Nắm cả nghìn ha đất, điểm danh loạt đại gia 'gặp thời' hậu Covid-19
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, các dòng vốn đầu tư mới và các hiệp định thương mại tự do đã thúc đẩy các công ty đa dạng hóa và di dời nhà máy sang thị trường Việt Nam, theo nhận định tại một báo cáo vừa được Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) công bố.
VDSC đánh giá, Việt Nam có lợi thế với nguồn nhân công giá rẻ, tình hình chính trị ổn định và là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng toàn cầu nhanh nhất - đây là những yếu tố khiến Việt Nam trở thành một môi trường đầu tư hấp dẫn.
Bất động sản khu công nghiệp được cho là sẽ hồi phục mạnh sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát (ảnh: SZC)
Năm 2020, xu thế này vẫn diễn ra mạnh mẽ, tạo kết quả kinh doanh ấn tượng cho các chủ đầu tư khu công nghiệp. Giá cho thuê bình quân theo đó cũng tăng 10% so với cuối năm 2019, bù đắp chi phí phát triển dự án.
Hướng tới tương lai, VDSC tin rằng nhu cầu cho thuê sẽ tiếp tục tăng cao và theo đó sẽ là một năm khởi sắc cho các khu công nghiệp. Do vậy, nhóm phân tích duy trì quan điểm tích cực với các chủ đầu tư sở hữu quỹ đất lớn và sẵn sàng khai thác.
Làn sóng dịch chuyển nhà máy tới Đông Nam Á
Tổng quan về 6 tháng đầu năm 2020, dòng vốn FDI đi ngang, dẫn đầu là lĩnh vực sản xuất, chiếm 71%. Đa số các dòng vốn này đầu tư vào thị trường Hà Nội và Bắc Ninh ở phía Bắc; TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương ở phía Nam.
Giải ngân vốn đầu tư FDI nửa đầu năm đạt 9 tỷ USD (xấp xỉ cùng kỳ) và vốn FDI đăng ký đạt 16 tỷ đồng (giảm 15%). Trong số này, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hải Phòng là hai tỉnh có tốc độ tăng trưởng vốn FDI nổi bật, lần lượt 186% và 41% trong khi các tỉnh khác chứng kiến sụt giảm trong 6 tháng đầu năm.
Áp lực môi trường cạnh tranh đã khiến nhiều công ty đa quốc gia Trung Quốc và nước ngoài di dời nhà máy đến khu vực Đông Nam Á. Quan trọng hơn, nhiều công ty đang tìm cách đa dạng hóa rủi ro kinh doanh do tình trạng leo thang cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Có thể nhận thấy rằng, môi trường kinh doanh tại Việt Nam rất tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài và hấp dẫn hơn so với một số quốc gia khác trong khu vực, dựa trên chi phí lao động rẻ và tình hình chính trị ổn định” - chuyên gia phân tích của VDSC đưa ra nhận định.
Cụ thể, chi phí lao động của Việt Nam tương đối thấp hơn. Chi phí lao động ước tính của Việt Nam lần lượt bằng 52% và 64% của Trung Quốc và bằng mức trung bình của ba đối thủ cạnh tranh tại khu vực ASEAN là Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Trong khi đó, môi trường kinh doanh Việt Nam cũng đã được cải thiện, xếp hạng thứ 70 vào năm 2019, xếp sau Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc. Nhóm phân tích cho rằng, Indonesia, với vị trí đứng thứ 73, là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trong việc thu hút FDI.
Các “đại gia đất” hưởng lợi
Về tình hình thị trường, tại khu vực phía Bắc, kể từ tháng 2/2020 khi đại dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng, tất cả các hoạt động đi lại đều bị hoãn lại, gây khó khăn cho các nhà đầu tư - đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. VDSC cho rằng, thị trường này sẽ phục hồi và tăng trưởng nhanh sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Ở khu vực này, giá đất trung bình trong quý đầu tiên (quý 1) năm nay đạt 99 USD/m2/ thời hạn thuê, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Bắc Ninh và Hải Phòng vẫn là những thị trường khu công nghiệp trọng điểm ở khu vực phía Bắc nhờ nguồn cung lớn.
Còn tại khu vực phía Nam, hiện trạng khan hiếm quỹ đất là vấn đề chính với tỷ lệ lấp đầy hiện tại ở mức cao trong khi nguồn cung mới còn nhiều hạn chế.
Với sự hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản vững mạnh, Việt Nam đã thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài. Các công ty này đang tích cực “bắt tay” liên doanh với chủ đầu tư khu công nghiệp trong nước hoặc trực tiếp mua quỹ đất và tài sản vận hành.
Theo VDSC, mặc dù đại dịch Covid-19 có thể gây ra những khó khăn tạm thời, nhưng nhu cầu đất khu công nghiệp vẫn ở mức cao. Giá đất khu công nghiệp trung bình ở miền Nam hiện tại là 106 USD/m2/chu kì thuê, tăng 9,7% theo năm, theo báo cáo của JLL.
Theo nhận định của VDSC thì tình hình này sẽ mang lại triển vọng tích cực cho các chủ đầu tư có sẵn quỹ đất như Kinh Bắc (KBC) hay Viglacera (VGC). Các doanh nghiệp này có quỹ đất sẵn sàn cho thuê lớn, với Kinh Bắc là 900 ha và với Viglacera là 1.150 ha. Những quỹ đất này tập trung chủ yếu tại các khu công nghiệp phía Bắc với vị trí thuận lợi, thuộc các tỉnh như Bắc Ninh, Hải Phòng.
Còn tại khu vực miền Nam, Becamex IDC (BCM) và Cao su Phước Hoà (PHR) cũng sở hữu quỹ đất công nghiệp khổng lồ, rộng hơn 1.000 ha, nằm chủ yếu ở tỉnh Bình Dương. Hay Sonadezi Châu Đức (SZC) cũng đang nắm quỹ đất rất lớn và sẵn có tại khu công nghiệp Châu Đức với diện tích có thể cho thuê còn lại gần 900ha.
Theo Dân Trí