Ngành dệt may cần cẩn trọng khi các quốc gia áp dụng thêm thuế tự vệ
“Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2018” cho biết trong năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm các sản phẩm dệt may của Việt Nam đạt 36,2 tỷ USD, tăng 16,1% so với năm 2017, trong đó, xuất khẩu hàng dệt, may đạt 30,49 tỷ USD, tăng 16,7% so với 2017, xuất khẩu xơ, sợi đạt 4,02 tỷ USD tăng 12%, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt 1,2 tỷ USD tăng 14,2% và vải mành, vải kỹ thuật khác đạt 530 triệu USD tăng 15,7%.
Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt, may đạt 30,49 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm 2017. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt, may sang thị trường Hoa Kỳ đạt khoảng 13,7 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2017, chiếm tỉ trọng 44,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của cả nước.
Xuất khẩu sang thị trường EU trong năm 2018 đạt 4,098 tỷ USD, tăng 9,9% so với năm 2017, chiếm tỉ trọng 13,44% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của cả nước.
Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đạt 3,81 tỷ USD, tăng 22,6%, chiếm 12,50% tỉ trọng. Xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc đạt 3,3 tỷ USD, tăng 24,9% và chiếm 10,82% tỉ trọng. Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 1,54 tỷ USD, tăng 39,6% và chiếm 5,05% tỉ trọng.
Theo Báo cáo, những khó khăn trong dài hạn mà ngành dệt may phải đối mặt là Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, chẳng hạn như một số loại sợi, vải dệt và vải nhuộm. Thêm vào đó, việc mức lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội tăng mỗi năm và chi phí logistic tăng cao (vẫn cao hơn nhiều so với Thái Lan, Trung Quốc,...) cũng gây ra nhiều áp lực cho các công ty dệt may.