Ngành sản xuất linh kiện Việt Nam trước làn sóng đầu tư của Samsung, LG, Foxconn...

16:59 | 16/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Việt Nam đang được ví như mảnh “đất lành” cho các dự án đầu tư nước ngoài. Nhưng ngành công nghiệp cao như sản xuất linh kiện điện tử cũng đang thu hút rất nhiều nguồn đầu tư chất lượng cao từ các doanh nghiệp FDI.
Linh kiện điện tử không phải là ngành mới nổi tại Việt Nam. Nhiều năm qua, với hàng chục tỷ USD vốn đầu tư, đây được xem là một trong những ngành công nghiệp hỗ trợ cho rất nhiều ngành nghề khác, như sản xuất linh kiện điện thoại, ô tô, xe máy... Nhiều hãng điện tử lớn hàng đầu thế giới đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam như Samsung, LG, Foxconn...
 

Làn sóng đầu tư FDI mới tại Việt Nam

 

Cuối tháng 7, thông tin 15 công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Trung Quốc nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ Nhật Bản để mở rộng sản xuất sang Việt Nam, đã trở thành đề tài nóng trên các phương tiện truyền thông trong nước.
 
Theo tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), 15 doanh nghiệp trên nằm trong số hơn 80 doanh nghiệp mở rộng sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc, được trợ cấp theo chủ trương của Chính phủ Nhật Bản.
 
Ngành sản xuất linh kiện Việt Nam trước làn sóng đầu tư của Samsung, LG, Foxconn... - ảnh 1
 
Đây được xem là một động thái nhằm đa dạng hoá chuỗi cung ứng sang các quốc gia khác nhau, khi nhiều doanh nghiệp Nhật Bản thời gian qua đã phải chứng kiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn vì đại dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng, đặc biệt tại Trung Quốc.
 
Hãng tin Nikkei đưa tin, Chính phủ Nhật Bản sẽ cung cấp tổng cộng khoảng 70 tỉ yên, tương đương 653 triệu USD để giúp các doanh nghiệp Nhật đa dạng hoá sản xuất ra ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, đáng nói ở đây không chỉ các công ty Nhật Bản mà còn nhiều công ty Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ gần đây cũng đã chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư để đa dạng hoá chuỗi cung ứng của họ.
 
Hay, LG Electronics đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh từ Hàn Quốc sang TP Hải Phòng.
 
Panasonic có kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất tủ lạnh và máy giặt lớn từ Thái Lan qua Việt Nam vào tháng 9 tới đây, để nâng cao hiệu quả chi phí.
 
Thông qua nhà thầu chính Foxconn, gã khổng lồ công nghệ Mỹ Apple đã mở rộng sản xuất tai nghe AirPods tại Việt Nam lên 4 triệu chiếc trong quí 2 năm nay, tương đương 30% tổng sản lượng AirPods trên toàn cầu. Apple cũng được cho là đã tuyển dụng nhiều vị trí tại Việt Nam trên Linkedln cho thấy kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất tại quốc gia Đông Nam Á này.
 
Trong tháng 2, Heineken đã đầu tư 68,8 triệu USD vào Bà Rịa - Vũng Tàu để nâng mức đầu tư lên 381 triệu USD. Đồng thời nâng công suất của nhà máy trên địa bàn từ 610 triệu lít bia mỗi năm như hiện nay lên 1,1 tỉ lít.
 
Vào tháng 3, Tập đoàn Universal Alloys của Hoa Kỳ đã khai trương giai đoạn 1 của nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ trị giá 170 triệu USD tại TP Đà Nẵng, để sản xuất các linh kiện hàng không vũ trụ từ hợp kim nhôm và vật liệu tổng hợp.
 
Dự kiến, Universal Alloys sẽ xuất khẩu các sản phẩm trị giá 25 triệu USD vào năm tới, 85 triệu USD vào năm 2022 và 180 triệu USD sau năm 2026.
 
Trong tháng 6, Qualcomm Việt Nam đã thành lập một cơ sở nghiên cứu và phát triển mới tại Hà Nội. Đây cũng là cơ sở đầu tiên của Qualcomm tại Đông Nam Á.
 

Miếng bánh ngon "liệu có dễ xơi"

 

Không thể phủ nhận sóng đầu tư FDI vào Việt Nam tạo ra những cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong nước có thêm đối tác tham gia vào chuỗi cung ứng của họ. Nhưng phải thừa nhận thực tế, doanh nghiệp trong nước quy mô còn nhỏ, năng lực thấp... nên số doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn này là rất ít. Điều này khiến cho chi phí sản xuất các sản phẩm linh kiện, điện tử của Việt Nam thường cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác, đặc biệt từ Trung Quốc, Thái Lan...
 
Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp FDI khi sang Việt Nam đều đã “kéo theo” nguồn cung cấp linh kiện uy tín, lâu năm của họ ở các nước khác. Các nhà đầu tư sang Việt Nam chủ yếu để sản xuất, xuất khẩu, hưởng lợi chính sách ưu đãi thu hút đầu tư và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia. Do vậy, ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung và ngành điện tử Việt Nam nói riêng hầu hết chưa thể tận dụng cơ hội từ các dự án FDI vào Việt Nam.
 
Ngành sản xuất linh kiện Việt Nam trước làn sóng đầu tư của Samsung, LG, Foxconn... - ảnh 2
 
Phát triển công nghiệp điện tử cần nhiều vốn cho công nghệ và cả nguồn lao động chất lượng cao. Khi các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam, họ mang theo công nghệ sản xuất, còn lao động là người Việt thường giữ các vị trí không quan trọng trong công ty. 
 
Những yếu tố này đang khiến cho nhiều doanh nghiệp sản xuất linh kiện, công nghệ tại Việt Nam vẫn tiếp tục khó cạnh tranh. Các thông tin hỗ trợ của Chính phủ tới doanh nghiệp Việt chưa thực sự rõ ràng, bản thân nhiều doanh nghiệp chưa nhận được ưu đãi, hỗ trợ.... Ngay cả với những doanh nghiệp chuyên nghiên cứu công nghệ, sản xuất thương mại, đã có bằng sáng chế cũng khó có thể tiếp cận các chính sách hỗ trợ như vốn...
 
Công nghệ điện tử, hỗ trợ chưa thể phát triển, các nghiên cứu sáng tạo chưa được nâng đỡ đúng cách đang khiến cho lĩnh vực này của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các nhà đầu tư nước ngoài.
 
Theo ông Nguyễn Đình Hùng, Chủ tịch Tập đoàn EDX, chuyển đổi sản xuất từ nước ngoài vào Việt Nam, cần phải đánh giá thật kỹ về tính lợi - hại. Xét về mặt vĩ mô, nhiều dự án kéo sang Việt Nam có thể khiến số liệu về thu hút đầu tư, sản xuất, xuất khẩu ở Việt Nam tăng mạnh. Tuy nhiên, liệu các tập đoàn, doanh nghiệp FDI mang sang Việt Nam công nghệ sản xuất thế nào, gây ô nhiễm ra sao và để lại hậu quả thế nào cho con người, đất đai, khí hậu Việt Nam sau 20-30 năm hoạt động. Đó là chưa tính tới việc, sau nhiều năm tới, công nghệ robot phát triển, lao động tay chân sẽ giảm, vậy hàng chục nghìn, trăm nghìn thậm chí hàng triệu lao động từ các dự án FDI này sẽ thất nghiệp, họ đi đâu, về đâu. Đó là vấn đề an sinh xã hội.

Các chuyên gia nhận định, với những nỗ lực từ Chính phủ, các bộ, ngành và sự liên kết giữa các doanh nghiệp, Việt Nam sẽ đón làn sóng đầu tư "sạch" với hàm lượng công nghệ cao, sản xuất sạch và tính liên kết với doanh nghiệp nội tốt hơn
 
Hiện tại, cơ cấu các sản phẩm linh kiện điện tử đang có sự lệch pha. Trong đó, lợi thế đang nghiêng về điện tử tiêu dùng trong khi điện tử chuyên dụng lại rất ít. Tỷ lệ chênh lệch là rất lớn. Ngoài ra, ngành công nghệ phụ trợ sản xuất phụ tùng linh kiện đi theo hỗ trợ công nghiệp điện tử trong nước đang phát triển chậm và không đáp ứng được nhu cầu của nhà sản xuất. Điều này khiến chính các nhà sản xuất quốc tế khi đầu tư vào VN thường cân nhắc. Hoặc họ cũng kéo theo các DN đầu tư công nghệ phụ trợ, hoặc nhập khẩu từ thị trường bên ngoài. Vì vậy, các nhà sản xuất linh kiện điện tử ở Việt Nam sẽ gặp thách thức lớn nhất là phải cạnh tranh về giá với hàng nhập khẩu. Không lâu sau, thuế nhập khẩu thiết bị toàn bộ chỉ ngang bằng hoặc thấp hơn nhập linh kiện, chưa kể đến những thách thức khi Việt Nam tham gia Hiệp định Công nghệ thông tin mở rộng. Do vậy lợi nhuận sản xuất công nghiệp còn rất thấp.
 
Nguyễn Dung