Nhiều người không trả lời khi được hỏi về Thông tư 31 do “nhạy cảm”
Thông tư số 31/2021/TT-BTC ngày 17/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế (Thông tư 31) sẽ có hiệu lực từ ngày 2/7/2021.
Thông tư 31 được ban hành để hướng dẫn Điều 9 Luật Quản lý thuế (số 38/2019/QH14) và quy định của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trên cơ sở kế thừa một số quy định tại Thông tư 204/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế và có tính tương đồng với Thông tư số 81/2019/TT-BTC quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan và đã được sửa đổi bổ sung để khắc phục một số hạn chế của quy định hiện hành, phù hợp với sự phát triển của công tác quản lý thuế.
Ngoài các nội dung được điều chỉnh để phù hợp theo tiếp cận của OECD (tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) với 4 tầng của mô hình tuân thủ tương ứng 4 mức độ tuân thủ, là mô hình đã được áp dụng ở cơ quan thuế của nhiều quốc gia, thay vì 3 mức như quy định trước đây.
Đây là một xu hướng cải cách các chính sách cần thiết theo cam kết khi Việt Nam tham gia vào các tổ chức và triển khai các hợp tác kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, đây cũng là một trong không nhiều các văn bản chính sách được ban hành đồng bộ từ Luật tới Nghị định và Thông tư, tức là khả năng áp dụng triển khai đã chín muồi.
Cơ quan chức năng bắt giữ hàng lậu (Ảnh: internet).
Câu hỏi mà phóng viên dành cho các chuyên gia và một số doanh nghiệp làm dịch vụ làm thủ tục về thuế và hải quan về Thông tư 31 là các nội dung liên quan tới việc người nộp thuế có thể bị xếp vào loại “có dấu hiệu đáng ngờ” hoặc diện “giám sát trọng điểm” và có thể gặp phải nhiều “rủi ro” nhưng đều không nhận được câu trả lời.
Hiện nay, đồng thời với chính sách khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, người dân dần quen với mua sắm online, thanh toán qua các ứng dụng như thẻ tiêu dùng, thẻ thanh toán, ví điện tử... Tại không ít cơ sở bán hàng, thay vì trả bằng tiền mặt, một hình thức tương đối phổ biến là thanh toán qua tài khoản.
Trong không ít trường hợp, bên bán thường sử dụng các tài khoản cá nhân để nhận tiền rồi lại chuyển tiếp tới tài khoản của người chủ hoặc các tài khoản trung gian để chuyển tới tài khoản người cung cấp hàng hoá... Đây là một phần của chu trình trốn thuế thông qua không thống kê doanh thu hoặc tiêu thụ hàng nhập lậu, mua, bán ngoài sổ sách.
Phương thức này lâu này dường như được coi là an toàn, do mới chỉ quy định tại Luật mà chưa có hướng dẫn cụ thể nhưng các chủ thể này quên rằng các giao dịch qua ngân hàng đều lưu lại "dấu vết". Nếu cơ quan quản lý truy ngược các giao dịch này theo thông tư 31, một số ý kiến cho rằng “có thể tạo ra cơn địa chấn”.
Thanh toán điện tử sẽ để lại dấu vết
Các "dấu hiệu đáng ngờ" dễ nhận thấy sẽ được thể hiện qua lượng tiền giao dịch của một tài khoản cá nhân số lượng lớn, luân chuyển liên tục, chu kỳ ngắn trong khi chủ tài khoản không đăng ký kinh doanh và các giao dịch giữa các cá nhân có thanh khoản lớn (như mua bán bất động sản) sẽ được truy vết từ giao dịch ngân hàng đến hồ sơ kê khai thuế chuyển nhượng bất động sản...
Theo Thông tư 31, người nộp thuế thuộc trường hợp giám sát trọng điểm về thuế là người nộp thuế có một trong các dấu hiệu sau: Người nộp thuế thực hiện các giao dịch qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền có liên quan đến trốn thuế, gian lận thuế; Người nộp thuế hoặc người đại diện hợp pháp của người nộp thuế bị khởi tố về các hành vi vi phạm về thuế, hóa đơn, chứng từ; Người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro cao về thuế thuộc chuyên đề trọng điểm hoặc qua thu thập thông tin từ công tác quản lý của cơ quan thuế cần giám sát quản lý thuế; Người nộp thuế được lựa chọn từ danh sách người nộp thuế thuộc mức không tuân thủ pháp luật thuế, danh sách người nộp thuế thuộc mức rủi ro rất cao, rủi ro cao và người nộp thuế không giải trình, bổ sung thông tin hoặc có giải trình, bổ sung thông tin nhưng không đầy đủ theo yêu cầu và thời hạn tại thông báobằng văn bản của cơ quan thuế.
Với việc Thông tư 31 có hiệu lực, hệ thống nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phối hợp giữa ngành Thuế và ngành liên quan để truy vết "dấu hiệu đáng ngờ" đã được thống nhất ban hành từ Luật - Nghị định - Thông tư và cách thức thu tiền qua tài khoản cá nhân, trước đây có vẻ “an toàn” nay đã trở nên rất “rủi ro”.
Đối với hàng lậu, cho dù vượt biên vào bằng đường nào cuối cùng cũng phải mua, bán và thanh toán. Các thanh toán quan hệ thống điện tử sẽ để lại nhiều dấu vết, có lẽ đây cũng là lý do mà câu hỏi của chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời là: “Vấn đề nhạy cảm...".
Đối với vấn đề phòng chống buôn lậu, năm ngoái, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý trên 185.461 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước 24,8 nghìn tỷ đồng (tăng gần 15,4% so với cùng kỳ), khởi tố 2.543 vụ với 3.502 đối tượng (tăng 28,3% số vụ và 49,46% số đối tượng so với cùng kỳ). Trong 5 năm qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý gần 1,24 triệu vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 116,9 nghìn tỷ đồng, khởi tố hình sự 10.288 vụ, 12.398 đối tượng.
Thống kê đầu năm 2021 cho thấy, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động là hơn 1,044 tỷ lượt giao dịch với giá trị gần 10,9 triệu tỷ đồng, tiếp tục đạt mức tăng 118,5% về số lượng và 121% về giá trị so với 1 năm trước đó. Số lượng giao dịch thanh toán qua internet đạt gần 421,8 triệu giao dịch với tổng giá trị đạt hơn 24,6 triệu tỷ đồng, tăng hơn 10% về số lượng và hơn 24% về giá trị giao dịch. Liệu sẽ có bao nhiêu lượt thanh toán và giá trị hàng thuộc diện “lậu” là bao nhiêu trong tổng số nói trên?
Ngày 2/7 là ngày thông tư 31 bắt đầu có hiệu lực, mức độ “nhạy cảm” của thông tư này cuối cùng cũng phụ thuộc vào mức độ quyết liệt triển khai của các cơ quan chức năng đó là các ngành có lực lượng chuyên trách trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả như Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Tổng cục Quản lý thị trường.
Yên Linh