Ngân hàng dè dặt mục tiêu lợi nhuận trước những 'cơn gió ngược'
Tính đến thời điểm hiện tại, mục tiêu tăng trưởng năm 2023 của một số ngân hàng đều khá dè dặt trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước vẫn còn diễn biến khó lường.
Theo đó, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) là ngân hàng đầu tiên trong nhóm "big 4" công bố dự thảo tài liệu đại hội cổ đông. Tuy nhiên, ngân hàng này vẫn chưa tiết lộ con số tăng trưởng lợi nhuận dự kiến cho năm 2023 cũng như kế hoạch chia cổ tức mà phải chờ chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền. Về tổng tài sản, VietinBank dự kiến tăng trưởng từ 5-10%; huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng, đảm bảo các chỉ số thanh khoản; nợ xấu kiểm soát dưới 1,8%.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trước đó từng tiết lộ mục tiêu lợi nhuận trước thuế vượt 41.000 tỷ đồng, tiếp tục dẫn đầu toàn ngành. Dù vậy, nếu xét về con số tương đối, mức tăng trưởng lợi nhuận của Vietcombank chỉ khoảng 12% so với năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức tăng 39% mà ngân hàng này vừa đạt được trong năm qua.
Còn tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm nay chỉ 17,2% thấp hơn chỉ tiêu 25% của năm 2022. Dư nợ cho vay tại ACB kỳ vọng tăng 9,7%/năm, cũng thấp hơn mức 10% của năm trước.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng đặt mục tiêu tăng trưởng khá khiêm tốn, chỉ 13% trong năm nay, tức đạt 24.003 tỷ đồng. Trong khi năm 2022, lợi nhuận VPBank tăng trưởng đến 47,7%.
Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) cũng đặt kế hoạch khá thấp, lần lượt là 9% và 4,8%.
Đáng chú ý, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) còn dự kiến tăng trưởng lợi nhuận âm. Cụ thể, lợi nhuận Techcombank năm 2023 dự kiến chỉ đạt 22.000 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2021; còn NCB chỉ 16 tỷ đồng, giảm sâu so với mức 41,2 tỷ đồng thực hiện năm 2022.
Trước đó trong tháng 3 vừa qua, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) và Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) đã tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông thường niên và thông qua các kế hoạch kinh doanh.
VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 12.200 tỷ đồng, chỉ tăng 15% so với năm 2022. Tốc độ này đã giảm gần một nửa so với mức tăng 32% trong năm trước đó. Tương tự, Nam A Bank mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.600 tỷ đồng, tăng 14,6% so với năm 2022, giảm tốc đáng kể so với mức tăng trưởng 26% so với năm 2021.
Ngoài những ngân hàng dè dặt trong mục tiêu lợi nhuận năm 2023, chỉ có số ít ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trên 20%. Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank, mã chứng khoán: HDB) là một trong số này khi đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 29% so với năm 2022, tức vượt 13.197 tỷ đồng. Tỷ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) dự kiến đạt 24,5% và tỷ số lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt 2,3%.
Cũng theo tài liệu đại hội, tổng tài sản dự kiến đến cuối năm 2023 của HDBank tăng 25% so với cùng kỳ lên 520.024 tỷ đồng; huy động vốn tăng 25% lên 459.398 tỷ đồng; dư nợ tăng 24% lên 333.553 tỷ đồng, phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao. Kiểm soát tỷ lệ nợ xấu hợp nhất thấp dưới 2%.
Trước HDBank, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng tiết lộ mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng tới 35% so với năm trước, đạt 5.000 tỷ đồng. Kế hoạch này được đưa ra ngay sau khi Eximbank thu về 3.709 tỷ đồng lãi trước thuế trong năm 2022, gấp hơn 3 lần năm 2021 và vượt kế hoạch đề ra.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Lê Thanh Hòa, Chuyên gia phân tích cao cấp của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2023 nhiều khả năng chỉ tăng trưởng ở mức khiêm tốn.
Lý do ông Hòa nhận định như vậy là bởi ngành ngân hàng đã và đang đối diện với những "cơn gió ngược" như mặt bằng lãi suất ở mức cao làm ảnh hưởng tới khả năng thanh toán gốc và lãi của cá nhân cũng như doanh nghiệp vay vốn; tác động không mong muốn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản suy yếu.
Đồng thời, việc các nền kinh tế lớn trên thế giới có thể suy thoái cũng như việc nền kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng chậm lại trong năm 2023 cũng ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả kinh doanh ngành ngân hàng.
"Những cơn gió ngược đã có tác động nhất định lên kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng trong quý IV/2022 và có thể sẽ tiếp tục tác động lên ngành ngân hàng trong năm nay", ông Hòa đánh giá.
Trong khi đó, báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI nhận định, tăng trưởng lợi nhuận các ngân hàng trong năm 2023 có thể đạt 13,7%, bằng một nửa tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2017-2021 (28%) và cao hơn giai đoạn 2014-2015 (11,3%).
Thậm chí, trong kịch bản tiêu cực, SSI cho rằng các ngân hàng này có thể chỉ tăng khoảng 10% trong năm nay.