Nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn hiện hữu
Cơ quan giám sát tài chính toàn cầu Hội đồng Ổn định tài chính (FSB) nhận định Thụy Sỹ cần phải tăng cường kiểm soát ngành ngân hàng nhằm ngăn chặn mọi rủi ro đối với UBS, tránh gây ảnh hưởng lớn mang tính hệ thống.
Đây là cảnh báo mạnh nhất về nguy cơ phát sinh đối với hệ thống ngân hàng Thụy Sỹ sau vụ UBS giải cứu Credit Suisse.
Tập đoàn UBS nổi lên như ngân hàng toàn cầu duy nhất của Thụy Sỹ vào năm ngoái khi thực hiện vụ giải cứu Credit Suisse với sự hậu thuẫn của nhà nước. Nhờ đó, một vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã không xảy ra.
Tuy nhiên, việc giải cứu Credit Suisse đi ngược lại các quy định được đưa ra sau khủng hoảng tài chính, vốn được thiết kế để đảm bảo các nhà đầu tư, chứ không phải ngân sách nhà nước, hay nói cách khác là người nộp thuế, sẽ chịu trách nhiệm chính về mặt tài chính trong trường hợp một ngân hàng bị phá sản.
Cụ thể, Chính phủ Thụy Sỹ đã cấp khoản bảo lãnh 200 tỷ franc Thụy Sỹ (227 tỷ USD) để UBS giải cứu Credit Suisse.
Trong báo cáo, các quan chức quốc tế kêu gọi Bern tăng cường kiểm soát các ngân hàng lớn và hỗ trợ Cơ quan giám sát thị trường tài chính Thụy Sỹ (FINMA) bằng cách cấp thêm nguồn lực và quyền hạn để can thiệp kịp thời nếu một ngân hàng gặp rắc rối.
Báo cáo mô tả việc làm này là đặc biệt quan trọng vì UBS là ngân hàng lớn nhất trên toàn cầu so với quy mô nền kinh tế Thụy Sỹ.
Các quan chức nêu rõ bất kỳ rủi ro nào xảy đến với UBS có thể tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Thụy Sỹ và hệ thống tài chính toàn cầu.
FSB kêu gọi Thụy Sỹ tăng cường quản lý hệ thống tài chính, không chỉ đơn thuần dựa vào các yêu cầu vốn bổ sung và các lệnh khắc phục, mà cần giảm sự phụ thuộc vào các kiểm toán viên bên ngoài và có thể phát triển các phương pháp thay thế để đánh giá ngân hàng.
FSB cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập một quỹ hỗ trợ thanh khoản công cộng. Quỹ này sẽ đóng vai trò như phương sách cuối cùng để hỗ trợ một ngân hàng gặp khó khăn.
Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục chậm lại trong năm 2024, năm thứ ba liên tiếp, và có nguy cơ rơi vào mức tăng trưởng yếu nhất trong nửa thập kỷ, kể từ đầu những năm 1990.
Nguyên nhân là do tốc độ tăng trưởng chậm của các nền kinh tế tiên tiến, trong bối cảnh chính sách tiền tệ bị thắt chặt, suy giảm tăng trưởng về mặt cơ cấu của Trung Quốc và hệ thống thương mại quốc tế còn tồn tại nhiều yếu kém.
Mặc dù các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển khác ngoài Trung Quốc dự báo sẽ đạt được một cú hích nhẹ về tốc độ tăng trưởng trong năm 2024, song tốc độ này vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình trước đại dịch COVID-19, bất chấp sự phục hồi “khiêm tốn” sau những cú sốc kinh tế gần đây.
Người dân ở 1/4 các nền kinh tế đang phát triển vẫn nghèo hơn thời kỳ trước đại dịch.Tuy nhiên, vẫn có một số tín hiệu tích cực. Lạm phát toàn cầu đang tiếp tục giảm.
Một số thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển (EMDE) đã quay trở lại tốc độ tăng trưởng trước đại dịch và dường như các nền kinh tế này đang ở vị trí tốt để thúc đẩy sự phục hồi theo dự kiến về nhu cầu toàn cầu và thương mại quốc tế từ năm 2025 trở đi.
WB cũng đã đưa ra một lộ trình tiềm năng để kích thích một chiến lược thoát khỏi chu kỳ suy thoái hiện tại mạnh mẽ hơn, rộng rãi hơn. Dó là tăng tốc đầu tư. Nhưng điều này không đơn giản.
Báo cáo lưu ý con đường hướng tới sự phục hồi sáng lạn hơn rất hẹp và đòi hỏi phải có những quyết định kinh tế sáng suốt trong suốt chặng đường.Nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng 2,4% trong năm nay, giảm nhẹ so với mức 2,6% của năm 2023.
Dự báo tăng trưởng của Mỹ đã được điều chỉnh nâng 0,8 điểm phần trăm lên 1,6% cho cả năm 2024, nhờ hoạt động kinh tế mạnh mẽ đáng ngạc nhiên, bất chấp chính sách tiền tệ thắt chặt.
Trong khi đó, dự báo tăng trưởng của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã bị hạ 0,6 điểm phần trăm, xuống chỉ còn 0,7%, so với dự báo mà WB đã đưa ra trước đó.
Hoạt động của khối kinh tế này đã giảm tốc mạnh vào nửa cuối năm 2023, do cú sốc từ cuộc xung đột Ukraine vẫn tiếp diễn, dẫn đến lạm phát giá năng lượng và lãi suất tăng cao đè nặng lên hoạt động của cả khối.
Tình trạng bất ổn dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2024.Trung Quốc tăng trưởng chậm bất ngờ trong năm 2023, sau khi kỳ vọng về sự phục hồi sau đại dịch không như mong đợi.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại trong giai đoạn 2024–2025, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng trước đại dịch. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng thương mại toàn cầu, đặc biệt là ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.