(DNVN) - Năm 2018 được đánh dấu là một năm thành công rực rỡ của ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Thành công này thể hiện trên nhiều phương diện, bao gồm tốc độ tăng trưởng cao trong xuất khẩu, ban hành và thực thi một số cơ chế chính sách mới như việc ký kết Hiệp định Đối tác Tự nguyện FLEGT VPA với EU, các hội thảo, hội nghị thảo luận về chiến lược phát triển ngành.
Tuy nhiên, áp lực hội nhập và những đòi hỏi về nguồn gỗ hợp pháp đang ngày một đặt ra những áp lực lớn hơn cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam. Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores).
Thưa ông, năm 2018 là năm thành công toàn diện của ngành gỗ cả về mặt kim ngạch và xuất khẩu, vậy ông có thể điểm lại những thành tựu mà ngành gỗ đã đạt được trong năm qua?
Ông Nguyễn Tôn Quyền: Năm 2018 đã ghi nhận 5 điểm thành tựu lớn nhất của ngành gỗ, thứ nhất là kim ngạch xuất khẩu kể cả lâm sản nói chung và gỗ nói riêng đạt 9,4 tỷ USD. Trong đó riêng sản phẩm gỗ đạt 8,9 tỷ USD đây là một con số lớn nhất từ trước tới nay. Thậm chí trong “Đề án phát triển chiến lược lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2010- 2020” chúng ta chỉ dám đặt ra tới năm 2020 đạt con số 7,8 tỷ USD cho lâm sản nhưng năm 2018 chúng ta đã đạt được 9,4 tỷ USD vượt mốc đặt ra hơn 2 tỷ đó là sự thành công rất lớn. Thứ hai, ngành gỗ được Nhà nước và các bộ ngành đánh giá là một ngành công nghiệp xuất siêu, xuất khẩu 9,4 tỷ nhưng nhập khẩu có 2,3 tỷ, xuất siêu 7 tỷ USD. Thứ ba, lần đầu tiên doanh nghiệp (DN) gỗ Việt thuần túy vốn nội địa vượt kim ngạch xuất khẩu của FDI. Thứ tư là chúng ta sử dụng nguồn vốn trong nước rất hiệu quả, đến 70% là vốn trong nước để tham gia xuất khẩu và nhập khẩu. Thứ năm vì công nghiệp xuất khẩu mạnh như vậy nên nó làm bàn đạp cho gỗ nội địa phát triển rất nhanh, hầu hết hiện nay chúng ta đã đạt được 80% sản phẩm gỗ nội địa tiêu thụ ở Việt Nam.
Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Đến nay, cả nước có 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, trong đó 95% là doanh nghiệp tư nhân, 3,5% doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng. Số doanh nghiệp chế biến sản phẩm xuất khẩu trên 1.800 doanh nghiệp, tăng hơn 300 doanh nghiệp so với năm 2017.
Thị trường xuất khẩu gỗ, lâm sản được mở rộng với hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, đáp ứng thị hiếu phong phú của người tiêu dùng với các mặt hàng chủ yếu là đồ gỗ nội thất chất lượng cao, sản phẩm đồ gỗ ngoại thất.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay, ông có thể chia sẻ những nỗ lực của DN Việt trong việc tạo ra nguồn nguyên liệu sạch
Nói về nguyên liệu gỗ sạch thì phải kể đến 2 giai đoạn. Thứ nhất là từ năm 2003 trở về trước chúng ta sử dụng gỗ sạch theo luật lệ pháp luật của Việt Nam. Tuy nhiên từ 2003 trở lại đây chúng ta sử dụng gỗ sạch theo các luật của quốc tế đơn cử như năm 2003 sử dụng luật của Mỹ các DN phải trả lời đúng những tờ khai theo luật quy định thì mới được nhập khẩu vào. Từ 2003 xuất khẩu vào Mỹ tăng vọt, năm 2018 xuất vào Mỹ là 3,6 tỷ USD và không có lô hàng nào bị trả lại. Còn từ 2013 chúng ta áp dụng luật 9995 của EU là trách nhiệm giải trình gỗ sạch và cũng từ đó các sản phẩm gỗ xuất sang EU không có lô hàng nào bị trả lại bởi chúng ta đã đáp ứng được yêu cầu và trách nhiệm giải trình về xuất xứ với EU. Đặc biệt, trước đây chúng ta phải nhập gỗ FBSC của thế giới, tuy nhiên hiện chúng ta đã có FBSC của Việt Nam và đã có tới 300 nghìn gỗ rừng trồng Việt có FBSC. Đó chính là những nỗ lực không biết mệt mỏi của DN ngành gỗ.
Tuy nhiên, năm nay, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về nguồn nguyên liệu với các doanh nghiệp Trung Quốc. Bởi thông tin từ thị trường cho thấy, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tỏa đi các thị trường (trong đó có Việt Nam và các nước Đông Nam Á) để thu mua nguyên liệu…
Thưa ông, thành công là như vậy nhưng liệu còn có những vấn đề gì mà ngành gỗ cần giải quyết để có những bước phát triển bền vững trong tương lai?
Thách thức đối với ngành gỗ rất lớn, nhất là thách thức về nguyên liệu. Đơn cử như trong năm 2018 vừa qua chúng ta đã sử dụng 42 triệu m3 gỗ nguyên liệu. Theo tính toán sơ bộ nếu tăng được 1 triệu USD kim ngạch xuất khẩu thì phải tăng thêm 3 triệu m3 gỗ. Do đó để đạt mục tiêu 10,5 tỷ USD trong năm 2019 cần 45 triệu m3 gỗ nguyên liệu sạch. Câu hỏi đặt ra lượng gỗ này sẽ được lấy từ đâu; đó chính là thách thức lớn nhất hiện nay. Thách thức tiếp theo là phải đáp ứng được nguồn gỗ cả về số lượng và chất lượng tốt cũng như phải đảm bảo tinh pháp lý. Thứ ba là phải sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu, tức là phải sử dụng được tối đa hiệu quả từ cây gỗ để phế liệu ít đi còn sản phẩm tăng lên. Đây chính là vấn đề cực kỳ khó khăn cho các DN ngành gỗ.
Ngoài ra, một thách thức quan trọng không kém chính là năng suất lao động, để có năng suất cao và chất lượng lao động tốt thì phải áp dụng công nghệ mới. Tuy nhiên để được như thế thì phải có kinh phí, phải có công nhân vận hành kỹ thuật cao, tay nghề cao. Do đó việc đào tạo công nhân có tay nghề cao hết sức cấp thiết nhưng trên thực tế các cơ sở đào tạo hiện nay rất hiếm.
Bên cạnh đó, cơ chế chính sách cũng là môt trong những rào cản không nhỏ bởi một số hiệp định yêu cầu Việt Nam phải thay đổi rất nhiều cơ chế chính sách.
Trong các mối quan hệ của đối tác ngành gỗ thì điều quan trọng mà các đối tác quốc tế quan tâm là đối tượng như hộ nông dân hay nguồn cung cấp nguyên liệu. Vậy chúng ta phải làm như thế nào để vừa có thể đảm bảo quyền lợi cũng như trách nhiệm xã hội liên quan giữa các đối tác này thưa ông?
Đây là vấn đề rất lớn mà chúng tôi gọi là đánh giá tác động của các tác nhân tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên liệu theo chuỗi giá trị toàn cầu. Nó có rất nhiều tác nhân mà chúng ta phải đánh giá, đơn cử như các hộ trồng rừng họ sẽ bị rủi ro như thế nào, bị thiệt thòi như thế nào khi chúng ta tham gia vào chuỗi cung ứng này. Hoặc thương lái hay những DN chế biến gỗ nhỏ tham gia như thế nào. Đó là rất nhiều tác nhân mà chúng ta phải đánh giá tác động mà như thế phải có thời gian nghiên cứu, phải có cơ chế chính sách phù hợp với từng đối tượng.