Nikkei Asia: Các chuỗi cửa hàng dược phẩm phát triển mạnh ở Việt Nam
Nikkei Asia cho biết số lượng các cửa hàng dược phẩm do ba công ty quản lý chuỗi lớn nhất điều hành đã tăng gấp 8 lần kể từ năm 2019 trong bối cảnh người dân Việt Nam ngày càng có ý thức hơn về vấn đề sức khỏe kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.
Trước đây, các cửa hàng dược phẩm ở Việt Nam thường được quản lý theo kiểu gia đình, với dịch vụ chăm sóc khách hàng khá chu đáo. Tuy nhiên, các cửa hàng này thường có hệ thống định giá không rõ ràng, buộc người mua phải mua thuốc ở mức giá do người bán công bố. Bên cạnh đó, một số cửa hàng còn thay đổi nhãn hiệu trên sản phẩm. Điều này khiến nhiều khách hàng không hài lòng. Ngược lại, các chuỗi cửa hàng dược phẩm niêm yết giá thống nhất và rẻ hơn.
Bên cạnh đó, việc thu nhập tăng và sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng đang tạo điều kiện thuận lợi cho sự tăng trưởng của các chuỗi cửa hàng dược phẩm ở Việt Nam.
Hiện có khoảng 2.400 cửa hàng dược phẩm do ba công ty quản lý chuỗi điều hành, trong đó Pharmacity là công ty quản lý chuỗi lớn nhất với gần 1.100 cửa hàng, trong khi Long Châu, một công ty con của hãng công nghệ FPT, có gần 700 cửa hàng, và An Khang, một chuỗi do Công ty Cổ phần Thế giới Di động (MWG) điều hành, có khoảng 500 cửa hàng.
Ông Chris Blank, Giám đốc Điều hành Pharmacity, chia sẻ tới năm 2025, 50% dân số Việt Nam có thể tiếp cận cửa hàng của Pharmacity bằng xe máy trong khoảng 10 phút. Tới thời điểm đó, công ty dự định sẽ mở rộng hệ thống bán hàng lên 5.000 cửa hàng.
Ngoài ba công ty trên, các công ty nước ngoài như công ty quản lý chuỗi Watsons của Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) hay công ty quản lý chuỗi Matsumotokiyoshi của Nhật Bản đã thiết lập cửa hàng ở TP. Hồ Chí Minh.
Hiện nay, các cửa hàng dược phẩm ở Việt Nam nói chung chỉ bán thuốc và thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, trong tương lai, các cửa hàng này có thể sẽ sớm trở thành các cửa hàng tiện lợi khi bán thực phẩm, mỹ phẩm và các nhu yếu phẩm hàng ngày.