Nguồn cung khí đốt từ Nga đến châu Âu sụt giảm
Italy và Slovakia ngày 17/6 cho biết chỉ nhận được chưa đến một nửa lượng khí đốt thông thường thông qua đường ống trên, vốn đi từ Nga qua Biển Baltic đến Đức.
Trong khi đó, Pháp cho biết nước này đã không nhận được khí đốt của Nga từ Đức kể từ ngày 15/6. BDEW, hiệp hội của ngành công nghiệp điện Đức cho biết nguồn cung giảm từ Nga có thể được thay thế bằng các nguồn khác, chẳng hạn như Na Uy và Hà Lan.
Việc Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc vào khí đốt của Nga và nguy cơ Moscow có thể cắt nguồn cung loại nhiên liệu này để đáp trả các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây liên quan đến vấn đề Ukraine đang là vấn đề gây đau đầu cho châu Âu và buộc khối này phải tích trữ hàng tồn kho cũng như tìm kiếm nguồn cung thay thế.
Tập đoàn năng lượng Eni của Italy cho biết chỉ nhận được một nửa trong số 63 triệu m3 khí đốt/ngày mà họ đã yêu cầu từ Gazprom của Nga ngày 17/6, sau khi bị thiếu hụt hai ngày trước đó. Trước đó, Gazprom thông báo đã giảm gần 60% nguồn cung khí đốt cho Đức qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1.
Hiện Italy đặt mục tiêu lấp đầy ít nhất 90% dự trữ khí đốt của nước này cho mùa Đông, so với mức 54% hiện nay. Trên toàn châu Âu, mức dự trữ đã phục hồi trong năm nay nhờ hoạt động nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mạnh mẽ. Các nhà phân tích tại ING Research cho biết lượng hàng tồn kho của EU hiện đã đầy 52%, thấp hơn mức trung bình 5 năm, song vẫn cao hơn mức 43% của cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, ING cảnh báo tình trạng sụt giảm nguồn cung kéo dài sẽ làm dấy lên lo ngại về khả năng xây dựng đủ kho dự trữ của EU trong mùa nắng nóng tới. Một đợt nắng nóng sớm trên khắp các khu vực của Tây Ban Nha và Pháp đã làm củng cố những quan ngại và thúc đẩy lượng mua khí đốt nhiều hơn để cung ứng điện khi nhu cầu sử dụng điều hòa không khí tăng đột biến.
Dòng chảy phương Bắc 1 cũng được lên kế hoạch bảo trì hàng năm từ ngày 11-21/7 và trong giai đoạn này việc cung ứng nhiên liệu sẽ tạm dừng.
Mỹ đã trở thành nhà xuất khẩu LNG quan trọng cho châu Âu trong nhiều tháng. Tuy nhiên, một vụ nổ vào tuần trước tại một nhà máy xuất khẩu LNG lớn ở Texas khiến nhà máy này không hoạt động cho đến tháng Chín và sau đó sẽ chỉ hoạt động một phần đến cuối năm 2022. Cơ sở này, chiếm khoảng 20% lượng LNG xuất khẩu của Mỹ và là nhà cung cấp chính cho các khách hàng châu Âu.