Những người 'mất tiền' nhiều nhất thế giới

Đức Huy 13:02 | 04/04/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Năm 2024 chứng kiến số người giàu đạt kỷ lục nhưng cũng có nhiều người nghèo đi và nhiều người phải rời danh sách tỷ phú.

Mặc dù 2024 là một năm khởi sắc đối với các tỷ phú toàn cầu khi số người có giá trị tài sản trên 1 tỷ USD đạt kỷ lục 2.781 người, nhưng theo Forbes, không phải ai cũng vui mừng. Một phần tư trong số tỷ phú trong bảng xếp hạng này nghèo hơn so với năm ngoái. Trong khi đó, 189 người rời danh sách do tài sản xuống dưới 1 tỷ USD.

Những tỷ phú rớt hạng bao gồm ông Gary Lauder - người thừa kế hãng mỹ phẩm Estée Lauder; cựu CEO công ty game Nhật Bản Sammy, ông Hajime Satomi; Chủ sở hữu công ty sản xuất tương ớt Sriracha, ông David Trần.

Từ trái qua phải gồm Hứa Gia Ấn, Rene Benko, Ryan Breslow. (Ảnh: Forbes).

Phần lớn người giàu rớt đài tỷ phú đến từ Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế nước này gặp khó khăn do tăng trưởng kinh tế giảm tốc, dư cung bất động sản, đầu tư nước ngoài giảm và căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Trung Quốc, bao gồm cả Hong Kong và Macao, đã chứng kiến 133 người không còn là tỷ phú trong năm nay. Trong đó có những gương mặt tiêu biểu như ông Tang Binsen - Sáng lập công ty giải khát Chi Forest, ông Hứa Gia Ấn - Chủ tịch tập đoàn bất động sản Evergrande, “ông trùm” ngành cáp và đồng Vương Văn Ấn - người từng có tài sản trị giá 19 tỷ USD năm ngoái, nhưng đã bị loại khỏi danh sách tỷ phú năm nay do toà án phong toả cổ phần tại công ty luyện kim Amer International Group.

Mỹ - quốc gia có nhiều tỷ phú nhất thế giới, năm nay chỉ có 8 người rời danh sách. Theo sau là Nhật Bản 6 người và Nga có 5 người.

Những doanh nhân hoạt động trong ngành sản xuất bị “mất tiền” nhiều nhất, với 49 người trong số 189 người rời danh sách. Gồm ông Dương Kiến Lương của nhà cung cấp máy móc Shangji Automation, Nhà sản xuất phân bón kiêm đầu tư người Nga - ông Pyotr Kondrashev.

Ngành chăm sóc sức khoẻ cũng có 21 thành viên rời danh sách tỷ phú, trong đó có nhiều ông lớn dược phẩm và sản xuất thiết bị y tế Trung Quốc.

Mặc dù AI bùng nổ đã tạo ra hơn chục tỷ phú mới cho nhân loại và giúp nhiều người giàu có hơn, nhưng 20 tỷ phú công nghệ cũng ghi nhận bị rớt đài trong năm nay. Chẳng hạn, ông Laurent Junique - Sáng lập công ty TDCX, chứng kiến giá cổ phiếu giảm gần 40% trong năm qua, hay ông Jiang Long của Goertek - đơn vị sản xuất linh kiện âm thanh cho Apple, khi nhu cầu hàng điện tử tiêu dùng giảm.

Ngoài ra, có 32 tỷ phú đã mất trong năm qua, bao gồm cựu Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi, cựu Tổng thống Chile Sebastián Piñera, Đồng sáng lập Intel Gordon Moore, Nhà đầu tư Charlie Munger và Ca sĩ kiêm Nhạc sĩ Jimmy Buffett.

Dưới đây là những người chứng kiến tài sản giảm mạnh nhất trong năm qua:

Ông Vương Văn Ấn. (Ảnh: Getty).

Vương Văn Ấn

Giá trị tài sản ròng: Dưới 800 triệu USD (giảm từ 19 tỷ USD)

Quốc gia: Trung Quốc

Tháng 10 năm ngoái, tòa án Trung Quốc đã ra lệnh phong tỏa cổ phần của ông tại tập đoàn kim loại khổng lồ Amer Holding trong ba năm sau một loạt tranh chấp hợp đồng. Ngay sau đó, ông Vương - được mệnh danh là "vua đồng", đã từ chức Chủ tịch công ty con Shenzhen Amer. Với việc Vương nắm giữ 90% cổ phần công ty này, chiếm phần lớn tài sản, việc phong tỏa khiến ông rời khỏi danh sách tỷ phú và dễ dàng biến ông trở thành tỷ phú “mất tiền” nhiều nhất trong năm qua.

Đây là một sự sụt giảm mạnh khi năm ngoái ông sở hữu khối tài sản 19 tỷ USD và là người giàu thứ 9 Trung Quốc. Tháng 3 năm nay, một tòa án ở địa phương khác đã ban hành lệnh phong tỏa tương tự trong ba năm đối với Amer Holding. Theo công bố, tập đoàn này hoạt động kém hiệu quả trong một số dự án của mình. Ông Vương không trả lời yêu cầu bình luận khi bảng danh sách tỷ phú Forbes được công bố.

Rene Benko

Giá trị tài sản ròng: 0 (giảm từ 6 tỷ USD)

Quốc gia: Áo

Ông trùm bất động sản người Áo này rời danh sách tỷ phú đô la sau khi công ty bất động sản Signa Holding của ông nộp đơn phá sản vì số nợ khổng lồ. Hai công ty con chủ chốt gồm Signa Prime Selection và Signa Development - sở hữu cổ phần tại Tòa nhà Chrysler ở New York và Park Hyatt Vienna, cũng nộp đơn phá sản ngay sau đó.

Dựa trên giá trị tài sản ròng của Signa Prime, Signa Development và Signa Holding, Forbes đã hạ giá trị tài sản ròng ước tính của ông Rene Benko xuống còn 0 đô. Tháng trước, bản thân ông Benko cũng đã nộp đơn phá sản cá nhân.

Hứa Gia Ấn

Giá trị tài sản ròng: Khoảng 700 triệu USD (giảm từ 3 tỷ USD)

Quốc gia: Trung Quốc

Ông Hứa Gia Ấn - Chủ tịch Evergrande, được xem là đại diện sự đổ vỡ của ngành bất động sản Trung Quốc. Tháng 3 năm nay, cơ quan quản lý chứng khoán đã phạt Evergrande 580 triệu USD vì tội lừa đảo nhà đầu tư và thông đồng làm tăng doanh thu gian lận của tập đoàn lên 564 tỷ nhân dân tệ (tương đương 78,4 tỷ USD). Bản thân ông Hứa cũng bị phạt 6,6 triệu USD.

Tài sản của ông lao dốc không phanh khi tòa án Hong Kong phê chuẩn việc giải thể Evergrande để thanh toán khoản nợ khổng lồ lên đến 300 tỷ USD. Ông từng đạt giá trị tài sản ròng 36 tỷ USD vào năm 2019, hiện chỉ còn khoảng 700 triệu USD - con số vô cùng bé so với thời kỳ hoàng kim.

Ông Byju Raveendran. (Ảnh: Getty).

Byju Raveendran

Giá trị tài sản ròng: 0 (giảm từ 2,1 tỷ USD)

Quốc gia: Ấn Độ

Ông Raveendran là Đồng sáng lập ứng dụng học tập Byju's - từng là công ty khởi nghiệp có giá trị nhất Ấn Độ vào năm 2011, và dẫn đầu việc mua lại các công ty khởi nghiệp giáo dục khác. Tháng 1/2023, Byju's công bố kết quả kinh doanh cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2022, cho thấy khoản lỗ ròng hơn 1 tỷ USD.

BlackRock đã giảm định giá của Byju's từ 22 tỷ USD vào năm 2022 xuống 1 tỷ USD năm ngoái, do công ty này khó khăn trong huy động vốn và vướng vào cáo buộc gian lận kế toán. Tháng 2 năm nay, cổ đông Byju's đã bỏ phiếu loại ông Raveendran khỏi vị trí CEO.

Osman Kibar

Giá trị tài sản ròng: Khoảng 750 triệu USD (giảm từ 1,7 tỷ USD)

Quốc gia: Mỹ

Khoảng thời gian đại dịch đẩy giá trị của công ty công nghệ sinh học BioSplice Therapeutics lên cao hiện đã kết thúc. Forbes ước tính công ty này có giá trị 1,6 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với vòng gọi vốn năm 2018 khi nó được định giá 12 tỷ USD. Điều này khiến Osman Kibar - người nắm giữ 36% cổ phần tại BioSplice Therapeutics, rời danh sách tỷ phú.

Gary Lauder

Giá trị tài sản ròng: Khoảng 960 triệu USD (giảm từ 1,3 tỷ USD)

Quốc gia: Mỹ

Giá cổ phiếu của Estée Lauder, công ty mỹ phẩm lớn thứ hai thế giới, giảm 36% trong năm qua đã khiến Gary Lauder, cháu trai của người sáng lập, là cổ đông sở hữu 1%, hoàn toàn bị loại khỏi danh sách tỷ phú.

Nhu cầu phục hồi chậm từ thị trường Trung Quốc và doanh số bán lẻ cho khách du lịch châu Âu giảm đã ảnh hưởng tới doanh số công ty.

Ông Luc Tack. (Ảnh: Getty).

Luc Tack

Giá trị tài sản ròng: Dưới 900 triệu USD (giảm từ 1,2 tỷ USD)

Quốc gia: Bỉ

Ông là Giám đốc điều hành của nhà sản xuất hóa chất Tessenderlo. Cổ phiếu Tessenderlo giảm 18% trong năm qua do nhu cầu giảm đối với các hóa chất nông nghiệp. Năm 2021, nhà sản xuất sợi Thụy Sĩ Rieter nộp đơn kiện Tack, khi đó ông là thành viên hội đồng quản trị, cáo buộc ông và một thành viên khác sử dụng thông tin nội bộ để đưa ra đề nghị cạnh tranh mua lại các công ty sản xuất linh kiện cho tập đoàn Picanol, nơi Tack giữ chức Giám đốc điều hành. Picanol phủ nhận việc Tack tham gia vào các quyết định mua lại các công ty của Reiter.

Ryan Breslow

Giá trị tài sản ròng: Dưới 100 triệu USD  (giảm từ 1,1 tỷ USD)

Quốc gia: Mỹ

Năm 2022, Ryan Breslow là Đồng sáng lập kiêm Chủ tịch công ty khởi nghiệp thanh toán Bolt, khi ấy là một trong những tỷ phú trẻ nhất thế giới. Công ty Bolt được BlackRock và H.I.G. Growth định giá ở mức 11 tỷ USD.

Mọi thứ tan vỡ trong 18 tháng tiếp theo khi các vụ kiện và nhà đầu tư ban đầu Activant cáo buộc ông Breslow ép các thành viên hội đồng quản trị đồng ý cho Bolt trả nợ 30 triệu USD mà ông đã vay trước đây.

Hậu quả, giá trị của Bolt giảm mạnh. Bolt buộc phải mua lại cổ phiếu từ các nhà đầu tư và nhân viên với giá giảm 97%. Mức định giá của Bolt chỉ còn 300 triệu USD, so với mức 10 tỷ USD trước đây.