Một Black Friday `bất thường` tại các nước Âu - Mỹ, giảm 60% cửa hàng vẫn vắng hoe
Thu nhập của người dân giảm, cũng như tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp khiến không khí mua sắm dịp Black Friday tại nhiều nơi trở nên trầm lắng.
Đại dịch COVID-19 đã tác động tới nhiều mặt của đời sống và ngày hội mua sắm giảm giá Black Friday năm nay cũng không phải ngoại lệ.
Một Black Friday "bất thường" tại các nước Âu - Mỹ
Tại Mỹ, người dân đã trải qua một ngày Black Friday khác so với mọi năm. Các cửa hàng giảm giá sâu, lên tới 60%, nhưng vẫn vắng vẻ, bởi khách hàng chủ yếu đặt mua trực tuyến. Dịch bệnh đã thay đổi thói quen tiêu dùng của người Mỹ, tuy nhiên Hiệp hội bán lẻ Mỹ vẫn dự đoán rằng doanh thu dịp Black Friday năm nay sẽ tăng 3,6 - 5,2% so với năm 2019.
Một Black Friday trầm lắng "bất thường" tại các nước Âu - Mỹ. Ảnh: EPA
Theo thống kê của Hiệp hội Bán lẻ Mỹ, ước tính mua sắm trực tuyến mùa Lễ Tạ Ơn và Black Friday của Mỹ năm nay sẽ tăng 30% so với năm trước.
Trong khi đó tại Pháp, ngày Black Friday 27/11 năm nay chỉ như một ngày bình thường bởi nước này đang trong giai đoạn đóng cửa toàn quốc do đại dịch COVID-19. Các nhà bán lẻ bao gồm cả Amazon đã phải lùi lại ngày giảm giá kích cầu mua sắm đến 4/12, thời điểm kết thúc đóng cửa.
Vậy nên, các cửa hàng Pháp hiện chỉ hoạt động một phần, chủ yếu giao hàng tận nhà hoặc phục vụ mang đi và dành thời gian chuẩn bị chờ ngày mở cửa trở lại.
Tại Đức, không khí có phần sôi động hơn, nhưng cũng khó có thể sánh với năm 2019. Khách hàng chủ yếu tới các cửa hàng điện tử để tìm mua những món hàng giá hời. Yêu cầu bắt buộc là phải đeo khẩu trang và đảm bảo giãn cách xã hội.
Pháp đang thắt chặt giãn cách xã hội kéo theo việc chính phủ hoãn ngày mua sắm Black Friday
Tình hình mua sắm thực tế cũng khẳng định khảo sát trước đó của Viện Nghiên cứu thị trường lớn nhất của Đức (GfK) rằng người tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu này không sẵn lòng mạnh tay móc hầu bao trong thời điểm Đức vẫn phải đóng cửa một phần do làn sóng COVID-19 thứ 2.
Hình ảnh những con phố mua sắm sầm uất hay những trung tâm mua sắm đông nghẹt người chỉ là chuyện của năm 2019, thậm chí là của năm trước nữa. Vậy nên, dù đôi khi cảnh tượng chen chúc mua hàng có thể gây khó chịu, nhưng ít ra đó là minh chứng cho một cuộc sống bình thường và không dịch bệnh, điều cả thế giới đang tha thiết mong muốn lúc này.
Mua sắm trực tuyến ngày Black Friday nở rộ tại Mỹ
Theo thống kê của Hiệp hội Bán lẻ Mỹ, khoảng 59% khách hàng đã bắt đầu mua sắm dịp Lễ Tạ Ơn/ Black Friday từ đầu tháng 11 và phần lớn là mua trực tuyến.
Nhân viên đóng gói hàng hóa cho khách hàng tại một trung tâm dịch vụ của Amazon. Ảnh: AFP/TTXVN
Ước tính mua sắm trực tuyến mùa Lễ Tạ Ơn và Black Friday của Mỹ năm nay sẽ tăng 30% so với năm trước. Doanh số bán hàng mùa lễ hội năm nay cũng có thể tăng ở mức khoảng từ 3.6-5.2 %, so với mức tăng 4% năm ngoái, tức là sức mua của người dân Mỹ sẽ không giảm là mấy, chỉ có phương thức mua hàng phải thay đổi cho phù hợp tình hình.
Nhiều hãng cũng đã mở bán các gói mua sắm giá hời trên mạng trực tuyến từ đầu tháng 10 bởi biết trước tình hình sẽ không thể thu được lượng khách lớn tại các cửa hàng trực tiếp như mọi năm.
Các hãng bán lẻ tại Mỹ cũng nhanh chóng sáng tạo và thay đổi để bắt kịp yêu cầu của người tiêu dùng trong mùa Lễ hội hết sức đặc biệt năm nay.
Mua sắm trực tuyến ngày Black Friday nở rộ tại Mỹ
Thay bằng đầu tư trang hoàng các trung tâm mua sắm, họ đã mở các trung tâm trữ hàng lớn và gói đồ, thuê nhiều nhân công để hoàn thiện và giao hàng thật nhanh các đơn hàng đặt trực tuyến, hoặc để cho người mua có thể tự đến lấy đồ tại đó một cách thuận lợi.
Đại dịch COVID-19 đã khiến ko ít những hãng tên tuổi lớn phá sản và hàng nghìn cửa hàng phải đóng cửa vĩnh viễn trong năm nay. Thế nhưng với một thị trường lớn như nước Mỹ thì nhiều công ty bán lẻ khổng lồ như Amazon Best Buy hay Walmart vẫn tìm cách vượt được qua được khủng hoảng và khẳng định tên tuổi.
Một Black Friday "bất thường" tại các nước Âu - Mỹ. Nguồn: VTV
Hải Yến