhà máy đường đạt khoảng 26.000 đồng/kg, tăng hơn 40% so với đầu năm 2023. Hiện nay, đường nhập khẩu chiếm khoảng 66% nguồn cung đường Việt Nam, nên giá đường trong nước nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức cao và đồng pha với giá đường thế giới.

Trên thế giới, giá đường đang dao động quanh mức 0,27 USD/lb, vùng giá cao nhất hơn 10 năm qua, do lo ngại nguồn cung giảm. Nguồn cung của hai quốc gia sản xuất lớn đường trên thế giới là Ấn Độ và Thái Lan trong thời gian qua sụt giảm do hiện tượng El Nino là yếu tố chính đẩy giá đường thế giới đi lên.

Theo hiệp hội sản xuất đường của Ấn Độ và Thái Lan, nguồn cung đường niên vụ 2023 - 2024 ở 2 nước này có thể sẽ giảm lần lượt 2,9 triệu tấn và và 3 - 4 triệu tấn so với cùng kỳ, xuống 33,7 triệu tấn và 7 - 8 triệu tấn.

Tổ chức Đường Quốc tế dự báo, nguồn cung đường toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 có thể giảm 1,2% so với cùng kỳ và thiếu 2,1 triệu tấn so với mức dư cung 852.000 tấn trong niên vụ 2022 - 2023.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam ước tính, nguồn cung đường trong nước niên vụ 2023 - 2024 sẽ đạt 1 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ, do thời tiết trong nước có thể vẫn thuận lợi hơn so với các nước ở khu vực châu Á.

Công ty chứng khoán SSI Research nhận định, giá đường toàn cầu neo ở mức cao sẽ hỗ trợ tích cực cho kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp mía đường. Giá đường nội địa và sản lượng tiêu thụ tăng sẽ tiếp tục thúc đẩy lợi nhuận của mảng đường trong thời gian tới. Giá đường trong nước có thể tiếp tục tăng ít nhất đến hết quý II/2024. Đường nhập khẩu sẽ chiếm hơn một nửa nguồn cung đường trong nước trong niên vụ 2023 - 2024, giảm từ mức 2/3 trong niên vụ 2022 - 2023.