Cần Thơ: Kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công năm 2023 trên 6.400 tỷ đồng

Nguyễn Triệu 17:28 | 15/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
UBND TP Cần Thơ vừa ban hành Quyết định số 4213/QĐ-UBND về việc triển khai kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công năm 2023 và đề ra nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn lại của năm 2022 cũng như cho cả năm 2023.

UBND TP Cần Thơ vừa ban hành Quyết định số 4213/QĐ-UBND, ngày 13/12/2022, về việc giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023 TP Cần Thơ.

Đối với các nguồn vốn ngân sách địa phương, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương thuộc kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 TP Cần Thơ là 5.144,935 tỷ đồng, gồm: nguồn cân đối ngân sách địa phương 1.465,935 tỷ đồng; nguồn tiền sử dụng đất 700 tỷ đồng; nguồn xổ số kiến thiết 1.650 tỷ đồng; nguồn bội chi ngân sách địa phương (Chính phủ vay về cho địa phương vay lại) 1.329 tỷ đồng. Trong nguồn vốn ngân sách địa phương, vốn chuẩn bị đầu tư, vốn quy hoạch là 16,904 tỷ đồng, vốn bố trí là 5.128,031 tỷ đồng.

 Cần Thơ triển khai kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công năm 2023 trên 6.400 tỷ đồng. (Ảnh minh họa)

Đối với các nguồn vốn ngân sách Trung ương thành phố giao chi tiết 1.267,321 tỷ đồng kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2023. Trong đó vốn trong nước 925,7 tỷ đồng, vốn nước ngoài 341,621 tỷ đồng. Số vốn còn lại 1.462,929 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương sẽ được giao chi tiết cho các dự án sau khi đảm bảo các điều kiện bố trí vốn theo quy định. Trong đó, vốn trong nước 1.040 tỷ đồng, dự kiến sẽ bố trí cho dự án đường Vành đai Sân bay Cần Thơ kết nối đường Lê Hồng Phong đến Quốc lộ 91B, giai đoạn I: đoạn từ nút giao đường Võ Văn Kiệt đến Km1+675 và các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; còn lại là vốn nước ngoài.

UBND thành phố giao giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan ban, ngành, đoàn thể thành phố, chủ tịch UBND quận, huyện được giao chỉ tiêu kế hoạch vốn khẩn trương triển khai quyết định phân bố vốn đầu tư công năm 2023 cho các đơn vị, bộ phận trực thuộc trước ngày 31-12-2022...

Theo báo cáo của UBND TP.Cần Thơ, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 TP.Cần Thơ được giao là 7.810,368 tỷ đồng, tăng 300 tỷ đồng so với kế hoạch vốn được giao đầu năm 2022 (được bổ sung 300 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương). Theo số liệu giải ngân thực tế đến ngày 31/10, tổng số vốn thực hiện đã bố trí theo các quyết định của UBND thành phố là 7.610,368 tỷ đồng, giá trị giải ngân là 3.537,513 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 46,48%.

Có 33 sở, ban, ngành được giao làm chủ đầu tư 142 dự án, kết quả thực hiện giá trị giải ngân của các chủ đầu tư như sau: Có 2 chủ đầu tư chưa giải ngân được vốn (đang thực hiện thủ tục lựa chọn nhà thầu, hoàn chỉnh hồ sơ dự án đầu tư) là Sở Tài chính và Câu lạc bộ Hưu trí; 7 chủ đầu tư giải ngân vốn đầu tư công từ 1 - 10%, trong số này có 3 sở gồm: Sở Y tế, Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường. Ngoài ra, còn có 3 sở chỉ mới giải ngân từ 10 đến dưới 20% kế hoạch vốn là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Theo UBND TP.Cần Thơ, nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 trên địa bàn thành phố là do tổng số vốn bố trí cho các dự án khởi công mới, đặc biệt là các dự án trọng điểm chiếm tỷ trọng lớn kế hoạch vốn năm 2022. Nhiều dự án đang trong quá trình thực hiện công tác kiểm kê, áp giá và trình phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Bên cạnh đó, công tác triển khai lập thiết kế kỹ thuật - dự toán để đấu thầu xây lắp, nên trong những tháng đầu năm 2022 khối lượng giải ngân vốn chưa nhiều. Điển hình như các dự án: Đường vành đai phía Tây TP.Cần Thơ; các Đường tỉnh: 917, 918, 921, 923. Đến thời điểm tháng 9.2022 mới bắt đầu tổ chức thực hiện chi trả bồi hoàn giải phóng mặt bằng, tổ chức lựa chọn nhà thầu.

Ngoài ra, một trong những nguyên nhân kéo dài trong thời gian qua vẫn là công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn. Chủ yếu là người dân vẫn còn khiếu nại về giá bồi thường và chính sách hỗ trợ tái định cư. Có hiện tượng người dân so sánh giá, chính sách hỗ trợ tái định cư giữa các dự án vốn trong nước và vốn ODA. Từ đó, dẫn đến khiếu nại không hợp tác, nhiều dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư do tăng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Trước tình hình giải ngân vốn đầu tư công thấp, UBND TP.Cần Thơ yêu cầu thủ trưởng các đơn vị rà soát, thực hiện phân công nhiệm vụ và yêu cầu trách nhiệm công việc rõ ràng đối với từng cán bộ, công chức, xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện, hoàn thành giải ngân trên 95% kế hoạch vốn đã bố trí. Đánh giá khách quan, xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vào cuối năm. Bên cạnh đó, quan tâm, thường xuyên hơn nữa đối với việc kiểm tra hồ sơ thủ tục trình thẩm định giá đất cụ thể, hồ sơ trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng thi công với nhà thầu...