Nghị quyết 42 sắp kết thúc, NHNN đề nghị xây dựng Luật xử lý nợ xấu
Theo đánh giá của NHNN, từ khi Nghị quyết 42 được ban hành, xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực. Tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đến 31/5/2021 là 425,4 nghìn tỷ đồng (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ hạch toán ngoại bảng cân đối kế toán, nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt được xác định theo Nghị quyết 42), giảm 3,4% so với cuối năm 2020.
Lũy kế từ 15/08/2017 đến 31/5/2021, đã xử lý được 353,81 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 (Không bao gồm nợ xấu xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro). Trung bình mỗi tháng, toàn hệ thống xử lý được hơn 6 nghìn tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42 trong 4 năm qua, cao hơn nhiều mức 3,52 nghìn tỷ đồng/tháng so với điểm chưa có Nghị quyết 42.
Đáng chú ý, xử lý nợ xấu bằng hình thức khách hàng tự nguyện trả nợ tăng mạnh, phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện mạnh mẽ (chiếm 39,28% tổng nợ theo Nghị quyết số 42 đã xử lý, cao hơn nhiều so với mức 22,8% giai đoạn 5 năm trước đó, khi chưa có Nghị quyết.
Trong quá trình triển khai Nghị quyết vẫn còn tồn tại các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ sở pháp lý, đến quá trình thực thi. Nguyên nhân của các khó khăn, vướng mắc tập trung ở việc áp dụng pháp luật còn thiếu đồng bộ do có sự khác nhau giữa nội dung Nghị quyết số 42 với pháp luật chuyên ngành.
Việc chỉ dừng lại ở Nghị quyết thí điểm đã dẫn đến tâm lý ưu tiên áp dụng pháp luật chuyên ngành tại một số cơ quan hữu quan. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, một số quy định tại Nghị quyết cũng chưa đáp ứng được yêu cầu xử lý nợ xấu của các TCTD, VAMC, gây khó khăn, bất cập trong việc xử lý nợ xấu.
Bên cạnh đó, nghị quyết 42 cũng chỉ còn 1 năm nữa là hết hiệu lực. Trong khi đó, Covid 19 diễn ra từ năm ngoái đến nay đang khiến nợ xấu của các TCTD có khả năng tiếp tục tăng mạnh, khó giữ ở mức dưới 2%.
Với mô hình tăng trưởng dựa nhiều vào tín dụng như hiện nay, NHNN cho rằng, nếu các khó khăn, vướng mắc trong khuôn khổ pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu (đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp) chưa được tháo gỡ thì sẽ không thể khơi thông được nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, qua đó ảnh hưởng đến mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng và tăng trưởng GDP của nền kinh tế.
Nhận định của các tổ chức tín dụng (TCTD) cho thấy, nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng tăng trong 6 tháng đầu năm 2021 và dự báo tiếp tục tăng trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2021 ở tất cả các đối tượng, loại tiền, kỳ hạn và lĩnh vực, ngoại trừ nhu cầu tín dụng cho đầu tư, kinh doanh du lịch giảm trong 6 tháng đầu năm 2021 và được dự báo phục hồi nhẹ trong 6 tháng cuối năm 2021.
Theo Vụ Dự báo, thống kê các TCTD đã điều chỉnh thu hẹp bớt mức kỳ vọng về xu hướng gia tăng nhu cầu tín dụng năm 2021 qua các kỳ điều tra. Trong đó, thu hẹp đáng kể đối với kỳ vọng về sự gia tăng nhu cầu vay vốn trong lĩnh vực xây dựng, du lịch, vận tải, kho bãi, xuất nhập khẩu, sản xuất phân phối điện, vay mua nhà để ở, công nghiệp hỗ trợ và đầu tư ứng dụng công nghệ cao.
Đánh giá 6 tháng cuối năm 2021, các TCTD dự kiến nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng tổng thể của đơn vị mình đối với hầu hết các nhóm khách hàng, trong đó, ưu tiên nới lỏng đối với nhóm khách hàng là cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa, và áp dụng với hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên.
Trong khi đó, sẽ tiếp tục thắt chặt hơn đối với lĩnh vực cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản và cho vay kinh doanh chứng khoán trong 6 tháng đầu năm 2021.
Hải Đăng