Nhiều kiến nghị nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Đông Bắc 07:11 | 17/02/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trước Hội nghị để bàn giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, Bộ Xây dựng, các Hiệp hội, ngân hàng đã có những kiến nghị liên quan đến phát triển nhà ở xã hội.

 

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức hội nghị thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, Bộ Xây dựng đề xuất với Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng. Con số này tương đương khoảng 10% nhu cầu vốn của giai đoạn 2022 – 2030, cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án NOXH, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn.

Theo Bộ xây dựng, gói tín dụng này về cơ bản giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013 - 2016 trước đây.

Chi tiết phân bổ gói này chưa được đề cập nhưng Bộ Xây dựng cho biết sẽ giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013-2016 khi thị trường gặp khó khăn.

Theo chính sách gói 30.000 tỷ trước đây, khoảng 50% gói tín dụng, tương đương 55.000 tỷ đồng sẽ dành cho chủ đầu tư dự án vay ưu đãi. Đối với người mua NOXH, nhà ở công nhân, dành khoảng 50% gói tín dụng, tương đương 55.000 tỷ đồng cho khách cá nhân là người mua, thuê mua NOXH, nhà ở công nhân. Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính phối hợp để xây dựng chi tiết hơn.

Theo Bộ Xây dựng, hiện có nhiều rào cản trong cơ chế phát triển nhà ở xã hội đang làm phát sinh thủ tục, chi phí. Các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội phải mất 1-2 năm để hoàn thành những thủ tục này. hầu hết các địa phương chưa dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội thời gian qua; quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội còn chồng chéo giữa các luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai.

 

 Bộ Xây dựng kiến nghị gói vay ưu đãi 110.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội. Ảnh BĐS.

Bộ cũng cho biết cần hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” để tăng nguồn cung phù hợp với nhu cầu, khả năng của người lao động có thu nhập thấp có nhu cầu cao về nhà ở có thể tiếp cận.

Năm 2021, Bộ Xây dựng cũng từng nêu đề xuất bổ sung vào chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022 – 2023 gói tín dụng 65.000 tỷ đồng làm nhà ở xã hội, nhà cho công nhân. Gói này bao gồm tín dụng tái cấp vốn cho chủ đầu tư dự án. Song, đến hiện tại, đề xuất này chưa có tiến triển thêm.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị sớm có Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhằm tháo gỡ ngay các khó khăn như vấn đề giao đất, dành quỹ đất cho nhà ở xã hội; chọn chủ đầu tư; ưu đãi cho chủ đầu tư nhà ở xã hội; xác định giá bán, thuê, đối tượng và điều kiện hưởng chính sách.

Nhà ở xã hội được đánh giá là phân khúc góp phần thúc đẩy thị trường địa ốc trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Nhiều chuyên gia kỳ vọng vào gói hỗ trợ dành cho phân khúc này.

HoREA kiến nghị hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho người mua nhà ở xã hội

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cũng đã có văn bản gửi tới Thủ tướng và Bộ Xây dựng góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Một trong những đề xuất đáng chú ý được Hiệp hội này nêu ra đó là quy định chính sách hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi trong 10-20 năm cho người mua căn nhà đầu tiên là căn hộ có mức giá không quá 2 tỷ đồng/căn.

Cụ thể, HoREA cho biết trong 17 năm qua, Quỹ phát triển nhà ở TP HCM (HOF) đã hỗ trợ khoảng 5.500 lượt vay vốn ưu đãi để mua nhà ở, với khoản vay những năm đầu chỉ 400 triệu đồng và được điều chỉnh tăng lên qua các năm. Khoản vay 900 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị căn hộ với lãi suất vay ưu đãi 4,7%/năm trong 20 năm.

Hiệp hội đánh giá, cách làm trên không quy định mức giá mua căn nhà được hỗ trợ vốn và lãi suất ưu đãi nên có thể bao gồm cả trường hợp mua nhà giá trị cao. Theo HoREA, chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho người mua căn nhà đầu tiên là chính sách đã được nhiều nước áp dụng nhưng chưa được quy định trong Luật Nhà ở của Việt Nam.

Trước đó, vào cuối năm 2022, HoREA cho biết, hiện nay hầu như không có căn hộ nhà ở xã hội trên thị trường, trong khi nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đang thực hiện chính sách giảm giá bán nhà, chiết khấu sâu trên dưới 50% dẫn đến giá bán căn hộ tại một số dự án khoảng 2 tỷ đồng/căn, nhưng người mua nhà ở thương mại chưa vay được tín dụng với lãi suất hợp lý.

Nguyên nhân là do Nghị định 31/2022/NĐ-CP chỉ hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Công điện số 1164/CĐ-TTg ngày 14/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cung ứng vốn tín dụng kịp thời cho nền kinh tế nhưng chưa có chính sách hỗ trợ giảm 2%/năm lãi suất tín dụng hoặc vay với lãi suất thương mại hợp lý cho người mua nhà ở thương mại có mức giá khoảng dưới 1,8 - 2 tỷ đồng/căn.

Bên cạnh đó, do gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ giảm 2%/năm lãi suất vay theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, nhưng đến hết tháng 10/2022 mới chỉ giải ngân được khoảng 21.000 tỷ đồng chỉ đạt 52,5%, có khả năng “bị ế” mà nếu không sử dụng hết thì lãng phí nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Do đó, Hiệp hội này đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ xem xét quyết định một số chính sách ngắn hạn áp dụng đến hết năm 2023 để hỗ trợ về tín dụng cho người mua nhà.

Cụ thể, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 31 cho phép người mua nhà ở thương mại có mức giá 1,8-2 tỷ đồng/căn trở xuống được hỗ trợ 2%/năm lãi suất vay tín dụng hoặc hỗ trợ với lãi suất hợp lý do Ngân hàng Nhà nước quy định.

Thời gian hỗ trợ lãi suất này tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc, lãi tiền vay theo thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại và khách hàng, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2023. 

Trên thị trường hiện tại, căn hộ nhà ở thương mại giá dưới 2 tỷ đồng là rất ít và đa phần là nhà ở xã hội. Với kiến nghị của HoREA cũng là một trong những phương án thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp nhận được sự hỗ trợ với nguồn vốn vay ưu đãi.

 Nhà ở xã hội có giá dưới 2 tỷ đồng/căn. Ảnh BBD.

 Ngân hàng thương mại cho vay ưu đãi nhà ở xã hội

Tại Hội nghị trực tuyến về tín dụng bất động sản ngày 8/2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHHNN) Nguyễn Thị Hồng cũng đã đưa ra định hướng trong năm 2023. Theo đó, các ngân hàng thương mại cần ưu tiên cho vay nhà ở xã hội.

Theo đó, NHNN chỉ đạo các chi nhánh, ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, gần đây nhất là Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, thị trường xăng dầu.

Đối với các TCTD, để góp phần phát triển thị trường BĐS lành mạnh, an toàn, NHNN yêu cầu các TCTD nỗ lực tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để có dư địa cho vay, giúp các DN trả nợ. Tập trung tín dụng vào các dự án có tính pháp lý, có khả năng khả thi, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo khả năng trả nợ, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân,…

Thống đốc chỉ đạo các ngân hàng ngồi lại với DN để tìm hiểu những khó khăn cụ thể, không nói chung chung.

Chủ động kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, đẩy mạnh cho vay người mua nhà, thu nợ người bán nhà, tăng cường kiểm tra việc cấp tín dụng đối với các DN, tập đoàn, dự án sân sau. Nếu tín dụng tập trung vào các DN là sân sau với mức độ tập trung lớn sẽ rất rủi ro. Các ngân hàng cần phải quan tâm lưu ý việc này.

Về cho vay ưu đãi nhà ở xã hội, Thống đốc yêu cầu các ngân hàng thương mại có giải pháp tín dụng phù hợp, kịp thời báo cáo Thống đốc về những khó khăn, vướng mắc; báo cáo các Bộ, ngành địa phương hỗ trợ các DN giải quyết những vướng mắc mang tính pháp lý, thủ tục,… làm thế nào tháo gỡ khó khăn cho DN những vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.

Đối với các doanh nghiệp bất động sản, các cơ quan điều hành sẽ phải áp dụng các chính sách vĩ mô để ổn định vĩ mô. Đôi khi những chính sách này ảnh hưởng đến DN, đó là sự đánh đổi.

Các DN nước ngoài có một bộ phận theo dõi, phân tích, đánh giá các chính sách vĩ mô để chủ động trong sản xuất kinh doanh. Nếu các DN của chúng ta chủ động thì sẽ không dẫn đến bị động trong sản xuất kinh doanh.

Bà Hồng nhấn mạnh: "Bản thân các DN cần có các giải pháp đẩy mạnh, quản trị lại DN để có năng lực tài chính và khả năng trả nợ ngân hàng. Doanh nghiệp phải nâng cao năng lực tài chính, đa dạng hoá nguồn huy động vốn, giảm phụ thuộc tín dụng ngân hàng.

Cuối cùng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến nhà ở cho công nhân, nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, mong rằng bản thân các DN tích cực tham gia phân khúc này. Bản thân NHNN cũng sẽ ưu tiên tín dụng cho phân khúc này".

 

Đang triển khai xây dựng 454.360 căn nhà ở xã hội

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích hơn 7.790.000 m2. Hiện đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, tổng diện tích khoảng 22.718.000 m2; trong đó có 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và có 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng.

Triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi nền kinh tế, trong 9 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 13 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 6.000 căn, với tổng diện tích khoảng 300.000 m2 sàn xây dựng. Đã khởi công 17 dự án với tổng số khoảng 31.230 căn, trong đó, nhà ở xã hội 14 dự án quy mô 27.870 căn, nhà ở công nhân 3 dự án quy mô 3.360 căn.