Nhà đầu tư có thể học gì từ huyền thoại Warren Buffett?
Warren Buffett được cho là nhà đầu tư vĩ đại nhất mọi thời đại và với khối tài sản khổng lồ khoảng 121 tỷ USD, ông hiện là người giàu thứ bảy trên thế giới, theo Bloomberg Billionaires Index.
Nhờ thành công vang dội, tính chính trực và sẵn sàng chia sẻ công khai về triết lý đầu tư của mình cũng như thảo luận về nhiều vấn đề khác, danh tiếng của “nhà hiền triết xứ Omaha” đã tăng đáng kể trong hàng chục năm qua.
Đại hội cổ đông của Berkshire Hathaway từng chỉ được tổ chức tại một hàng ăn nhỏ với khoảng chục người tham dự. Giờ đây, sự kiện này thu hút hàng trăm nghìn người và được phát sóng trực tuyến.
Dưới đây là những tổng hợp của Yahoo Finance! về cuộc đời, phương pháp và lời khuyên đầu tư của Warren Buffett:
Mua cổ phiếu đầu tiên vào năm 11 tuổi
Buffett mua cổ phiếu đầu tiên ở tuổi 11, sau khi ông đọc hết sách về đầu tư tại thư viện Omaha, một số cuốn đọc đến hai lần.
Sau đó, ông lần lượt theo học tại Đại học Pennsylvania, Đại học Nebraska và Trường Kinh doanh Columbia. Chính tại Columbia, Buffett đã gặp người cố vấn của mình là Benjamin Graham, người được coi là “cha đẻ của thuyết đầu tư giá trị”.
Buffett điều hành một công ty đầu tư trong giai đoạn 1957 - 1969, tạo ra lợi nhuận hàng năm là 23,8% sau khi trừ đi chi phí, theo Fortune.
Ông nắm quyền kiểm soát Berkshire vào ngày 10/5/1965. Kết phiên hôm đó, cổ phiếu Berkshire đạt 18 USD/cp. Hiện giờ, cổ phiếu loại A của tập đoàn đang giao dịch quanh mức 540.000 USD/cp.
Một trong những khoản đầu tư sinh lời nhất của Buffett là Coca-Cola. Cuối thập niên 1980, ông mua 1,3 tỷ USD cổ phần trong hãng nước giải khác vì thương hiệu mạnh và triển vọng tăng trưởng tốt. Số cổ phần này hiện trị giá khoảng 24 tỷ USD.
Buffett vốn nổi tiếng là người có chế độ ăn uống không lành mạnh, bởi ông thường uống 5 lon Coca mỗi ngày, cũng như thích ăn bít tết hoặc hamburger với khoai tây chiên.
Năm 2006, ông cam kết sẽ quyên góp hơn 99% tài sản cho các quỹ từ thiện, phần lớn là cho Quỹ Bill & Melinda Gates.
Tài sản sinh sôi
Khối tài sản ròng của Buffett đã sinh sôi nảy nở trong suốt cuộc đời ông. Khi còn trẻ, “nhà hiền triết xứ Omaha” đã đam mê tiền bạc và làm giàu, điều này đã nhen nhóm niềm yêu thích đầu tư trong ông.
Khi vẫn ở độ tuổi 20, Buffett đã thành một công ty đầu tư, mô hình tương tự một quỹ phòng hộ ngày nay. Tiền đầu tư chủ yếu đến từ gia đình và bạn bè.
Ông làm việc tại nhà, nghiên cứu hồ sơ của nhiều doanh nghiệp và tạp chí thương mại định kỳ để tìm kiếm những món hời đang bị định giá thấp.
Fortune cho biết, trong 13 năm Buffett điều hành công ty này, các nhà đầu tư của ông đã kiếm được lợi nhuận hàng năm là 23,8% - tức là khoản đầu tư 10.000 USD vào năm 1957 sẽ có giá trị hơn 160.000 USD vào cuối năm 1969.
Theo bà Alice Schroeder, người chịu trách nhiệm viết tiểu sử cho Buffett sau này, khi Buffett đóng cửa công ty vào cuối năm 1969, tổng tài sản ròng của ông là 26,5 triệu USD.
Khi đó, Buffett đã viết thư cho các đối tác, thông báo họ đang có bao nhiêu tiền và đưa ra hai lựa chọn cho họ là nhận tiền hoặc chứng khoán.
Ông nói mình dự định sẽ giữ lại cổ phần trong nhà máy dệt may Berkshire Hathaway có trụ sở tại Massachusetts, một món hời mà Buffett mua cho công ty đầu tư vào đầu thập niên 1960 và nắm quyền kiểm soát vào tháng 5/1965.
Trong 50 năm tiếp theo, Berkshire đã trở thành công cụ đầu tư giúp Warren Buffett làm giàu hơn nữa. Tập đoàn hiện đang hoạt động trong khoảng 40 lĩnh vực với 60 công ty con.
Tính đến ngày 30/8/2023, vốn hoá của tập đoàn đạt khoảng 790 tỷ USD, theo dữ liệu từ CompaniesMarketCap.com. Berkshire hiện là doanh nghiệp lớn thứ 7 thế giới theo vốn hoá.
Từ năm 1965 đến 2022, mức tăng trưởng gộp hàng năm của Berkshire là 19,8%, trong khi của S&P 500 là 9,9%. Trong 57 năm qua, cổ phiếu của Berkshire đã tăng tổng cộng 3.787.464%, còn S&P 500 tăng 24.708%.
Chiến lược đầu tư
Trong lá thư gửi các cổ đông vào năm 2019, Buffett đã trình bày một cách đơn giản những tiêu chí mà ông hay cân nhắc khi tìm kiếm món hời trên thị trường:
“Chúng tôi đang tiếp tục tìm cách mua lại những doanh nghiệp đáp ứng ba tiêu chí sau đây. Trước hết, họ phải kiếm được lợi nhuận ổn định từ vốn hữu hình ròng (net tangible capital) cần thiết cho hoạt động của mình.
Thứ hai, họ phải được vận hành bởi những nhà quản lý có năng lực và trung thực. Cuối cùng, họ phải có mức giá hợp lý”.
Hoạt động kinh doanh
Tiêu chí đầu tiên của Warren Buffett liên quan đến chất lượng hoạt động kinh doanh nền tảng của doanh nghiệp mà ông muốn mua hoặc đầu tư.
Buffett muốn các doanh nghiệp kiếm được lợi nhuận tốt trên số vốn mà họ bỏ ra, đồng thời tạo ra dòng tiền cho chủ sở hữu.
Ông cũng muốn tìm những công ty mà mình hiểu rõ. Mặc dù Buffett có thể hiểu hầu hết các hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp, ông lại không thể đánh giá chính xác triển vọng 5 năm hoặc 10 năm tới của công ty đó.
Do vậy, ngoài chất lượng của doanh nghiệp, ông còn xem xét thêm tính bền vững của doanh nghiệp và lợi thế cạnh tranh của họ. Nếu không thể hiểu thấu đáo các chỉ số này, ông sẽ chuyển sang nghiên cứu món hời tiềm năng khác.
Đội ngũ quản lý
Đánh giá ai đang điều hành doanh nghiệp là một phần quan trọng khác trong chiến lược đầu tư của Buffett.
Ông từng nói rằng mình không thể cung cấp kiến thức chuyên môn về quản lý cho một công ty nếu thứ này không có sẵn ở đó. Buffett cũng cho biết CEO thường có ảnh hưởng lớn lên cách quản lý trong một tổ chức.
Trong quá khứ, Buffett đã dùng thư gửi cổ đông hàng năm để khen ngợi những nhà quản lý tài năng mà ông biết, kể cả khi ông không nắm giữ cổ phần trong công ty của họ.
Chẳng hạn, Buffett từng nhắc đến nhà sáng lập của Amazon là Jeff Bezos và CEO của JPMorgan là ông Jamie Dimon, gọi họ là những CEO có năng lực.
Yếu tố giá cả
Tiêu chí cuối cùng mà Buffett sử dụng để đánh giá một khoản đầu tư tiềm năng có thể là yếu tố quan trọng nhất: giá cả. “Nhà hiền triết xứ Omaha” từ lâu đã theo đuổi thuyết đầu tư giá trị.
Ban đầu, Buffett từng mua lại những doanh nghiệp có nhiều vấn đề nhưng giá cực thấp, giúp bù đắp được những thách thức mà họ phải đối mặt. Phương pháp này gọi là “những điếu xì gà hút dở”.
Khi Berkshire phát triển, Buffett ngày càng khó tìm được món hời với mức giá thấp, vì vậy ông bắt đầu trả mức giá hợp lý cho những doanh nghiệp xuất sắc. Với cách tiếp cận này, lợi tức đầu tư sẽ đến từ hoạt động kinh doanh cơ bản của doanh nghiệp, thay vì từ mức giá thấp khi mua vào ban đầu.
Lời khuyên đầu tư
Buffett đã sử dụng các bức thư gửi cổ đông, cuộc họp thường niên và truyền thông để chia sẻ triết lý đầu tư của mình. Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích nhất:
“Đừng để mất tiền”. Buffett thường sử dụng lời khuyên đơn giản và rõ ràng này để nhấn mạnh tầm quan trọng của rủi ro trong đầu tư. Bằng cách tránh những tình huống có thể khiến bạn thua lỗ, bạn sẽ còn lại những khoản đầu tư có khả năng sinh lời.
“Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và tham lam khi người khác sợ hãi”. Lời khuyên này nói lên tầm quan trọng của việc hiểu rõ hành vi nhà đầu tư.
Sẽ có những lúc họ trở nên quá hào hứng với cổ phiếu hoặc các khoản đầu tư khác, từ đó kéo giá lên mức cao không bền vững và khó kiếm lợi nhuận tốt trong tương lai.
Điều ngược lại cũng đúng. Khi mọi người trở nên bi quan về tương lai và bán tháo cổ phiếu hoặc doanh nghiệp với mức giá cực kỳ hấp dẫn, đây có thể là thời điểm mua món hời của những nhà đầu tư khôn ngoan.
“Chờ thời cơ thích hợp”. Chờ đợi là một trong những thói quen tốt mà nhà đầu tư nên có. Nếu nhà môi giới hoặc bạn bè thúc giục bạn đầu tư vào một thứ gì đó mà bạn không hiểu rõ hoặc cho rằng giá quá cao, bạn có thể chờ đợi một cơ hội khác phù hợp hơn.
Quỹ chỉ số là lựa chọn tốt nhất cho hầu hết mọi người. Mặc dù Buffett kiếm được khối tài sản khổng lồ nhờ chiến lược đầu tư chủ động, ông thừa nhận rằng hầu hết mọi người sẽ gặt hái được lợi nhuận tốt khi rót vốn vào một quỹ chỉ số có chi phí thấp và đa dạng, chẳng hạn như S&P 500.