Doanh nghiệp bia tìm hướng đi mới trước hàng loạt khó khăn bủa vây

Trang Mai 14:21 | 22/02/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Không chỉ là việc siết chặt quy định nồng độ cồn, nhu cầu suy yếu cùng việc cắt giảm chi tiêu không thiết yếu đã làm trầm trọng hơn khó khăn của các doanh nghiệp ngành bia, vốn đã chịu tác động từ đại dịch COVID-19 và những khó khăn trước đó.

Kinh doanh ảm đạm

Thông thường vào dịp cuối năm, nhiều ngành nghề sẽ kỳ vọng kinh doanh sáng hơn do sức tiêu thụ và mua sắm tăng mạnh. Thế nhưng với các doanh nghiệp bia, tình hình lại không có vẻ khả quan khi các cơ quan chức năng siết chặt việc thổi nồng độ cồn. Theo các doanh nghiệp, đây là một trong những lý do khiến doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh trong năm 2023. 

Theo báo cáo tài chính, doanh thu thuần của Sabeco (mã: SAB) đạt 30.461 tỷ đồng, giảm 13% so với năm trước đó và xuống thấp hơn năm 2016 (giai đoạn trước dịch). 

Doanh nghiệp cải tổ nhiều hoạt động và “thắt lưng buộc bụng” để giảm một loạt chi phí hoạt động, bao gồm giảm đáng kể chi phí quảng cáo khuyến mãi. Dù vậy, lợi nhuận vẫn giảm sâu 23% về 4.255 tỷ đồng.Với kết quả này, nhà sản xuất bia lớn nhất Việt Nam không hoàn thành kế hoạch tham vọng đề ra hồi đầu năm, khi chỉ thực hiện gần 76% kế hoạch doanh thu và 73% chỉ tiêu lợi nhuận năm. 

 So với năm 2022, Sabeco đã giảm hơn nghìn tỷ lợi nhuận trong năm 2023. Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ BCTC.

Lãnh đạo Sabeco lý giải do sự cạnh tranh gay gắt, nhu cầu tiêu dùng giảm bởi kinh tế trong nước suy thoái, cùng với việc thực hiện chặt chẽ Nghị định 100 về kiểm soát nồng độ cồn tham gia giao thông và chi phí đầu vào cao. 

Cũng với lý do tương tự, đối thủ cùng ngành của Sabeco là Habeco (mã: BHN) cũng không khá hơn. Lũy kế cả năm 2023, Habeco đạt doanh thu thuần 7.757 tỷ đồng, giảm 7,7% so với năm 2022. 

Habeco cũng đẩy mạnh cắt giảm nhiều chi phí trong bối cảnh khó khăn, chẳng hạn tiền chi cho quảng cáo và khuyến mại giảm 17%, nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm hơn 29% về mức 355 tỷ đồng.  

 Trừ năm dịch bệnh, lợi nhuận của Habeco thấp nhất kể từ 2016 đến nay. Ảnh:Mai Trang tổng hợp từ BCTC.

Đáng chú ý, CTCP Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico, mã: HNR) còn nối tiếp chuỗi kinh doanh bết bát với 27 quý thua lỗ liên tiếp và đã lỗ lũy kế gần 460 tỷ đồng. Doanh thu cả năm 2023 cũng chỉ nhỉnh hơn 100 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ khi lên sàn chứng khoán.

Đối với "ông lớn" ngành bia Heineken, Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm. Trong báo cáo tài chính năm 2023, dù doanh thu toàn cầu tăng gần 5% so với năm trước,đạt 36,4 tỷ euro nhưng tổng sản lượng lại giảm 4,7%. Trong đó thị trường Việt Nam và Nigeria chiếm hơn 60% mức giảm này.

Tại cuộc họp báo thông báo kết quả kinh doanh hồi tháng 8/2023, Dolf van den Brink - CEO của Heineken chia sẻ: "Chúng tôi đối mặt với tình trạng kinh tế suy yếu khá mạnh tại thị trường trọng điểm là Việt Nam, thị trường vô cùng quan trọng đối với chúng tôi".

Sụt giảm là kết quả chung của ngành bia trong năm 2023. Theo một báo cáo mới đây của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), doanh thu năm 2023 của các doanh nghiệp trong ngành giảm 11% từ mức hơn 55.000 tỷ về còn 45.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lao dốc mạnh hơn về chưa tới 5.100 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ. 

Ngoài lực cầu yếu, thị trường bia còn đang chuyển dịch từ phân khúc cận cao cấp xuống phổ thông trong bối cảnh kinh tế khó khăn. BVSC nhận thấy Sabeco với sức mạnh vượt trội trong phân khúc phổ thông (với các dòng sản phẩm Lager, Export, 333, Lạc Việt…) đã ghi nhận sụt giảm về doanh số ít hơn Heineken khi đối thủ phụ thuộc nhiều vào thương hiệu Tiger thuộc phân khúc cận cao cấp. 

Theo Kantar (chuyên nghiên cứu thị trường, cung cấp dữ liệu và insight), tâm lý người tiêu dùng có cải thiện nhẹ nhưng vẫn ở trạng thái thận trọng, qua đó các hộ gia đình tiếp tục cẩn trọng trong quản lý chi tiêu, cắt giảm các hoạt động ăn uống và giải trí ở bên ngoài.   

Hàng loạt biện pháp khắc phục khó khăn

Không chỉ ở Việt Nam mà giảm đồ uống có cồn cũng là xu hướng chung trên thế giới. Theo Forbes, thế hệ Gen Z uống rượu bia ít hơn 20% so với thế hệ Millenials (Gen Y) và việc ngày càng nhiều người tiêu dùng chú trọng đến sức khỏe khiến nhu cầu tiêu thụ đồ uống có cồn giảm mạnh.    

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp bia đang tìm cho mình những hướng đi riêng để thích ứng.

Cuối năm 2023, sản phẩm Bia Hà Nội đã được nhập khẩu chính ngạch thông qua đối tác Mỹ. Ngay sau đó, sản phẩm bia này đã chính thức xuất hiện trên quầy kệ siêu thị lớn của Texas để trưng bày và bán phục vụ cộng đồng trong dịp Noel và đón chào năm mới. Mở rộng thị trường xuất khẩu là một trong những trọng tâm phát triển trong tầm nhìn chiến lược của Habeco.

Cùng đó, thương hiệu này cũng cho ra mắt dòng cao cấp Hanoi Premium hướng đến mang lại trải nghiệm mới cho người tiêu dùng.

Để giải quyết vấn đề về nồng độ cồn của người Việt, Heineken đã chạy chiến dịch truyền thông mạnh mẽ cho sản phẩm bia không độ cồn. Được ra mắt ở Việt Nam từ năm 2020, tuy nhiên không được nhiều người biết đến. Chỉ khi những quy định về nồng độ cồn được thắt chặt, dòng sản phẩm này mới nhận về nhiều chú ý. 

 Sản phẩm bia không độ cồn. Ảnh:Haineken.

Tại Việt Nam, sản phẩm bia không cồn đã được CTCP Bia Sài Gòn-Bình Tây (công ty liên kết của Sabeco) ra mắt từ năm 2014. Tiềm năng lớn của phân khúc bia không cồn đã được ban lãnh đạo Sabeco đề cập trong Đại hội cổ đông hồi tháng 4/2023.

Ban lãnh đạo Sabeco thừa nhận Nghị định 100 có tác động tiêu cực đến sản lượng bán bia, song không kỳ vọng sẽ có sự thay đổi cơ cấu về khả năng tiêu thụ bia bình quân đầu người trong trung và dài hạn.

Chia sẻ trên VnExpress, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Bộ Quốc phòng cho biết: Bia 0 độ là bia đã loại bỏ cồn hoặc được ủ để chứa ít cồn hơn mức giới hạn cho phép. Trên thị trường hiện có nhiều loại bia được quảng cáo là không độ cồn. Thực tế, bia này có thể có nồng độ cồn ở ngưỡng thấp, nhưng vẫn được coi là 0 độ tùy theo quy định tiêu chuẩn của từng quốc gia.

Bên cạnh đó, Sabeco đã bắt đầu cung cấp sản phẩm của công ty trên các nền tảng thương mại điện tử vào tháng 11/2023 như một cách đa dạng hoá đầu ra cho sản phẩm. Mặc dù một lượng nhỏ bia được bán qua các nền tảng thương mại điện tử này vào năm 2023 nhưng công ty hy vọng sẽ đạt được doanh số bán hàng cao hơn qua kênh này vào năm 2024.

Triển vọng sáng hơn ngay trong năm nay

Tại Diễn đàn Kinh doanh 2023 với chủ đề “Đổi mới mô hình tăng trưởng" diễn ra hồi tháng 8/2023, bàn về triển vọng kinh tế Việt Nam, bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới nhận định: “Tăng trưởng kinh tế Việt Nam chưa khởi sắc trong năm 2023, nhưng sẽ phục hồi dần trong năm 2024 và 2025”. Đây có thể xem là những tín hiệu đầy khả quan đối với các doanh nghiệp trong đó có ngành đồ uống, giúp các doanh nghiệp chủ động nắm bắt cơ hội để thích ứng.

Trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư cuối năm 2023, ban lãnh đạo Sabeco bày tỏ quan điểm tích cực về triển vọng dài hạn do thị trường Việt Nam còn trẻ và năng động. Ngoài ra, Việt Nam vẫn là thị trường bia chiếm ưu thế về tiêu thụ thức uống có cồn. Ngoài ra, Sabeco vẫn chưa nhận thấy sự thay đổi đáng kể trong hành vi tiêu dùng thức uống có cồn của người tiêu dùng từ bia sang các sản phẩm thay thế như rượu và bia không cồn.

Trao đổi với phóng viên DNVN,PGS TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Chuyên gia kinh tế đánh giá ngành rượu bia vẫn còn nhiều dư địa để phát triển trong tương lai, tuy nhiên ngành cần có chiến lược thay đổi. "Giữa khó khăn, ngành cần có chiến lược thay đổi, không phải tăng quy mô nữa mà có lẽ là tập trung vào chất lượng. Tiếp nữa là cách bán hàng cũng cần khác đi, không chỉ bán ở các địa điểm mà có thể giao hàng tận nhà hay các phương thức khác để giảm sự rủi ro cho người sử dụng đồ uống có cồn. 

Về lâu dài, chúng ta nên đa dạng hoá sản phẩm, không chỉ là những mặt hàng rượu bia truyền thống để có thể mở rộng thị trường, mở rộng doanh thu. 

Bên cạnh đó, tôi nghĩ ngành cần mở rộng ra thị trường nước ngoài. Bởi các nước bán ở Việt Nam nhiều nhưng nước ta lại chưa bán nhiều ở thế giới. Một vài vùng có tiềm năng và sử dụng nhiều như châu Âu, châu Phi,...".

"Cuộc sống thì rất khó khăn nhưng theo tôi "cái khó ló cái khôn", tìm ra nhiều cách thì ngành vẫn có thể phát triển tốt, lành mạnh trong thời gian tới", vị chuyên gia nói.