Nguồn cung dồi dào, vì sao giá thép vẫn tăng?

17:19 | 16/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu thép các loại đạt 2.168.701 tấn, tăng 67,8% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy, nguồn cung thép sản xuất trong nước dư thừa, đủ cho cầu tiêu thụ trong nước.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa công bố báo cáo về tình hình thị trường thép tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021.

Theo VSA, trong tháng 4/2021, sản xuất thép các loại đạt 2.819.655 tấn, giảm 4,75% so với tháng trước nhưng tăng 52,2% so với cùng kỳ 2020. Bán hàng thép các loại đạt 2.703.395 tấn, giảm 6,22% so với tháng 3/2021, nhưng tăng 56,7% so với cùng kỳ 2020; Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 534.162 tấn, giảm 14,61% so với tháng trước, nhưng tăng gấp đôi so với cùng kỳ tháng 4/2020.

Luỹ kế 4 tháng đầu năm, sản xuất thép các loại đạt 10.483.914 tấn, tăng 38,3% so với cùng kỳ 2020. Bán hàng đạt 9.483.755 tấn, tăng 40,3% so với cùng kỳ 2020; Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 2.168.701 tấn, tăng 67,8% so với 4 tháng năm 2020. Điều này cho thấy, nguồn cung thép sản xuất trong nước dư thừa, đủ cho cầu tiêu thụ trong nước.

Sản xuất và tiêu thụ thép trong 4 tháng đầu năm tăng

Tình hình sản xuất thép thành phẩm năm 2021. Nguồn: VSA

Nguồn cung dồi dào, tuy nhiên từ đầu năm đến nay, giá thép tăng liên tục, các cửa hàng bán vật liệu xây dựng (VLXD) phải báo giá với khách hàng 2 ngày/lần, thay vì trước đây thời gian luôn ổn định trong tuần, tháng hoặc quý.

Ví dụ như trước tháng 7/2020, thép cuộn có giá trên dưới 12.000 đồng/kg, nhưng đến cuối tháng 4/2021 giá đã lên trên dưới 17.000 đồng/kg, tăng khoảng 5.000 đồng/kg. Trong tháng 4, giá thép có ít nhất 4 lần nhảy múa với chiều hướng đi lên. Từ đầu tháng 5 đến nay, giá thép tạm thời không tăng đột biến nhưng vẫn giữ ở mức cao so với trước kia.

Lý giải về nguyên nhân giá thép tăng phi mã trong thời gian qua, Bộ Công thương giải thích là do giá nguyên liệu sản xuất mặt hàng này (quặng sắt, phôi thép, than mỡ...) trên thị trường thế giới tăng gấp rưỡi, gấp đôi trong 9 tháng qua.

Ngành thép Việt Nam phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên khi giá các loại vật liệu này tăng, giá thép thành phẩm trong nước cũng điều chỉnh theo. Đặc biệt trong thời gian gần đây, giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu, cùng với dịch bệnh, thời gian giao hàng kéo dài cũng là những lý do khiến giá thép tăng mạnh.

Theo phân tích của nhiều doanh nghiệp sản xuất thép, đà tăng giá thép không chỉ đến từ giá nguyên vật liệu như phôi tăng cao mà còn do thiếu nguồn cung, đặc biệt là thị trường Mỹ và châu Âu. Bởi 10 năm qua, các nước phát triển không vận hành lò cao sản xuất thép, chỉ còn lại Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang cắt giảm sản xuất thép để bảo vệ môi trường. Điều này dẫn đến nguồn cung không còn dư thừa như khoảng thời gian trước; trong khi nhu cầu thế giới tăng cao cho mục tiêu phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19.

Theo dữ liệu của VSA về thị trường nguyên liệu thép, giá quặng sắt ngày 4/5/2021 giao dịch ở mức 189,40-189,90 USD/Tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, tăng mạnh khoảng 19 USD/tấn so với đầu tháng 4/2021. Ngày 7/5/21, giá quặng tiếp tục tăng và giao dịch là 210 – 212 USD/tấn.

Giá than mỡ luyện cốc, xuất khẩu tại cảng Úc (giá FOB) cũng tăng 5 USD so với đầu tháng 4 lên mức khoảng 103,75USD/tấn. Trong khi đó giá cốc tại thị trường nội địa Trung Quốc tăng cao.

Sản xuất và tiêu thụ thép trong 4 tháng đầu năm tăng

Giá nguyên liệu sản xuất thép năm 2021. Nguồn VSA

Giá thép phế HMS ½ 80:20 nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 466 USD/tấn CFR Đông Á ngày 4/5/2021. Mức giá này tăng 24USD/tấn so với hồi đầu tháng 4/2021. Giá thép phế chào bán tại các thị trường Mỹ có xu hướng tăng nhẹ, Châu Âu và Đông Nam Á có chiều hướng đi ngang.

Trong khi, nhu cầu thép nội địa của Trung Quốc có khả năng cải thiện hơn nữa trong mùa hè, nhu cầu xuất khẩu của nước này sẽ bị ảnh hưởng do khả năng cao do mức hoàn thuế xuất khẩu bị cắt giảm từ 13% xuống 9%. Giá GE loại 600mm UHP công suất cực cao hiện được đánh giá ở mức 25.000 NDT/tấn và của loại 450mm HP được đánh giá ở mức 19.000-21.000 USD/tấn.

Giá cuộn cán nóng (HRC) ngày 4/5/2021 ở mức 925 USD/T, CFR cảng Đông Á, tăng mạnh khoảng 130 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 4/2021. Nhìn chung, thị trường thép cán nóng (HRC) thế giới biến động, khiến thị trường HRC trong nước khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất thép dẹt (CRC, tôn mạ, ống thép) sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất.

Theo VSA, các dự báo trước đó nói giá thép sẽ chỉ tăng tối đa là hết quý II/2021. Nhưng hiện tại, mọi thứ đang thay đổi, nhiều dự báo điều chỉnh giá thép có thể tăng hết quý III/2021.

Về phía doanh nghiệp, nhiều công ty cho biết gặp nhiều khó khăn khi giá phế liệu, quặng sắt tăng mạnh suốt thời gian qua, tác động đến chi phí đầu vào của sản phẩm. Giá nguyên liệu đầu vào tăng nhanh và cao đã ảnh hưởng đến nhà sản xuất khi giá thành không thể tăng tương ứng. Để sản xuất ổn định, doanh nghiệp phải mua hàng giá cao tới hết quý IV, nhưng không mua nhanh cũng không có hàng để sản xuất.

H.A

Xem thêm: Thép vẫn giữ nguyên mức giá cao trong nhiều ngày liên tiếp