Nghị viện châu Âu đóng băng thỏa thuận đầu tư EU - Trung Quốc
Theo đó cơ quan lập pháp của Liên minh châu Âu đã tạm dừng việc phê chuẩn Thỏa thuận toàn diện về đầu tư (CAI) với Trung Quốc cho tới khi Bức Kinh dỡ bỏ các lệnh trừng phạt áp dụng với các chính khách EU.
Sau 7 năm đàm phán, Trung Quốc và EU đã ký kết thỏa thuận CAI vào cuối năm 2020.
Giới quan sát đã nhận định việc ký kết CAI là một thắng lợi mang tính biểu tượng của Trung Quốc. Và sẽ tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đây có thể là thỏa thuận kinh tế quan trọng nhất kể từ khi Bắc Kinh ký nghị định thư về việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO.
Trước khi được đưa vào thực thi, thỏa thuận cần được hai bên chính thức phê chuẩn và mốc có hiệu lực dự kiến là từ đầu năm 2022.
Một phiên họp của Nghị viện châu Âu
Tuy nhiên, tháng 3/2021, Bắc Kinh đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 10 chính khách của Liên minh châu Âu và các cơ quan ngoại giao, nghiên cứu. Trong đó có 5 thành viên thuộc EP và Tiểu ban nhân quyền EP.
Đây là động thái đáp trả việc phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt với một số quan chức của Trung Quốc.
Nghị viện châu Âu yêu cầu Trung Quốc dỡ bỏ lệnh trừng phạt trước khi làm việc về thỏa thuận.
Được biết nghị quyết vừa được thông qua của EP không có ràng buộc về mặt pháp lý nhưng thể hiện quan điểm chính thức của cơ quan lập pháp Liên minh châu Âu. Nghị quyết nêu rõ: “Mối quan hệ Trung Quốc - EU có thể sẽ không tiếp tục kinh doanh được như bình thường”.
Tình trạng bế tắc này được đánh giá là một bước lùi đối với cả Liên minh châu Âu và Trung Quốc.
Nếu thỏa thuận CAI được thông qua sẽ cho phép bảo vệ nhiều hơn đầu tư và quyền sở hữu trí tuệ của châu Âu tại Trung Quốc. Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh cũng hy vọng sẽ tăng cường vị trí trên trường quốc tế như một đối tác thương mại đáng tôn trọng.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Valdis Dombrovskis phát biểu sau cuộc gặp các Bộ trưởng thương mại của EU rằng các lệnh trừng phạt của Trung Quốc đã không tạo ra môi trường thuận lợi cho thỏa thuận.
Theo số liệu của châu Âu, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của khối này sau Mỹ. Trong khi đó, EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Trung bình mỗi ngày giao lưu thương mại giữa hai bên là hơn 1 tỷ euro.
EU hy vọng thỏa thuận CAI sẽ giúp điều chỉnh sự mất cân bằng trong tiếp cận thị trường và tạo cơ hội đầu tư mới cho các công ty châu Âu tại Trung Quốc.
T.T
Xem thêm: WTO: Các rào cản chính sách thương mại chiếm ít nhất 14% chi phí thương mại