Năm 2020, Việt Nam thu hút gần 29 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài
Mặc dù dịch bệnh Covid – 19 làm ảnh hưởng đến nền kinh tế nhưng nhìn chung Việt Nam vẫn nhận được sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và có những chuyển biến tích cực.
Theo cáo báo mới nhất từ Cục đầu tư nước ngoài, tính 20/12/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt 28,53 tỷ USD, bằng 75% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 19,98 tỷ USD, bằng 98% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, vốn đăng ký mới có 2.523 dự án mới được cấp GCNĐKĐT, giảm 35% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt 14,65 tỷ USD, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn điều chỉnh, có 1.140 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 17,5% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 6,4 tỷ USD(tăng 10,6% so với cùng kỳ).
Ngoài ra, việc Góp vốn, mua cổ phần có 6.141 lượt GVMCP của nhà ĐTNN, giảm 37,6% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp 7,47 tỷ USD, giảm 51,7% so với cùng kỳ. Cơ cấu giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tổng vốn đầu tư cũng giảm so với cùng kỳ năm 2019, từ 40,7% trong năm 2019 xuống 26,2% trong năm 2020.
Không chỉ đối với tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bị ảnh hưởng, do tác động của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước cũng bị ảnh hưởng. Vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong năm 2020 giảm nhẹ so với năm 2019.
Cụ thể, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 19,98 tỷ USD, bằng 98% so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ tăng 6,7%).
Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang dần hồi phục và duy trì tốt hoạt động sản xuất - kinh doanh và mở rộng dự án.Quan trọng hơn, hiện vẫn có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, tin tưởng và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam.
Hàn Quốc vẫn là nhà đầu tư có vốn đăng ký lớn nhất vào Việt Nam
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đã có gần 300 doanh nghiệp từ các nước trên thế giới có kế hoạch mở rộng đầu tư/ đầu tư mới hoặc đang nghiên cứu, tìm hiều đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, hơn 60 tập đoàn, doanh nghiệp đã có kết quả bước đầu trong triển khai đầu tư mới/mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Trong năm 2020, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 13,6 tỷ USD, chiếm 47,7% tổng vốn đầu tư đăng ký; tiếp theo là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, với tổng vốn đầu tư trên 5,1 tỷ USD, chiếm 18%; sau đó lần lượt là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký tương ứng gần 4,2 tỷ USD và trên 1,6 tỷ USD…
Một số dự án lớn được đầu tư trong năm 2020 có thể kể đến như Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm Nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Singapore), vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD; Dự án Tổ hợp Hoá dầu miền Nam Việt Nam (Thái Lan) tại Bà Rịa - Vũng Tàu, điều chỉnh tăng vốn đầu tư 1,386 tỷ USD; Dự án Khu trung tâm đô thị Tây hồ Tây (Hàn Quốc) tại Hà Nội, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm hơn 774 triệu USD…
Ngoài ra, còn có thể kể đến Dự án Pegatron Việt Nam (Đài Loan), vốn đầu tư 481 triệu USD, ở Hải Phòng; Dự án Nhà máy Sản xuất lốp xe Radian Jinyu (Trung Quốc), tổng vốn đầu tư 300 triệu USD ở Tây Ninh…
Như vậy là lũy kế đến ngày 20/12/2020, cả nước có 33.070 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 384 tỷ USD; vốn thực hiện ước đạt 231,86 tỷ USD, bằng 60,4% vốn đăng ký còn hiệu lực.
Trong đó, đứng đầu là đầu tư từ Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký trên 70,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 18,4% tổng số vốn đăng ký. Tiếp theo là Nhật Bản - 60,3 tỷ USD, chiếm 15,7%; sau đó là Singapore, Đài Loan và Hồng Kông.
Việt Nam đầu tư ra nước ngoài tăng 16%
Bên cạnh việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong năm 2020, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt trên 590 triệu USD, tăng 16 % so với cùng kỳ năm 2019.
Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 14 lĩnh vực. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu, với 11 dự án cấp mới và 7 lượt điều chỉnh vốn, tổng vốn đăng ký 228,2 triệu USD, chiếm 38,7% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực sản xuất phân phối điện đứng thứ 2, với tổng vốn đầu tư 92,6 triệu USD, chiếm 15,7%; tiếp theo là các lĩnh vực tài chính ngân hàng; bán buôn bán lẻ và hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ.
Có 29 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong năm 2020. Dẫn đầu là Lào với 4 dự án đầu tư mới và 5 dự án điều chỉnh, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 181,3 triệu USD, chiếm 30,7% tổng vốn đầu tư. Úc đứng thứ hai, với 101,8 triệu USD, chiếm 17,2%. Tiếp theo là Đức, Hoa Kỳ, Myanmar.
Minh Thư - Trần Hoa