Nga đe dọa Mỹ phải trả giá cho sự xuống cấp quan hệ song phương sau lệnh trừng phạt

09:43 | 16/04/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau khi chính quyền Biden áp đặt lệnh trừng phạt với Nga, Matxcơva lập tức triệu hồi Đại sứ Mỹ và tuyên bố Washington sẽ phải trả giá cho sự xuống cấp của quan hệ song phương.
Hôm 15/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, phản ứng của Nga đối với các lệnh trừng phạt mới của Mỹ là "không thể tránh khỏi", đồng thời Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập đại sứ Mỹ tại Moscow John Sullivan để phản đối lệnh trừng phạt.
 
Nga nhiều lần phủ nhận can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2020, đồng thời bác bỏ cáo buộc dàn dựng vụ tấn công mạng nhằm vào chính phủ Mỹ.

"Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo Mỹ về hậu quả các bước đi thù địch, điều này làm gia tăng mức độ đối đầu giữa các nước một cách nguy hiểm. Một phản ứng đối của Nga với các lệnh trừng phạt của Mỹ là không thể tránh khỏi", bà Maria Zakharova nói.
 
Nga phản ứng gì sau lệnh trừng phạt của Mỹ hôm 15/4
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. (Ảnh: TASS)
 
Cũng theo người phát ngôn Zakharova, Washington phải nhận ra rằng họ sẽ phải trả giá cho sự xuống cấp của quan hệ song phương. Trách nhiệm về những gì đang xảy ra hoàn toàn thuộc về họ.
 
Đây là động thái mới nhất của Nga sau khi chính quyền Tổng thống Biden ban bố lệnh trừng phạt nhắm vào các nhà ngoại giao và ngân hàng của Nga tối 15/4.

Lý do Mỹ đưa ra lệnh trừng phạt là cáo buộc can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2020, tấn công mạng, bắt nạt Ukraine và những hành vi "ác ý" khác.

Cụ thể, 32 tổ chức và cá nhân Nga bị liệt vào danh sách đen, 10 nhà ngoại giao Nga bị trục xuất khỏi Mỹ - bao gồm cả đại diện của các cơ quan tình báo Nga - và khoản nợ của Nga bị áp đặt các hạn chế.

Trong số các đơn vị bị trừng phạt có 6 công ty bị cáo buộc hỗ trợ cơ quan tình báo Nga tấn công mạng các cơ quan liên bang và công ty tư nhân Mỹ, theo The Hill.

Đây là lần đầu tiên Mỹ chính thức chỉ đích danh Cục Tình báo nước ngoài Nga (SVR) là thủ phạm vụ tấn công mạng đối với Tập đoàn SolarWinds.

Theo một nguồn tin khác, Mỹ cũng dự kiến ​​công bố những hạn chế mới đối với khoản nợ của Nga bằng việc hạn chế khả năng giao dịch liên quan đến các khoản nợ đó của các tổ chức tài chính Mỹ. Bộ Tài chính Mỹ sẽ chặn các tổ chức tài chính của nước này cho vay vốn và mua trái phiếu từ Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga, Quỹ Tài sản Quốc gia Liên bang Nga hoặc Bộ Tài chính Liên bang Nga sau ngày 14/6.
 
Trong một diễn biến mới nhất, không lâu sau khi ban lệnh trừng phạt, Tổng thống Joe Biden ngày 15/4 kêu gọi giảm căng thẳng với Moscow. "Bây giờ là lúc để giảm leo thang. Con đường để tiến lên phía trước là thông qua đối thoại và ngoại giao", NBC News dẫn lời ông Biden.
 
"Mỹ không muốn bắt đầu một chu kỳ leo thang và xung đột với Nga. Chúng tôi muốn một mối quan hệ ổn định, dễ đoán", ông Biden nói.
 
Ông Biden khẳng định sẽ đáp trả nếu Nga tiếp tục can thiệp vào các vấn đề của Mỹ. "Là tổng thống Mỹ, tôi có trách nhiệm phải làm như vậy", ông Biden nhấn mạnh.
 
Các biện pháp trừng phạt được đưa ra chỉ một ngày sau cuộc điện đàm của hai Tổng thống và lời đề nghị của Tổng thống Biden về hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga tổ chức tại một nước thứ ba.

Trong vài tuần gần đây, căng thẳng Nga-Mỹ "dậy sóng" trở lại khi binh lính Nga ồ ạt kéo tới sát biên giới Ukraine và các đồng minh phương Tây của Kiev kêu gọi Matxcơva rút lui.

Quan hệ Mỹ - Nga rơi tự do kể từ năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea và giao tranh nổ ra giữa lực lượng của Kiev với lực lượng ly khai thân Nga ở miền Đông.
 
Trong những năm qua, nhiều đời Tổng thống Mỹ đã áp đặt loạt các biện pháp trừng phạt với Nga, trong đó cáo buộc tấn công cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 và gần đây nhất là việc bắt giam chính trị gia đối lập Alexei Navalny.
 
 
Hà Ly