Ngành mía đường: 'Tươi sáng' nhờ chính sách
Sản xuất và tiêu thụ hồi phục
Theo báo cáo ngày 18/3 của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), niên vụ 2021-2022, cân bằng cung cầu toàn thế giới sẽ thâm hụt khoảng 1,67 triệu tấn đường, cao hơn mức ước tính 1,34 triệu tấn của ISO vào tháng 8/2022.
Sản lượng đường sản xuất tăng nhẹ 2,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 172,6 triệu tấn. Sự suy giảm 17% sản lượng của Brazil trong 2022 là yếu tố chính dẫn đến mức thâm hụt gia tăng, dù lượng đường xuất khẩu từ Ấn Độ và Thái Lan ghi nhận đều ghi nhận kỷ lục (38% và 73% so với cùng kỳ niên vụ trước).
Nhu cầu tiêu thụ đường tiếp tục hồi phục tốt ở mức 174,3 triệu tấn, trong đó chủ yếu đến từ Ấn Độ, EU và Trung Quốc.
Theo Tradingeconomics, giá đường ghi nhận mức cao kỷ lục trong vòng 6 năm qua. Giá đường thô giao ngay (tính theo giá hàng ngày của ISA) và đường trắng theo ISO đều đạt mức kỷ lục trong tháng 12/2022, với trung bình lần lượt 18,93 US cents/lb và 540,76 USD/tấn. Theo đà tăng của thế giới, giá đường nội địa Việt Nam diễn biến tăng trong năm 2022 năm cao hơn 8-10% so với cùng kỳ.
So với giá đường các thị trường trong khu vực gồm các nước sản xuất mía đường khối ATIGA, giá đường Việt Nam đã tiệm cận đường Indonesia và Trung Quốc, tuy nhiên chỉ bằng nửa giá đường Philippines và cao hơn đường Thái Lan trước thuế chống bán phá giá khoảng 25%.
Với tình hình nội địa, sản lượng đường sản xuất toàn niên vụ 2021-2022 đạt 949.200 tấn, trong đó đường từ mía là 746.900 tấn, chiếm 78,6%. Diện tích mía thu hoạch giảm nhẹ 4% nhưng năng suất mía cao hơn (64,6 tấn/ha so với 63 tấn/ha) giúp sản lượng mía được đưa vào sản xuất tăng gần 12% so với cùng kỳ.
Tổng sản lượng cung đường năm 2022 ước tính 2,8 triệu tấn, lớn nhiều so hơn tổng cầu khoảng 2,1-2,3 triệu. Trong khi tỷ trọng đường nội địa vẫn hạn chế ở mức 27%, đường nhập lậu gia tăng mạnh mẽ trong 2022 chủ yếu từ Thái Lan được xuất khẩu gián tiếp qua Lào và Campuchia.
Dù cân bằng cung cầu dư thừa trong năm qua, giá đường nội địa Việt Nam vẫn tăng giá đáng kể nhờ vào sự hỗ trợ từ chính sách chống bán phá giá.
Biến chuyển tích cực nhờ chính sách
Từ tháng 8/2022, Bộ Công Thương đã chính thức áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại 47,6% đối với các sản phẩm đường mía có nguồn gốc Thái Lan từ 5 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Campuchia, Lào, Myanmar).
Biện pháp này đã bắt đầu phát huy tác dụng bảo hộ đối với ngành đường trong nước kể từ tháng 8, khi sản lượng nhập khẩu đường vào Việt Nam từ Thái Lan, Lào và Campuchia giảm rõ rệt. Tổng sản lượng đường nhập khẩu cả năm 2022 đã giảm 12,6% so với cùng kỳ năm trước, nguồn nhập thay thế chủ yếu đến từ Úc và Indonesia.
Giá thu mua mía từ nhà máy cùng với đó đó cũng hồi phục tốt về mức trung bình 1.050.000 – 1.100.000 đồng/tấn do khan hiếm nguồn cung. Đây là tiền đề thúc đẩy người nông dân mở rộng vùng nguyên liệu trong các năm tới.
Tuy nhiên, theo phân tích của VCBS, giá đường có thể tiếp tục chịu áp lực trong ngắn hạn do nguồn cung tạm thời đang dư thừa từ tồn kho năm 2022 (khoảng 6 triệu tấn) và tiềm năng chính phủ gia tăng thêm hạn ngạch nhập khẩu để bổ sung đường trong nước trong 2023.
Dự phóng của loạt 'ông lớn'
Kết quả kinh doanh năm tài chính 2021-2022, CTCP Đường Quảng Ngãi (mã: QNS) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận duy trì ở mức ổn định, thậm chí tăng nhẹ nhờ đa dạng hoá sản phẩm, tối ưu hoá chi phí. Doanh thu và lãi sau thuế lần lượt gần 8.300 tỷ đồng và 1.285 tỷ đồng, tăng 13% và 2% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Về từng mảng kinh doanh, sản phẩm sữa đậu nành chiếm 52% tổng doanh thu, đem về 4.305 tỷ đồng doanh thu (tăng 5% so với cùng kỳ) và gần 1.752 tỷ đồng lãi gộp (tăng 6%); doanh thu từ sản phẩm đường là 1.973 tỷ đồng (tăng 25%) và thu được gần 376 tỷ đồng lãi gộp (tăng 1%).
Năm 2023, VCBS dự phóng sản lượng đường trắng (RS) của QNS tăng trưởng khả quan với 160.000 tấn, tăng 23% nhờ mở rộng diện tích vùng nguyên liệu đáng kể. Trong khi đó, lượng đường tinh luyện (RE) được giả định sẽ đi ngang, xấp xỉ 20.000 tấn/năm do khả năng gia tăng hạn ngạch nhập khẩu đường của công ty chưa rõ ràng.
Tuy nhiên, tỷ suất biên gộp của mảng đường sẽ tiếp tục giảm do chi phí mua mía năm 2023 đã được nâng lên mức 1.050.000 đồng/ tấn, tăng 11% vs năm 2022 và giá đường khó có thể tăng.
Nhìn chung, VCBS dự phóng doanh thu năm 2023 của QNS đạt 8.822 tỷ đồng, lãi sau thuế 1.297 tỷ đồng, tăng lần lượt 6,8% và 1% so với năm 2022.
CTCP Thành Thành Công - Biên Hoà (mã: SBT) có kết quả kinh doanh niên vụ 2021-2022 với gần 12.300 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 32% và 432 tỷ lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ giảm 26% so với cùng kỳ.
Cụ thể, doanh thu tăng trưởng tốt nhờ sản lượng đường tiêu thụ tăng cao, đạt 683.000 tấn, trong đó kênh xuất khẩu và công nghiệp B2B là động lực chính, tăng lần lượt 70% và 26%. Tuy nhiên tỷ suất lợi nhuận gộp 6 tháng niên vụ 2021-2022 giảm còn 9,8% so với 12,5% cùng kỳ, cùng với chi phí lãi vay tăng mạnh 48% khiến lợi nhuận công ty giảm mạnh.
Tại ngày 31/12/2022, quy mô nợ vay của SBT đã tăng mạnh 42% so với đầu năm, đáng chú ý là nợ vay ngắn hạn đã tăng 71% do hợp nhất đơn vị thành viên Global Mind Australia. VCBS cho rằng SBT chưa thể có sự tăng trưởng doanh thu đột phá ngay, trong khi gánh nặng nợ vay sẽ là lớn trong các năm tới.
Trong niên vụ 2022-2023, VCBS dự phóng SBT đạt 20.085 tỷ doanh thu thuần, tăng 9,5% và 750 tỷ lợi nhuận sau thuế, giảm 5,8% so với niên vụ trước.
CTCP Mía Đường Sơn La (mã: SLS), trong niên vụ 2021-2022, LSS ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt 715 tỷ và 189 tỷ đồng, tăng mạnh 117% và 178% so với cùng kỳ niên độ trước.
Kết quả kinh doanh tăng trưởng đột phá đến từ sản lượng đường bán ra tăng mạnh và mức tồn kho kỷ lục (468 tỷ đồng) tại thời điểm tháng 6/2022. Bên cạnh đó, giá bán đường RS có sự hồi phục nhẹ, tăng 2-3%.
Tuy nhiên biên lãi gộp lại có xu hướng giảm nhẹ do chi phí nguyên vật liệu đầu vào (phân bón, vật tư,…) đặc biệt là giá mía tăng mạnh hơn mức tăng của giá bán đầu ra, khiến giá vốn cao hơn 84%.
Theo SLS, sản lượng đường RS năm 2023 của công ty ước tính đạt 68.000 tấn, tăng 6% do diện tích vùng nguyên liệu mở rộng và năng suất mía thu hoạch tăng cao. Cùng với lượng tồn kho kỷ lục cuối tháng 6/2022, VCBS ước tính lượng đường RS tiêu thụ toàn niên vụ của SLS có thể lên đến 84.700 tấn, tăng 62% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu đầu ra tốt.
Trong niên vụ mới, đơn vị chứng khoán cho rằng SLS có lợi thế so với các doanh nghiệp mía đường khác do vùng nguyên liệu gần nên giá thành sản xuất thấp.
Niên vụ 2022-2023, giá thu mua mía cả nước tăng cao do thiếu mía nguyên liệu, tuy nhiên SLS vẫn duy trì được mức thu mua mía thấp nhờ liên kết chặt chẽ với người nông dân. Cho cả năm 2023, VCBS dự phóng doanh nghiệp đạt doanh thu 1.470 tỷ, lãi ròng 296 tỷ, tăng mạnh 69% và 58% so với niên vụ trước.