Năm 2023: Triển khai giải ngân từ đầu năm, phân định rõ trách nhiệm
Hết tháng 11/2022, đã giải ngân được hơn 58%
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công một mặt vừa đóng góp trực tiếp vào tiêu thụ nguyên, nhiên vật liệu và hàng hóa, phát triển cơ sở hạ tầng, giảm chi phí lưu thông, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế... một mặt vừa đóng góp vào tăng trưởng kinh tế GDP cho đất nước, gián tiếp đưa tiền vào thị trường để kích thích tổng cung, tổng cầu.
Đồng thời, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động và cải thiện cơ sở hạ tầng, giúp phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội mạnh hơn, nhất là sau những cú sốc về khủng hoảng, suy thoái, dịch bệnh...
Kết quả giải ngân 11 tháng năm 2022 khá tích cực. Ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 30/11/2022 là 338.319,81 tỷ đồng, đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 và một số năm gần đây. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, đây là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so với các năm trước đây.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay, chỉ còn khoảng hơn 1 tháng nữa là kết thúc niên độ ngân sách năm 2022, do đó, Thứ trưởng đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết số 124/NQ-CP của Chính phủ.
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng nhận định đầu tư công là kênh quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau COVID-19, tình hình thế giới có nhiều biến động.
"Tuy nhiên, tình trạng giải ngân chậm, đầu tư công hiệu quả chưa cao vẫn được thảo luận nhiều, dù không phải vấn đề mới, nhưng chưa được giải quyết căn cơ", ông Nguyễn Duy Hưng nhận xét.
Dưới góc độ Bộ Tài chính, Vụ trưởng Đầu tư (Bộ Tài chính) Dương Bá Đức khẳng định, cơ chế chính sách quản lý, thanh toán vốn đầu tư công đã được triển khai theo hướng tinh giản thủ tục tuyệt đối. Trước đây là kiểm toán trước thanh toán sau, đến nay ngược lại là thanh toán trước kiểm toán sau. Thủ tục nếu đủ hồ sơ đã giảm từ 4 ngày xuống còn 1 ngày. Việc thanh toán cũng được đưa lên cổng dịch vụ công, có thể ngồi tại cơ quan thanh toán thay vì hồ sơ giấy như trước đây.
"Lãnh đạo Chính phủ rất quan tâm tới giải ngân đầu tư công, Thủ tướng đã lập 6 đoàn công tác, đi khảo sát thực tế một số địa phương để đôn đốc. Qua các buổi làm việc cho thấy, có nơi 6 tháng vẫn có danh mục giải ngân bằng 0. Vấn đề không hẳn ở cơ chế chính sách mà còn do khâu tổ chức thực hiện, cùng một cơ chế, có nhóm bộ, ngành, địa phương giải ngân rất tốt, nhưng lại có nhóm rất chậm", ông Dương Bá Đức nói.
Cần điều chỉnh định mức, xác định rõ trách nhiệm
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, Chính phủ đã có chủ trương đúng đắn là tập trung đẩy mạnh đầu tư công để phục hồi và phát triển kinh tế. Quyết tâm rất cao của Chính phủ thể hiện rõ là nguồn vốn luôn sẵn sàng, đồng thời luôn đôn đốc quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện chỉ tiêu kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công. Mặc dù vậy, kế hoạch giải ngân đầu tư công dù được cải thiện nhưng vẫn chậm so với yêu cầu.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, để đẩy mạnh việc giải ngân đầu tư công, bên cạnh các chỉ đạo của Chính phủ về chuẩn bị ngân sách, giải phóng mặt bằng, cần có biện pháp giải quyết đầu ra của vốn. Cụ thể, cần nhanh chóng điều chỉnh và bổ sung hệ thống đơn giá định mức hiện nay, theo đó, cần có kế hoạch rà soát phân loại các đơn giá, định mức để có kế hoạch bổ sung ngay trong quý I/2023 cho kịp triển khai các dự án hiện nay, cần có quy trình phân cấp, phân quyền cụ thể và quy định rõ ràng cho các ban quản lý dự án, chủ đầu tư để xử lý việc điều chỉnh, giải quyết các việc phát sinh…
Phân tích về tình hình vĩ mô, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định: Trong bối cảnh kinh tế quốc tế còn khó khăn, bất lợi, việc khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công có vai trò hết sức quan trọng, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.
Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% (khoảng 140.000 tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021 (năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025). Vốn đầu tư công đóng vai trò quan trọng dẫn dắt và định hướng vốn đầu tư toàn xã hội phục vụ cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Để thực hiện thành công kế hoạch đầu tư công năm 2023, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động các dự án đầu tư công, trước tiên là sửa ngay các bất cập đã phát hiện trong năm 2022 nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.
Cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án bố trí kế hoạch vốn năm 2023, đặc biệt là các dự án khởi công mới, lựa chọn dự án đủ thủ tục đầu tư, đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án.
Đặc biệt, các đơn vị cần khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023 cho các nhiệm vụ, dự án trước ngày 31/12/2022 để có thể giải ngân từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2023.
"Việc phân bổ phải bảo đảm nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, ngành, lĩnh vực, địa phương và các quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời, cần triển khai quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu năm 2023, đề cao trách nhiệm người đứng đầu để các mục tiêu đề ra", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.