Nở rộ xu hướng thuê văn phòng ảo mùa dịch

12:28 | 02/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dịch bệnh bùng phát, nhiều doanh nghiệp phải tìm kiếm một phương án mới về chỗ làm việc để trang trải chi phí.

Văn phòng Co-working (hay còn gọi là văn phòng ảo) là một thị trường ngách mới được "khai phá" trong vài năm gần đây. Sang năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp từ đầu năm, kiểu văn phòng này đã thành "con sóng" lớn. 

Được biết, văn phòng ảo là thuật ngữ chỉ hình thức cho thuê văn phòng đại diện. Loại hình này có đầy đủ các tiện ích của một văn phòng thực tế như lễ tân, địa chỉ đăng ký kinh doanh, số điện thoại, số fax, phòng tiếp khách,… từ nhà cung cấp.

Loại văn phòng này vô cùng thích hợp đối với các doanh nghiệp mới tiến vào thị trường, start-up, khách hàng tự do... Nhất là trong bối cảnh đại dịch gần đây, cần tiết kiệm nhiều chi phí để có thể thu lời từ hoạt động kinh doanh. 

Hiện tại, nhiều mô hình văn phòng ảo thường cung cấp dịch vụ chỗ ngồi theo ngày hoặc theo tháng. Các đơn vị cung cấp sẽ nhận trách nhiệm báo cáo của các công ty thuê chỗ ngồi, và giữ liên hệ.

Nở rộ xu hướng thuê văn phòng ảo mùa dịch - ảnh 1

Văn phòng ảo được coi là một giải pháp tối ưu hóa chi phí cho start-up mới thành lập

Tại TP.HCM, văn phòng ảo có các gói dịch vụ cơ bản gồm văn phòng giao dịch, chỉ sử dụng địa chỉ đăng ký văn phòng giao dịch, địa chỉ để đăng ký kinh doanh, đặt bảng tên công ty, lễ tân chuyên nghiệp, tiếp nhận thư, bưu phẩm, sử dụng wifi chung..., mức phí từ chưa đến 400.000 đồng/tháng ở quận 2, trong khi đó mức giá sẽ cao hơn một chút ở quận 1, tầm 450.000-500.000 đồng/tháng.

Các gói trung bình và cao cấp từ 700.000 đến hơn 1 triệu đồng mỗi tháng sẽ cung cấp các dịch vụ như phòng làm việc, phòng họp riêng...

So sánh về chi phí, văn phòng ảo có lợi thế hơn hẳn khi thấp hơn từ 50-80% so với văn phòng truyền thống. Các số liệu tổng hợp từ nhiều nguồn cũng đã chỉ ra, trong năm 2020, bất chấp lịch giãn cách xã hội bởi dịch bệnh, giá thuê văn phòng ảo cũng không giảm so với những năm trước. 

Trong một khảo sát của báo VnExpress hồi tháng 3, một thương hiệu văn phòng ảo quen mặt với giới khởi nghiệp lúc đầu chỉ có địa chỉ duy nhất tại một tòa nhà trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, thì giờ đã có thêm chi nhánh tại quận 2 (Thảo Điền), Bình Thạnh (trục đường Điện Biên Phủ) và quận Thủ Đức (tọa lạc trên Quốc lộ 13). Được biết, thương hiệu này cũng tiết lộ số lượng khách thuê lên đến hàng nghìn doanh nghiệp.

Tuy nhiên, văn phòng ảo chỉ phù hợp với các công ty nhỏ. Theo Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của Savills Hà Nội, đến một giai đoạn phát triển nhất định, khi doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa lâu dài, mô hình này không còn phù hợp. 

Một vấn đề khác của văn phòng ảo là tính pháp lý không rõ ràng, khi các doanh nghiệp không có chỗ ngồi thực tế hay hợp đồng thuê cụ thể, mà chỉ cần một địa chỉ để đăng ký kinh doanh, đăng ký tên miền doanh nghiệp.

 

H.S

Xem thêm: Doanh nghiệp BĐS “tung chiêu” ứng biến trong đợt dịch Covid thứ 4