Ngành du lịch 'cất cánh': Doanh nghiệp du lịch và hàng không phải bắt tay
Doanh nghiệp du lịch - hàng không cần hợp tác trên tinh thần đôi bên cùng có lợi
Theo các chuyên gia dự báo, với tốc độ tăng trưởng trung bình dự báo khoảng 5-6%/năm, thị trường hàng không Việt Nam hứa hẹn sẽ đón khoảng 150 triệu khách vào năm 2035 và 200 triệu khách vào năm 2040, tăng lần lượt 1,9 lần và gần 2,5 lần so với năm 2019.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, tổng lượng khách quốc tế trong 11 tháng đầu năm 2024 đạt gần 16 triệu lượt, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch trong 11 tháng đầu năm 2024 ước khoảng 758 nghìn tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Quốc Trí, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: “Với con số này, tôi nghĩ ngành du lịch vẫn còn nhiều dư địa để phấn đấu. Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 và phê duyệt quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đón từ 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 - 9%/năm.
Tuy nhiên, trên thực tiễn có rất nhiều khó khăn. Ví dụ như hạ tầng vận chuyển khách hiện nay còn có những khó khăn, có thể là một trong những yếu tố khiến nỗ lực của chúng ta chưa đạt được kỳ vọng. Do đó, cần có từng giải pháp cụ thể để giải quyết từng vấn đề. Đồng thời, tôi cũng kỳ vọng ngành du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ từ phía Chính phủ, các cơ quan liên quan về các ngành để năm 2025 sẽ đạt được kỳ vọng cao nhất so với mục tiêu đề ra.
“Chúng tôi làm kinh doanh, cũng rất hiểu những vấn đề của hàng không. Họ có những vướng mắc kỹ thuật, bối cảnh kinh tế,... nên không tránh khỏi khó khăn. Và du lịch cũng vậy. Khó khăn của hàng không du lịch có thể giải quyết được và khó khăn của du lịch thì có thể hàng không sẽ giải quyết được. Do đó cần phải kết nối với nhau để cùng giải quyết, chứ không phải đứng trên quan điểm phê phán, chê trách “vì ông tăng giá nên tôi mới không có khách”.
Những người kinh doanh cần bàn bạc với nhau, tìm ra giải pháp để lợi ích đôi bên cùng có lợi, “win - win”. Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam rất mong muốn tiếp tục có sự trao đổi, phối hợp và để giải quyết những vướng mắc, khó khăn, đặc biệt là vấn đề vận chuyển hàng không, giá cả, thị trường, quảng bá, xúc tiến thương hiệu,... và có những buổi làm việc trực tiếp cùng với doanh nghiệp hàng không”.
Hàng không Việt đang trở lại thời đỉnh cao như năm 2019
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Võ Huy Cường, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, nhận định năm 2024 ngành hàng không Việt đã đạt lại được mức phát triển của năm 2019 – vốn được xem là đỉnh cao của ngành trước khi bước vào giai đoạn suy thoái do đại dịch. Tính đến 15/12, sản lượng vận chuyển quốc tế đạt khoảng hơn 41 triệu lượt hành khách, tăng 27% so với năm 2023, trong đó các hãng bay nội địa chiếm đến 42% thị phần. Tỷ lệ lấp đầy của các chuyến bay đạt đến 80%. Đây là điểm sáng trong bối cảnh đội tàu bay của nhiều các hãng bị suy giảm mạnh do việc triệu hồi động cơ của Nhà sản xuất Pratt & Whitney (PW).
Phân tích về các lợi thế của hàng không Việt Nam, ông Cường cho biết việc được trao chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 - Category 1 (CAT 1 giúp các hãng bay nước ngoài cảm thấy an tâm khi đến Việt Nam. Ngoài ra, thủ tục cấp thị thực của Việt Nam hiện nay được đánh giá thông thoáng so với các nước trên thế giới, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch quốc tế nhập cảnh Việt Nam.
Một yếu tố rất quan trọng là cơ sở hạ tầng hàng không không ngừng được nâng cấp, mở rộng. Ông Cường nhận định đã có sự “thay da đổi thịt” từ nhà ga, đường dẫn tới nhà ga, đường lăn cất hạ cánh. Từ sau 2025, với việc hoàn thành sân bay quốc tế Long Thành, diện mạo hạ tầng của ngành hàng không sẽ càng được nâng cao.
Nhưng quan trọng hơn cả là các hãng bay Việt rất chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh trên đường bay quốc tế. "Chúng ta chỉ có 4 hãng hàng không với 2 hãng chủ lực (Vietnam Airlines, Vietjet) nhưng đã khai thác đến 29 đường bay quốc tế. Trong khi đó, có đến 72 hãng bay nước ngoài khai thác 124 đường bay quốc tế đi và đến Việt Nam. Nhưng các hãng nội địa vẫn chiếm đến 42% thị phần bay quốc tế", ông Cường phân tích.
Theo các chuyên gia, với tốc độ tăng trưởng trung bình dự báo khoảng 5-6%/năm, thị trường hàng không Việt Nam hứa hẹn sẽ đón khoảng 150 triệu khách vào năm 2035 và 200 triệu khách vào năm 2040, tăng lần lượt 1,9 lần và gần 2,5 lần so với năm 2019. Đây là thời điểm cất cách cho ngành du lịch Việt Nam.
Thời gian qua, câu chuyện giá vé máy bay nội địa tăng cao gây tác động bất lợi cho du lịch được nhiều người dân và chuyên gia phân tích. Trong buổi trả lời chất vấn ngày 6/6, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, qua làm việc với các bộ, ngành thì thấy, giá vé máy bay tăng vì phụ thuộc vào chi phí dịch vụ ở cảng sân bay; chi phí về giá đầu vào nhiên liệu; số máy bay phải đi bảo dưỡng, bảo hành theo định kỳ; trong khi số lượng máy bay không nhiều như trước nên đã ảnh hưởng đến giá máy bay.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã đề xuất Chính phủ và đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính kịp thời báo cáo với cấp có thẩm quyền để xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ giảm giá, phí điều hành khai thác tại các sân bay, từ đó góp phần hạ giá tour.
Đối với các hãng hàng không, Bộ đề xuất các doanh nghiệp này cố gắng có máy bay đảm bảo các tuyến, thiết kế tăng cường các chuyến bay đêm, khung giờ bay để đảm bảo nhu cầu đi lại cho nhân dân nói chung trong đó có du khách nói riêng.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị các doanh nghiệp lữ hành tối ưu hóa chương trình tour, xây dựng điểm đến linh hoạt, có thể kết nối xây dựng gói sản phẩm kích cầu du lịch, có sự hỗ trợ lẫn nhau để hạ giá thành.