Những điều ít biết về cuộc đời và sự nghiệp của vị `tỷ phú đô la` quyền lực phía sau Bamboo Airways
Chủ tịch Nguyễn Văn Quyết của FLC và Bamboo Airways khiến nhiều người ngưỡng mộ khi ở tuổi 40 ông đã sở hữu một khối tài sản khổng lồ và là một trong những tỷ phú Đôla của Việt Nam.
Chủ tịch Bamboo Airways là ai?
Chủ tịch Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết sinh ngày 27/11/1975 trong một gia đình công chức không mấy khá giả tại Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Cũng bởi gia cảnh có phần khó khăn, ông Quyết từ nhỏ đã lựa chọn khởi nghiệp khá sớm, tự mình kinh doanh để có chi phí cho các em mình ăn học khi mới chỉ 14 tuổi. Khác với tất cả các bạn cùng trang lứa, chỉ đi học và nô đùa sau những ngày nghỉ, còn ông biết tự lập và biết ý thức cuộc sống gia đình mình.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3 thì ông không thi đại học liền mà lại đi học sửa chữa điện tử, tự học vào buổi tối. Sau 2 năm tích góp được ít tiền, vào năm 1995 ông mới hiện thực được giấc mơ bước chân vào đại học. Ông đã đỗ vào Đại học Luật Hà Nội và được nhận ngay học bổng. Đến năm 24 tuổi, ông đã hoàn thành 2 chương trình học tại Học viện Hành chính quốc gia và Đại học Luật Hà Nội.
Chân dung chủ tịch FLC và Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết
Trong những năm học đại học ông không những dành thời gian cho việc học mà còn học kinh doanh với nghề buôn bán điện thoại và mở văn phòng gia sư cho mình. Lúc đó Mỹ dỡ bỏ cấm vận kinh tế với Việt Nam nên ông đã nắm bắt cơ hội đầu tư cho mình. Sau thời gian cố gắng nỗ lực hết mình thì văn phòng gia sư của ông là một trong những trung tâm gia sư đầu tiên tại Hà Nội với đội ngũ gia sư lên đến cả nghìn sinh viên.
Tích góp được ít vốn, ông gia nhập ngành kinh doanh điện thoại di động cũ. Thay vì mở cửa hàng,như bao người khác, ông chọn cách đăng rao vặt trên báo. Hiệu quả đến bất ngờ, chủ tịch Trịnh Văn Quyết bán được rất nhiều sản phẩm và quay vòng vốn nhanh. Với lượng bán vượt cả chục cửa hàng lớn ở Hà Nội, thu lãi cả triệu đồng một chiếc điện thoại, ông Quyết vừa kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống vừa có thể gửi về giúp đỡ bố mẹ nuôi các em.
Sự nghiệp của "tỷ phú đô la" Trịnh Văn Quyết
Sau khi tốt nghiệp, ông mở Công ty tư vấn Luật SMiC – chuyên tư vấn luật doanh nghiệp, luật đầu tư, các vấn đề sở hữu trí tuệ. Từ 2008 cho đến này thì ông vẫn hoạt động trong lĩnh vực chuyên tư vấn luật doanh nghiệp, luật đầu tư, các vấn đề liên quan đến kinh doanh cho các công ty khác và giữ chức vụ là tổng Giám đốc Công ty TNHH Luật SMIC.
Chủ tịch Trịnh Văn Quyết được trao danh hiệu hãng luật và luật sư tiêu biểu năm 2012
Ông đã ghi nhiều dấu ấn trong sự nghiệp hồi đó của mình. Ví dụ như Honda Vietnam tranh chấp với công ty GMN về khoản 2,2 triệu đô la Mỹ tiền đền bù đất đai ở Hưng Yên, giúp Techcombank thắng kiện một nhóm khách hàng năm 2005…
Sau 15 năm hoạt đồng, Công ty Luật SMiC đã trot thành thương hiệu lớn, vươn tầm ra quốc tế. Công ty đạt nhiều danh hiệu, giải thưởng, bằng khen của Bộ Tư Pháp. Riêng ông là một trong 5 luật sư hàng đầu Việt Nam được vinh danh “Luật sư tiêu biểu”.
Sau khi đã làm quen và tìm hiểu kinh doanh, ông quyết định thành lập Công Ty TNHH Đầu tư Trường phú Fortune với số vốn là 18 tỷ đồng. Đây cũng là bước ngoặt lớn nhất, tạo sự thay đổi trong cuộc đời sự nghiệp của ông. Sau này Công Ty TNHH Đầu tư Trường phú Fortune đổi thành Công ty cổ phần FLC và ông là một trong 3 cổ đông sáng lập.
FLC thắng lớn tại mảng kinh doanh bất động sản
Năm 2009, dự án khởi công FLC Landmark Tower được tiến hành đã nhanh chóng ông trở thành ngôi sao mới nổi trên thị trường bất động sản. Năm 2010, sau khi các lĩnh vực thu về một mối, công ty Trường Phú Fortune được ông Quyết chuyển thành tập đoàn FLC.
Từ đó tới nay, FLC đã cho ra đời hàng loạt các khu nghỉ dưỡng sinh thái. Chẳng hạn như khu nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn rộng 200 hecta, FLC Quy Nhơn,… Năm 2015, dự án Twin Tower được khởi công và vị chủ tịch đại gia Trịnh Văn Quyết đã gia nhập thêm một lĩnh vực mới trong vai trò là “bầu” Quyết của đội bóng đá FLC Thanh Hóa.
Sau nhiều dự án thành công, tên tuổi của tỷ phú Trịnh Văn Quyết và FLC vang dội khắp cả trong và ngoài nước. Năm 2016, cổ phiếu ROS của FLC Faros lên sàn, ông Quyết soán ngôi giàu nhất sàn chứng khoán với tổng tài sản 33.000 tỷ đồng.
Bamboo Airways ra đời vào năm 2017
Đáng chú ý hơn cả là vào năm 2017, chủ tịch Quyết và FLC đã thành lập Bamboo Airways – Hàng Không Tre Việt vốn 700 tỷ. Đây là hãng hàng không được rất nhiều người mong đợi với chất lượng dịch vụ chu đáo, giá cả hợp lý. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng cất cánh, hãng bay đã lỗ 329 tỷ đồng.
Tới tháng 12/ 2019, ông Trịnh Văn Quyết bàn giao lại chức CEO Bamboo Airways cho ông Đặng Tất Thắng và tiến hành hàng loạt những thay đổi để phát triển. Trước đó, ông Thắng cũng từng đảm nhiệm vai trò này từ khi Bamboo Airways thành lập đến tháng 3/2019. Sau gần một năm hoạt động, Bamboo Airways đã khai thác hơn 20 máy bay trên 34 đường bay nội địa và quốc tế. Hãng cũng vừa nhận máy bay thân rộng Boeing 787-9 đầu tiên.
Chủ tịch Quyết và dàn tiếp viên hàng không của Bamboo Airways
Năm 2020, hãng hàng không của tập đoàn FLC đặt mục tiêu chiếm 30% thị phần nội địa, khai thác 30 máy bay và nâng mạng bay lên 85. Bên cạnh đó, Bamboo Airways cũng đặt mục tiêu IPO, nâng vốn hóa lên 1 tỷ USD trong năm tới.
Mới đây, công ty Cổ phần Tập đoàn FLC vừa công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý III/2020 với doanh thu thuần tăng mạnh trở lại so với quý II đạt 3.424 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm trước thì mức doanh thu này có sự sụt giảm 24%. Lý do của sự sụt giảm về doanh thu này là do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19.
Riêng với mảng hàng không, Bamboo Airways tiếp tục dẫn đầu về tỷ lệ đúng giờ - yếu tố đã được duy trì liên tục từ khi cất cánh. Thống kê cho thấy, tính đến hết quý III, Bamboo Airways đúng giờ nhất toàn ngành với tỉ lệ OTP đạt 95,6% - tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Bamboo Airways vẫn mang đầy tham vọng phát triển bất chấp dịch bệnh COVID-19 đã tàn phá ngành du lịch và hàng không thế giới
Đây cũng là hãng hàng không Việt Nam duy nhất vượt công suất khai thác cùng kỳ năm 2019, với số liệu tăng trưởng chuyến bay đạt 18,8%. Bất chấp những nghi ngại của thị trường về Bamboo Airways, chủ tịch Trịnh Văn Quyết đã khẳng định trong một bài phỏng vấn vào ngày 30/5/2020 rằng “Tôi chưa bao giờ nói tài chính của Bamboo Airways khó khăn. Tất cả những gì tôi trả lời trước đây cũng đều khẳng định điều này. Bamboo đang triển khai bình thường các hoạt động, thậm chí còn nhanh chóng, bài bản hơn trước khi có dịch”.
Mới đây vào ngày 11/11, Bamboo Airways vừa chính thức được Bộ Giao thông vận tải Mỹ cấp Giấy phép vận chuyển hành khách, hàng hóa, bưu phẩm giữa Việt Nam và Mỹ. Theo đó, Bamboo Airways sẽ được phép thực hiện các chuyến bay thẳng không nối chuyến bằng máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner, giữa các sân bay lớn của Việt Nam như Hà Nội, TPHCM tới tất cả các cảng hàng không quốc tế tại Mỹ, bao gồm một số sân bay trọng điểm đặt tại Los Angeles, hay San Francisco mà Bamboo Airways đang xem xét cho những đường bay nền móng đầu tiên. Điều kiện này cũng cho mở ra cơ hội hợp tác dưới hình thức liên danh giữa Bamboo Airways và các đối tác uy tín tại Mỹ.
Đời tư và khối tài sản của chủ tịch Trịnh Văn Quyết
Ông Trịnh Văn Quyết từng là một trong những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam; tuy nhiên, do diễn biến cổ phiếu “họ” FLC xuống thấp (đặc biệt là mã ROS) nên tổng tài sản của vị đại gia này chỉ còn 834 tỷ đồng và tên tuổi ông Trịnh Văn Quyết cũng lùi xuống thấp trong danh sách xếp hạng người giàu trên thị trường chứng khoán Việt.
Hiện ông Quyết xếp hạng thứ 85 trong danh sách những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Bởi hơn 98% khối tài sản của ông Quyết phụ thuộc vào biến động của thị giá cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán nên có biến động rất thất thường.
Ông Trịnh Văn Quyết và vợ là bà Lê Thị Ngọc Diệp
Vợ của ông là bà Lê Thị Ngọc Diệp từng là cổ đông lớn của CTCP Xây dựng Faros (ROS). Bà sở hữu khối tài sản lên tới hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, trong thời gian từ 17/12/2018 đến 14/1/2019 bà Diệp đã bán hết 26.664.000 cổ phiếu ROS theo phương thức thỏa thuận.
Trong thời gian bà Diệp đăng kí thoái vốn, trên thị trường chứng khoán có 28.084.000 cổ phiếu ROS được giao dịch thỏa thuận với tổng trị giá gần 1.059 tỉ đồng. Sau khi bán hết khối lượng cổ phiếu trên, bà Diệp không còn là cổ đông của ROS cũng như không sở hữu bất cứ cổ phiếu nào của tập đoàn, đồng nghĩa với việc bà Diệp sẽ “biến mất” khỏi top người giàu sàn chứng khoán Việt.
Thanh Thùy (T/h)
Xem thêm: Sự nghiệp thăng hoa và cuộc hôn nhân viên mãn của `Shark bách khoa toàn thư` Phạm Thanh Hưng