Dược Hậu Giang (DHG) lãi ròng 752 tỷ đồng sau 9 tháng

Trang Mai 09:41 | 19/10/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
CTCP Dược Hậu Giang (DHG) mới công bố kết quả kinh doanh quý III/2022, trong đó cho tháy doanh thu tăng trưởng tốt. Nhưng do các loại chi phí cũng tăng lên, do đó lãi ròng không tăng nhiều so với cùng kỳ.

Cụ thể, quý III/2022, doanh thu thuần của DHG đạt 1.161,7 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với quý III/2021. Giá vốn hàng bán cũng tăng 20,2%, lên 583 tỷ đồng. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp mà DHG thu được đạt 578 tỷ đồng, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm 2021.

Quý III năm nay, chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp của DHG đều tăng so với cùng kỳ, đạt lần lượt là 26 tỷ đồng và 69,6 tỷ đồng. Đặc biệt, chi phí bán hàng ghi nhận mức tăng vọt 25%, lên 225 tỷ đồng. Vì vậy, lợi nhuận sau thuế của DHG chỉ đạt 262 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ. 

Công ty giải thích động lực tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu do tổ chức chặt chẽ hệ thống phân phối và kết nối với khách hàng tốt, đồng thời quản lý tốt các khoản phải thu và hàng tồn kho giúp cải thiện dòng tiền, tăng hiệu quả công ty. 

Luỹ kế 9 tháng 2022, DHG đạt doanh thu 3.723 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận ròng đạt lần lượt 836 tỷ đồng và 752 tỷ đồng.

 

Năm 2022, công ty đặt kế hoạch doanh thu là 4.220 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 853 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, DHG đã hoàn thành gần 88% kế hoạch về doanh thu và 98% kế hoạch về lợi nhuận.

Tính tới ngày 30/9/2022, tổng tài sản của DHG đạt 4.757 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với con số đầu năm. Trong đó, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, cụ thể là đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là 2.095 tỷ đồng.

 

Lượng hàng tồn kho của công ty đạt 1.108 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,3%. Trong đó, hàng mua đang đi đường 104 tỷ đồng; nguyên liệu, vật liệu 599 tỷ đồng; thành phẩm 290,7 tỷ đồng; chi phí sản xuất kinh doanh dở dang và hàng hoá lần lượt ghi nhận 82 tỷ đồng và 34 tỷ đồng. Đến hết quý III, công ty không có hàng tồn kho ứ đọng, kém, mất phẩm chất không có khả năng tiêu thụ.

Ngoài ra, tính đến ngày 30/9, khoản nợ phải trả của công ty đã giảm 15% so với con số đầu kỳ, xuống còn 699 tỷ đồng. Trong đó phần lớn là khoản nợ phải trả ngắn hạn với 633 tỷ đồng. Vay ngắn hạn Công ty giảm mạnh 82%, từ 207 tỷ đồng từ cuối năm 2021 xuống còn gần 38 tỷ đồng. 

Hồi tháng 4 năm nay, Dược Hậu Giang đã hoàn thành việc chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 35%, tương đương cổ đông nhận được 3.500 đồng tiền mặt với mỗi cổ phiếu. Với khoảng 13,07 triệu cổ phiếu đang lưu hành, DHG ước tính đã chi hơn 457,6 tỷ đồng để thực hiện nghĩa vụ với cổ đông.

Kết thúc phiên giao dịch 18/10, cổ phiếu DHG đã tăng 0,6%, giao dịch ở mức 83.400 đồng/cp. 

Trong cuộc họp Hội đồng quản trị gần đây, Ban lãnh đạo DHG đã xác định các chiến lược kinh doanh trọng tâm là gia tăng doanh thu, duy trì biên lãi gộp ở mức cao, phát triển con người và phát triển bền vững. 

Cụ thể, để gia tăng doanh thu, Công ty sẽ tăng cường xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực bằng cách đẩy mạnh xây dựng thương hiệu DHG Pharma và phát triển các nền tảng truyền thông cho Công ty, Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực và các chiến dịch marketing hướng đến người tiêu dùng; Tiếp tục nâng cao hình ảnh và gia tăng niềm tin của các bên liên quan đối với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn Japan-GMP; Tăng cường danh mục sản phẩm và thúc đẩy phát triển các sản phẩm mới; Mở rộng thị trường, gia tăng các khách hàng trung thành và nâng cao hiệu quả hoạt động bán hàng tại các thành phố lớn; Nâng cấp các dây chuyền sản xuất theo tiêu chuẩn GMP toàn cầu.

Duy trì biên lãi gộp ở mức cao bằng cách kiểm soát tốt biên lãi gộp hàng DHG sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao được khách hàng và người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Đồng thời tối ưu hóa chi phí hoạt động của Công ty.