Nỗ lực để ngành Du lịch phục hồi sau dịch bệnh Covid-19

11:00 | 12/06/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau thời gian dài “án binh bất động” bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, từ cuối tháng 4 trở lại đây, các công ty lữ hành, khu, tuyến điểm du lịch của tỉnh đã bắt đầu hoạt động trở lại.

Lường trước những khó khăn có thể xảy đến, ngành Du lịch tỉnh đã sớm xây dựng kịch bản với nhiều giải pháp kích cầu, tạo sức bật cho du lịch Vĩnh Phúc phục hồi sau dịch bệnh.

Mặc dù chỉ tính riêng dịp 30/4 và 1/5, Khu du lịch Tam Đảo đã đón trên 10.200 lượt người với gần 3.420 lượt khách lưu trú, song do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tính chung trong 5 tháng năm 2020, lượng khách đến khu du lịch này chỉ đạt gần 75.000 lượt, giảm 62% so với cùng kỳ; doanh thu khoảng 26 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2019.

 

 Nỗ lực để ngành Du lịch phục hồi sau dịch bệnh Covid-19 - ảnh 1

Sau thời gian đóng băng do ảnh hưởng dịch bệnh Covid - 19, Khu du lịch Tam Đảo tiếp tục được nhiều du khách lựa chọn là điểm đến

Theo lãnh đạo UBND thị trấn Tam Đảo, trên địa bàn hiện có 167 nhà hàng, khách sạn, villa, homestay, nhà nghỉ với gần 2.600 phòng nghỉ. Để từng bước phục hồi tăng trưởng du lịch sau dịch Covid-19, địa phương đã chủ động làm việc với Hiệp hội Du lịch Tam Đảo, kêu gọi các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch trên địa bàn thị trấn nhanh chóng triển khai nhiều chương trình ưu đãi, kích cầu du lịch như: Giảm giá lên tới 40 - 50% tiền phòng, dịch vụ ăn uống; đẩy mạnh kết nối các tour du lịch với các đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh. Sau hơn 1 tháng hoạt động trở lại, tuy chưa thực sự sôi động như cùng kỳ năm trước nhưng vào dịp cuối tuần, nhiều khách sạn đã đạt công suất sử dụng buồng phòng từ 70 đến 80%.
 
Không chỉ khu du lịch Tam Đảo, với những giải pháp tích cực, chủ động từ cơ quan quản lý cũng như các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh hơn 1 tháng qua, bức tranh du lịch Vĩnh Phúc đã xuất hiện các mảng sáng. Tính riêng tháng 5/2020, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 247,7 tỷ đồng, tăng 213,8% so với tháng trước. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 20,6 tỷ đồng; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 220,7 tỷ đồng; doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 6,3 tỷ đồng.

Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc hồi sinh và phát triển du lịch sau những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế chung của tỉnh nhưng đó không phải là chuyện một sớm một chiều. Để giải bài toán này, thời gian qua, ngành Du lịch tỉnh đã sát cánh cùng các doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp, trong đó phải kể đến công tác xúc tiến du lịch gắn với xây dựng tiêu chí an toàn phòng chống dịch Covid-19; chương trình kích cầu du lịch nội địa, khắc phục ảnh hưởng của đại dịch với mức ưu đãi giảm giá từ 30-50% các dịch vụ; xây dựng các sản phẩm du lịch mới để thu hút khách du lịch. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch chỉnh trang cơ sở vật chất, củng cố lực lượng lao động và tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch, giảm giá nhưng vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm, sẽ tăng thêm các dịch vụ, tiện ích cũng như các tiêu chí du lịch an toàn cho du khách.

Tin rằng với việc đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến, liên kết kích cầu với những dịch vụ khuyến mãi, ưu đãi của các cơ sở, điểm kinh doanh du lịch, ngành công nghiệp không khói của tỉnh sẽ sớm phục hồi và Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục là điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn du khách.
 

Hương Giang