Những yếu tố cản trở nền kinh tế Hàn Quốc khởi sắc trong năm 2022
Tờ Thời báo Hàn Quốc (The Korea Times) dẫn nhận định của các chuyên gia kinh tế ở cả trong và ngoài nước trong đó nhấn mạnh rằng sự xuất hiện của biến thể Omicron và các đợt tăng lãi suất bổ sung sẽ là những yếu tố chính gây ra rủi ro lớn cho nền kinh tế Hàn Quốc trong năm 2022.
Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK), năm 2021 nền kinh tế Hàn Quốc được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 4% nhờ sự phục hồi nhanh chóng của lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu, chẳng hạn như chip máy tính và các sản phẩm hóa dầu. Dự báo tăng trưởng này cũng phù hợp với đà phục hồi của kinh tế toàn cầu sau cuộc suy thoái kéo dài hơn một năm do cú sốc của đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020.
Tuy nhiên, theo nhà kinh tế cấp cao Lee Seung-hoon làm việc tại một viện nghiên cứu của Tập đoàn Tài chính KB (KB Financial, Hàn Quốc), do những tác động cơ bản đối với xuất khẩu của Hàn Quốc dự kiến sẽ suy yếu trong cả năm 2022, nên khả năng tiêu thụ nội địa phục hồi sẽ là chìa khóa để xác định liệu nền kinh tế Hàn Quốc có thể tiếp tục mức tăng trưởng khiêm tốn hay không.
Ông Lee Seung-hoon phân tích: "Yếu tố then chốt thúc đẩy sự phục hồi kinh tế ở đây vào năm 2022 sẽ là tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, nền kinh tế Hàn Quốc vẫn dễ bị tổn thương bởi hai rủi ro lớn: Sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 và các đợt tăng lãi suất cơ bản". Theo nhà kinh tế này, nền kinh tế Hàn Quốc cũng có nguy cơ rơi vào một đợt suy thoái khác do biến thể Omicron và những ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đột biến.
Chính phủ Hàn Quốc đã tái áp đặt các các biện pháp giãn cách xã hội tăng cường chỉ vài tuần sau khi nới lỏng vào đầu tháng 11/2021. Quyết định này được đưa ra nhằm đối phó với sự gia tăng các ca lây nhiễm mới ngay sau khi quốc gia này tham gia "Nhóm toàn cầu" với kế hoạch "Sống chung với COVID-19".
Nhà kinh tế Lee Seung-hoon nhấn mạnh: "Rất có thể sự hồi sinh của COVID-19 dẫn đến sự sụt giảm mạnh về giá tài sản toàn cầu, sự chậm trễ trong việc phục hồi tiêu dùng trực tiếp và sự gia tăng số lượng các hộ kinh doanh cá thể đang đứng trước bờ vực vỡ nợ".
Nỗi sợ hãi đã xuất hiện vào thời điểm quan trọng khi các nền kinh tế lớn trên toàn cầu đang chuyển sang bình thường hóa chính sách tiền tệ để đối phó với lạm phát gia tăng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ chấm dứt chính sách lãi suất cơ bản gần bằng 0 kéo dài nhiều năm của mình sớm nhất là vào nửa đầu năm 2022.
Về phần mình, BoK cũng đã tăng lãi suất cơ bản hai lần trong năm 2021. Hiện BoK cũng đã có được sự đồng thuận chung về khả năng có thêm một đợt tăng lãi suất cơ bản nữa vào tháng 1 hoặc tháng 2/2022 để kiểm soát áp lực lạm phát mạnh mẽ tại đây.
Với việc hầu hết các nước phát triển sẽ bước vào chu kỳ nhanh chóng thắt chặt chính sách tiền tệ vào năm 2022 tới, tình hình này có thể châm ngòi cho một cuộc suy thoái kép ở Hàn Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác bởi mức chi tiêu của các hộ gia đình ít có khả năng tăng do gánh nặng lãi suất leo thang. Vì những lý do này, KB Financial đưa ra một triển vọng kém lạc quan hơn về tăng trưởng GDP năm 2022 của Hàn Quốc với mức dự báo chỉ là 2,8%.
Bất chấp những bất ổn kể trên, một nhóm các tổ chức kinh tế toàn cầu và BoK vẫn duy trì đánh giá khả quan về triển vọng của nền kinh tế Hàn Quốc.
BoK giữ nguyên dự báo trước đó về tăng trưởng GDP năm 2022 của Hàn Quốc ở mức 3% trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng nền kinh tế "xứ sở Kimchi" sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 3,3%. Mirae Asset Securities, công ty chứng khoán lớn nhất Hàn Quốc, cũng đưa ra một dự báo ngang bằng với KB Financial.
Chuyên gia kinh tế Park Hee-chan của Mirae Asset Securities, cho biết: "Chúng ta không thể loại trừ khả năng nền kinh tế sẽ đạt mức tăng trưởng 3% trong năm tới song quan điểm của chúng tôi là động lực xuất khẩu sẽ suy yếu cùng với sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu".
Ông cũng tỏ ra bi quan về khả năng tiêu dùng trong nước sẽ phục hồi do chỉ số việc làm yếu. Ông nhấn mạnh: "Trung tâm nghiên cứu của chúng tôi dự báo nền kinh tế Hàn Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng 2,8% trong năm tới và con số mục tiêu này cũng có nguy cơ còn giảm nữa".
Chuyên gia Park Hee-chan cũng giảm bớt tác động ảnh hưởng từ sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc khi nói rằng: "Ngay cả khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm chạp, chúng tôi cũng không cho rằng Trung Quốc có vai trò là 'yếu tố làm thay đổi cuộc chơi' đối với tăng trưởng GDP của Hàn Quốc. Ngược lại, với việc Chính quyền Trung Quốc đưa ra một loạt chính sách kích thích mới, quan điểm của chúng tôi là tình hình này sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế Hàn Quốc".
Bất chấp sự bi quan của các nhà kinh tế Hàn Quốc, các chuyên gia kinh tế nước ngoài vẫn dự báo rằng mục tiêu tăng trưởng GDP 3% của BoK trong năm 2022 là "vẫn trong tầm tay" do tỷ lệ tiêm chủng cao ở Hàn Quốc.
Dave Chia, một nhà kinh tế tại tổ chức Moody's Analytics, cho biết: "Biến thể Omicron và các biến thể khác trong tương lai không được dự báo sẽ làm chệch hướng sự phục hồi của nền kinh tế Hàn Quốc. Sự xuất hiện của các biến thể mới không có gì đáng ngạc nhiên và những làn sóng lây nhiễm virus mới cũng đã được dự báo.
Với tỷ lệ tiêm chủng cao của Hàn Quốc hiện nay, việc tăng cường tiêm chủng và mở rộng năng lực y tế, các làn sóng lây nhiễm trong tương lai dự kiến sẽ ít gây căng thẳng hơn cho hệ thống chăm sóc sức khỏe tổng thể của nước này".
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), cho đến thời điểm hiện tại đã có hơn 82,5% người trưởng thành ở nước này được tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19.
Chuyên gia Dave Chia cũng kỳ vọng xuất khẩu của Hàn Quốc sẽ tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng vững chắc do giá chip tăng. Ông nói: "Mục tiêu 3% cho tăng trưởng GDP năm 2022 là có thể đạt được vì chúng tôi vẫn lạc quan về sự hồi phục của nền kinh tế Hàn Quốc trong suốt năm 2022 nhờ xuất khẩu tăng mạnh.
Sự thiếu hụt chip toàn cầu sẽ khiến giá chip tăng trong năm tới và điều này có lợi cho vị thế thương mại của Hàn Quốc. Ngay cả khi những rủi ro từ đại dịch vẫn ở mức cao thì nhu cầu trong nước cũng sẽ phục hồi mạnh mẽ bởi nền kinh tế Hàn Quốc dự kiến sẽ tiếp tục mở cửa trở lại vào năm 2022".
Công ty tư vấn Oxford Economics cũng lạc quan về triển vọng của nền kinh tế Hàn Quốc bởi những lý do tương tự. Nhà kinh tế Lloyd Chan của Oxford Economics cho rằng: "Sự 'hồi sinh' của virus SARS-CoV-2 ở Hàn Quốc gần đây là một bước thụt lùi và một số hạn chế hoạt động đã được áp dụng trở lại song chúng tôi vẫn kỳ vọng tiêu dùng tư nhân ở nước này sẽ tiếp tục đà phục hồi".
Sở dĩ có kỳ vọng này là bởi các biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện ít nghiêm ngặt hơn so với thời điểm trước khi chuyển sang chiến lược "Sống chung với COVID-19" trong khi tỷ lệ tiêm chủng cao ở Hàn Quốc sẽ cung cấp cho người dân ít nhất một sự bảo vệ và có thể giúp ngăn chặn sự quá tải của hệ thống y tế quốc gia.
Nhà kinh tế Lloyd Chan cũng kỳ vọng biến thể Omicron chỉ có tác động hạn chế đến nền kinh tế Hàn Quốc bởi chính phủ nước này chỉ đưa ra các biện pháp hạn chế "vừa phải", ngay cả khi vẫn chưa biết mức độ nghiêm trọng của loại biến thể mới.
Ông Lloyd Chan nói: "Hiện tại, chúng tôi cho rằng một số biện pháp hạn chế mà Chính phủ Hàn Quốc áp dụng là 'vừa phải', chủ yếu vẫn là đối với du lịch nước ngoài và một số sẽ dẫn đến sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Điều này sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của Hàn Quốc trong quý đầu tiên của năm 2022. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng những hoạt động bị hạn chế đó sẽ được thực hiện trong quý II và quý III của năm 2022"./.