Những ngày đầu nới lỏng, cơ sở kinh doanh tại Hà Nội đối mặt với nhiều khó khăn
Khoảng 1, 2 ngày sau khi chính quyền thành phố tại 19 quận, huyện “bình thường mới” hoạt động trở lại, theo báo chí ghi nhận thì nhiều hàng quán cơ sở hoạt động kinh doanh tại Hà Nội vẫn dè chừng, mở lại với số lượng ít, thậm chí đóng cửa chờ đợi tín hiệu từ thị trường.
Theo phản ánh của VOV, nhiều địa điểm kinh doanh dịch vụ hoạt động lại theo chỉ thị mới thì chia sẻ rằng do nhận thông tin quá gấp nên phải mất lâu hơn để xoay sở kịp.
Nhiều hàng ăn không thể nào đặt kịp nguyên liệu, nơi sửa chữa phương tiện giao thông đang gặp khó bởi nhân lực đã về quê tránh dịch từ nhiều tháng trước. Nhiều người còn than rằng, trong hai tháng qua dù chủ mặt bằng có giảm tiền thuê khoảng 30% nhưng họ vẫn phải đóng cả chục triệu đồng. Nên bây giờ, nếu hoạt động trở lại bình thường mà dịch lại bùng phát trở lại, cộng thêm với các khoản trả lương, chi phí khác... thì chỉ có lỗ.
Bên cạnh đó, một vấn đề khác được chỉ ra đó chính là hệ thống phân phối, vận chuyển hàng hóa có những người shipper tự do đóng vai trò chính thì vẫn chưa được phép hoạt động trở lại. Các chủ cửa hàng lo ngại rằng họ sẽ không thể giao được hàng cho khách, ngoài ra còn những nỗi lo về nguồn cung thực phẩm vẫn chưa thực sự dồi dào, rau xanh, một số loại thịt tăng giá, khan hiếm do việc vận chuyển gặp khó khăn.
Hà Nội chỉ mở cửa lại, nhưng các khâu liên quan khác thì sao?
Trả lời báo Dân Việt, bà Phạm Chi Lan - nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, một số doanh nghiệp họ nói vẫn đang rất hoang mang không biết văn bản của Hà Nội cho phép một số lĩnh vực dịch vụ quay trở lại kinh doanh được hiểu thế nào và thi hành ở các cấp như thế nào?
Thực tế, thời gian qua Thành phố ban hành quyết định nhưng doanh nghiệp có khi lại vấp phải những rào cản từ xã phường chứ không phải từ chính quyền Thành phố. Do đó, chính sách ban hành cần làm rõ nội hàm những thay đổi và độ dài hơi.
Ví dụ, đi kèm với quyết định kể trên phải công bố công khai minh bạch danh sách mặt hàng được mở cửa. Đồng thời, phải tuyên bố luôn rút bỏ quyền gì giấy phép gì của các tổ nhóm nào đã đứng ra làm công tác giám sát kiểm soát dịch trong thời gian qua hay dỡ bỏ chốt nào, loại bỏ những loại quyền lực nào cũng phải làm rõ.
Bà Lan góp ý, việc mở cửa kinh doanh trở lại phải đảm bảo cả tương quan giữa sản xuất, dịch vụ và chuỗi cung ứng để có thể tiếp nối được với nhau, gắn kết với nhau và cùng đáp ứng được yêu cầu của người dân.
Bà đưa ra ví dụ về việc công bố cho bán hàng mang về phải kèm theo đó là hướng dẫn người dân đi đường như thế nào, có phải xin giấy phép nữa hay không? Một người bán hàng được hay không phải có khách hàng, có người vận chuyển người cung ứng đầu vào, nhân viên làm việc cho nhà hàng,… tức là có rất nhiều điều kiện gắn với nhau, vậy nên không phải chỉ tuyên bố cho các hoạt động kinh doanh mở cửa trở lại nhưng các khâu liên quan đến lại bị ngăn cản.
Theo bà, Hà Nội là trung tâm kinh tế xung quanh là loạt tỉnh phía Bắc, kể cả các tỉnh miền Trung cũng có nhiều quan hệ kinh tế với Hà Nội nên vấn đề thông suốt vô cùng quan trọng. Không đảm bảo được điều này thì có hỗ trợ doanh nghiệp đến mấy thì họ cũng không có nguyên liệu đầu vào, không có nhân công phù hợp và không có cả đầu ra.
Liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp, người dân sau nới lỏng, vị nguyên Phó Chủ tịch VCCI cho biết: DN đang rất cần nguồn vốn để phục hồi, nhưng điều kiện vay của các ngân hàng phải thuận lợi hơn. Nhiều thông tin gần đây vẫn chỉ ra rằng ngân hàng lãi nhiều khi doanh nghiệp vẫn khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn.
Hà Nội có thể huy động ngân sách địa phương, thậm chí kêu gọi sự trợ giúp từ trung ương hay ít nhất phải bảo lãnh để ngân hàng yên tâm cho doanh nghiệp vay phục hồi sản xuất.
Những kế hoạch tầm nhìn dài hơi giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn bởi dịch COVID-19 cần phải có nghiên cứu đầy đủ nhưng phải chuẩn bị ngay từ bây giờ chứ đừng làm kiểu chính sách manh mún, ăn đong từng thời gian ngắn. Trong trung hạn, Hà Nội cần tập trung những lĩnh vực và ngành nào thực sự có khả năng phát triển hay thế mạnh, COVID chính là dịp để nhìn nhận lại những tồn tại, loại bỏ yếu kém. Cho nên bà Lan cho rằng cần bỏ kiểu phát triển dàn ngang cùng tiến như hiện tại...