NHNN: Lãi suất cho vay bình quân trong tháng 10 của các ngân hàng thương mại trong nước chưa đến 10%/năm
NHNN vừa công bố thông tin về diễn biến lãi suất của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng tháng 10/2022.
Cụ thể, lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 8,4-9,9%/năm.
Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,6%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (5,5%/năm).
Lãi suất cho vay USD bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 3,2-4,5%/năm đối với ngắn hạn và 5,2-5,7%/năm đối với trung và dài hạn.
Về tiền gửi, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của NHTM trong nước ở mức 0,2-0,3%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-4,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng;
Đối với kỳ hạn 6-12 tháng, lãi suất tiền gửi ở mức 5,4-6,5%/năm. Với kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng, lãi suất ở mức 5,6-6,8%/năm và với kỳ hạn trên 24 tháng, lãi suất ở mức 6,2-6,7%/năm.
Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi USD của TCTD ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.
Mới đây, NHNN có văn bản số 8253/NHNN-CSTT ngày 22/11/2022 yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Văn bản nêu rõ, qua theo dõi tình hình thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các TCTD cho thấy, đến nay tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 11,5% so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% định hướng toàn hệ thống năm 2022. Do đó, các TCTD vẫn còn dư địa để tiếp tục tăng trưởng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
NHNN yêu cầu các TCTD còn hạn mức tăng trưởng tín dụng chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ nhưng phải đảm bảo thanh khoản ổn định, an toàn hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Thời gian tới, NHNN sẽ căn cứ vào diễn biến tình hình của hệ thống và của từng TCTD để có giải pháp điều hành phù hợp theo chủ trương của Chính phủ.
Hiện nay, tại một số ngân hàng như VPBank và GPBank đã xuất hiện mức lãi suất 1/0-11%/năm tại các kỳ hạn dài và khi khách hàng gửi số tiền lớn. Đối. với các kỳ hạn ngắn 1-6 tháng, một số ngân hàng cũng áp dụng mức lãi suất kịch trần 6%/năm như Bac A Bank, SCB, Sacombank,…
Ngoài ra, chiều tối ngày 24/11, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã phát đi thông tin về việc giảm lãi suất cho vay.
Cụ thể, Vietcombank đã thông báo giảm lãi suất 1%/năm đối với các khoản vay VND cho các khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu với thời gian triển khai từ 1/11/2022 đến hết 31/12/2022. Theo đó, chính sách này không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá,…