`Nữ tướng vàng bạc` Cao Thị Ngọc Dung, người đưa PNJ tới tầm cao trang sức châu Á

21:38 | 08/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cao Thị Ngọc Dung được biết đến như một "bà đầm thép" trong giới kinh doanh vàng bạc, là người đã đưa tên tuổi PNJ tới một tầm cao mới, vươn mình phát triển và nổi tiếng ở thị trường châu Á.

"Nữ hoàng vàng bạc" Cao Thị Ngọc Dung là ai?

 
Cao Thị Ngọc Dung Chủ tịch PNJ là ai
 
Rất lâu trước khi được nổi danh trên thương trường với hàng loạt danh xưng "nữ hoàng vàng bạc", "nữ tướng vàng bạc",... bà Cao Thị Ngọc Dung là người đã luôn đã ấp ủ trong mình ước mơ được kinh doanh từ ngày thơ ấu. Bà sinh ngày 08/10/1957 tại Quảng Ngãi, lớn lên trong một gia đình làm kinh doanh lâu đời. Tuy gia đình thuộc diện khá giả vào thời đó, bà Dung vẫn miệt mài tham gia lao động phụ giúp gia đình, chịu thương chịu khó và đã trải qua nhiều khó khăn, vất vả.
Tới năm 1979, bà theo học tại trường Đại học Kinh tế TP.HCM và tốt nghiệp hệ cử nhân Kinh tế thương nghiệp. Nhờ năng lực của bạn thân, chỉ khoảng 2 năm sau khi ra trường, bà đã có cơ hội được làm việc tại nhiều doanh nghiệp, đảm nhiệm vô số chức vụ lớn nhỏ khác nhau.
 
Với những người quen biết bà Dung, việc bà vẫn luôn giữ vững thái độ tích cực, lạc quen bất chấp nhiều biến cố lớn lao, khó khăn quả thực là một "kỳ tích". Dù vậy, bà từng tâm sự rằng: "Nhiều người nói rằng, tôi là 'iron woman' – 'người đàn bà thép', nhưng tôi không nghĩ như vậy. Tôi chỉ là người dám nhìn thẳng vào sự thật mà thôi".
 

Những năm tháng đầu tiên lập nghiệp

 
Sau khi tốt nghiệp đại học, nơi công tác đầu tiên của bà Cao Thị Ngọc Dung là Công ty Thương nghiệp Tổng hợp Phú Nhuận. Nhờ những nỗ lực trong công việc cũng như niềm đam mê kinh doanh cháy bỏng, bà đã được đề bạt chức vụ Phó phòng ở công ty vào năm 1984.
 
Cao Thị Ngọc Dung Chủ tịch PNJ là ai
 
Đến năm 1985, bà quyết định chuyển sang công ty Nông sản và Thực phẩm quận Phú Nhuận để đảm nhiệm vai trò trưởng phòng kế hoạch. Trong suốt vài năm công tác tại đây, bà luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được đồng nghiệp ngưỡng mộ và cấp trên yêu mến. Khi đang đương nhiệm chức vụ này, bà được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận. Đây cũng chính là thời điểm đánh dấu bước chuyển biến trong sự nghiệp của doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung, nơi bà bắt đầu từng bước gây dựng tên tuổi như một "nữ tướng ngành vàng bạc".
 
Là một người cầu tiến, rất ham học hỏi, tìm tòi, bà đã tiếp tục tự học thêm những kiến thức liên quan đến vàng bạc, đá quý để hiểu hơn về lĩnh vực mà mình điều hành. Theo một số đồng nghiệp, bà Cao Thị Ngọc Dung là một nhà lãnh đạo luôn đi đầu trong việc học hỏi công nghệ mới, kỹ thuật tiên tiến từ các nước phát triển. Vào năm 1995, bà quyết định thuê chuyên gia nước ngoài từ Hội đồng Vàng Thế giới để có thể học thêm kiến thức về lĩnh vực này. Đến năm 2006, bà tiếp tục mời Giám đốc sáng tạo Công ty Richard Moore Asociate (Mỹ), chuyên gia Richard Moore về Việt Nam để giúp thương hiệu PNJ trở thành cái tên nổi bật trong lĩnh vực nữ trang cao cấp. Khi ấy, quyết định của bà Dung được dư luận rất quan tâm, bởi bà là người phụ nữ đầu tiên đầu tư nhờ chuyên gia nước ngoài giúp đỡ và còn là người đầu tiên áp dụng ERP để quản lý công ty.
 
Cao Thị Ngọc Dung Chủ tịch PNJ là ai
 
Bà Cao Thị Ngọc Dung đã giữ chức Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ trong suốt 15 năm, kể từ năm 1988 đến 2003. Khi khởi đầu, tài sản công ty chỉ vỏn vẹn có 7,4 lượng vàng. Thế nhưng giờ đây PNJ đã vươn tầm trở thành một thương hiệu danh tiếng, được công chúng biết đến và yêu thích, được niêm yết trên sàn chứng khoán với tổng tài sản hoạt động hơn 2.500 tỷ đồng.
 

Từng bước đưa PNJ trở thành thương hiệu nức tiếng hàng đầu châu Á

 
Có thể nói không ngoa khi PNJ là một trong những thương hiệu trang sức nổi tiếng nhất Việt Nam, cứ 9 trên 10 người Việt thì có người biết tới PNJ. Người có công lớn trong sự phát triển vượt bậc của thương hiệu này khó có thể không nhắc tới "nữ tướng vàng bạc" Cao Thị Ngọc Dung. Dù vậy, ít người biết rằng bà Dung và PNJ đã phải trải qua không ít thăng trầm, khó khăn, chật vật trong quá trình xây dựng và phát triển.
 
Cao Thị Ngọc Dung Chủ tịch PNJ là ai
 
Vào năm 2000, bà Dung bàng hoàng phát hiện mình bị mắc căn bệnh ung thư quái ác ngay khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Bà hồi tưởng lại: "Thời điểm đó, tôi đã nghĩ bây giờ ngồi khóc than cũng chẳng thể giúp tôi hết bệnh. Nếu tôi không thể chữa hết bệnh ung thư thì tôi sẽ chết. Vì thế, những ngày còn lại của cuộc đời tôi thì tôi sẽ phải sống ra sao và nên làm những gì".
 
Nữ doanh nhân từng tự thừa nhận, trước khi biết mình bị bệnh, bà là một người rất nóng tính, lại thích hơn thua, luôn quay cuồng trong công việc. Thế nhưng, khi đối diện với cái chết, bà nhận ra việc hơn thua, nóng nảy cũng chẳng có ích gì nữa. Bà Dung tự nhủ: "Tôi buộc phải thay đổi tính cách của mình. Sau cú sốc đó, tôi đã tìm được ‘cái tâm’ của mình. Khi rơi vào một hoàn cảnh nào đó, tự dưng mình làm được những thứ mà bình thường mình không thể!". Và cứ như thế, nữ doanh nhân tĩnh tâm một mặt điều trị bệnh, mặt khác dành hết tâm tư và cống hiến cho PNJ.
 
Một biến cố khác lại tiếp tục xảy đến với "người đàn bà thép", khi chồng bà bị truy tố vì những sai phạm khi còn điều hành ngân hàng Đông Á. Dư luận không khỏi xôn xao trước thông tin này, không ít tin đồn ác ý rằng PNJ cũng sẽ phá sản được lan truyền rộng rãi. Thế nhưng, nữ doanh nhân tài ba của PNJ vẫn quyết tâm giữ vững bình tĩnh, lèo lái "con thuyền vàng bạc" đi tới thành công.
 
Cao Thị Ngọc Dung Chủ tịch PNJ là ai
 
Vào năm 2009, PNJ từng cán mức doanh thu 10.000 tỷ đồng, và con số này đến năm 2011 đã là 18.000 tỷ. Vào thời điểm đỉnh cao nhất của PNJ là năm 2018, cổ phiếu của công ty đạt gần 140.000 đồng/ cổ phiếu, vốn hóa đạt tới 1 tỷ USD.
 
Dưới sự dìu dắt và lãnh đạo của bà, PNJ đã phát triển trở thành một "đế chế trang sức" nổi tiếng, được yêu mến không chỉ ở thị trường Việt Nam mà còn vươn tầm quốc tế. Hết năm 2019, công ty mở cửa thêm 43 cửa hàng tại nhiều địa điểm, nâng tổng số cửa hàng lên tới 346. Trong số hơn 300 cửa hàng này có 288 cửa hàng PNJ Gold, 54 cửa hàng PNJ Silver, 4 cửa hàng CAO và 26 cửa hàng PNJ Watch. Theo báo cáo tài chính, PNJ đạt doanh thu ở mức 17.000 tỷ đồng, thực hiện được 93% kế hoạch doanh thu. Tới cuối năm 2019, PNJ đạt tổng số vốn lên tới 8.600 tỷ đồng, tăng 34% so với thời điểm đầu năm.
 

PNJ "vững chân" trước đại dịch COVID-19

 
Mặc dù kết quả kinh doanh của PNJ trong năm 2020 không còn tăng trưởng mạnh như năm ngoái do COVID-19, thế nhưng xét theo bối cảnh đại dịch, nhất là khi mặt hàng chủ yếu của họ là các xa xỉ phẩm thì PNJ đang có những bước tiến tốt hơn dự đoán. Theo báo cáo tài chính của PNJ, dù phải tạm dừng kinh doanh tất cả các cửa hàng ở Đà Nẵng trong tháng 8 vừa qua vì đại dịch, công ty trang sức này vẫn đạt mức doanh thu kênh lẻ 18,2%, vẫn là mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Cao Thị Ngọc Dung Chủ tịch PNJ là ai
 
Một trong những lý do khiến PNJ vẫn vững vàng vượt qua khó khăn đại dịch là do văn hóa doanh nghiệp hiện đại, vững mạnh. Ngay từ cuối năm 2019, PNJ đã rất cảnh giác theo dõi biến động thị trường, nhờ đó có những chiến lược kinh doanh phù hợp ngay cả khi đại dịch bùng phát và lây lan trên diện rộng. Bà Cao Thị Ngọc Dung hồi tưởng: "Có thể tóm lại 3 bước ứng phó của PNJ với COVID-19 như sau: đầu tiên, chúng tôi tỉnh táo quan sát và phân tích thị trường, không tự đặt mình ra khỏi dại dịch với tư tưởng là chúng nó sẽ chừa mình ra; rồi ngay lập tức lập Ủy ban như trung tâm liên kết và quyết định xem nên bỏ đi bước nào để Ban lãnh đạo có thể tiếp nhận thông tin nhanh hơn nhằm ứng phó nhanh hơn; thay đổi tỷ trọng sản phẩm và dịch vụ theo tình hình thị trường mới, bỏ tất cả cái cũ dù đầu tư bao nhiêu tiền đi nữa".
 
Cao Thị Ngọc Dung Chủ tịch PNJ là ai
 
Thời điểm đầu, PNJ được dự đoán chắc chắn sẽ ảnh hưởng nặng nề do các ngày lễ lớn như Valentine, 8/3 sẽ không được chú trọng. Thế nhưng, doanh nghiệp đã nhanh chóng chuyển mình, lập tức bỏ hết các kế hoạch kinh doanh cũ dù rất khó khăn và thiệt hại lớn, chuyển sang công cuộc chuyển đổi số. Ngay trong các đợt cao điểm giãn cách, từ chuyên bán hàng tại các cửa hàng, PNJ chuyển sang bán online trực tuyến qua livestream trên facebook và chuyển sang giao hàng tận nơi. Các nhân viên livestream đều được hướng dẫn cách bán hàng, chốt đơn nhanh chóng, chuyên nghiệp.
 
Những cố gắng thích nghi với đại dịch và bước đi đúng đắn của lãnh đạo doanh nghiệp đã giúp PNJ đạt nhiều thành quả đáng kể. Lũy kế 3 quý đầu năm 2020, doanh thu thuần PNJ đạt khoảng 11.668 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 642 tỷ đồng, lần lượt đạt 80,6% và 77% kế hoạch năm 2020.
 

Nữ doanh nhân không ngừng thay đổi và chiến lược "văn hóa doanh nghiệp gia đình"

 
Trải qua nhiều năm "lặn lội" trên thường trường, vào năm 2017, bà được tôn vinh là người phụ nữ giàu thứ 8 của Việt Nam với tổng giá trị tài sản lên đến 663 tỉ đồng. Tạp chí Forbes từng vinh danh nữ doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung là 1 trong Top 50 người phụ nữ quyền lực nhất Châu Á, cùng với bà Nguyễn Thị Phương Thảo (VietJet Air), Mai Kiều Liên (Vinamilk) và bà Thái Hương (TH true milk).
 
Cao Thị Ngọc Dung Chủ tịch PNJ là ai
 
Để làm được điều đó, một trong những triết lý kinh doanh hàng đầu khiến PNJ thành công như hiện nay là việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp gia đình. Bà từng chia sẻ: "Tôi vui vì đã tạo được môi trường làm việc mà ở đó mọi người luôn có cảm giác như mình đang ở trong một đại gia đình có giáo dục với nề nếp gia phong quy củ". Bà thừa nhận, mình đã dành rất nhiều thời gian để lắng nghe cấp dưới tâm sự, góp ý, tổ chức các buổi workshop, hội thảo,... để các cấp lãnh đạo cùng phát biểu, bày tỏ những tâm tư - tình cảm - nguyện vọng. Bên cạnh đó, bà cũng luôn hướng tới tính đa dạng, đến chú tâm tới cộng đồng LGBT+ trong công ty và coi trọng vấn đề bình đẳng giới.
Nữ doanh nhân khẳng định: "Chúng tôi theo văn hóa gia đình và tự hào khi xem tổ chức là gia đình. Văn hóa gia đình thường vị nể, bao che nhưng chúng tôi vẫn có quy trình, quy chế hẳn hoi."
 
Quả thực, bà rất tạo cơ hội cho các nhân viên thăng tiến, không ít các Giám đốc tầm trung tại PNJ là những người trước kia từng làm thợ kim hoàn, tài xế,... Nếu nhận thấy một nhân viên có tố chất, PNJ sẽ tìm cách định hướng để phát triển sự nghiệp, cho họ cơ hội được đi học, du học, mở mang đầu óc, tạo điều kiện phát triển và thăng tiến...
 
Có thể thấy, nhờ những triết lý kinh doanh nhân văn, hiện đại, cùng tài năng và bản lĩnh của mình, "nữ tướng vàng bạc" Cao Thị Ngọc Dung đã đưa PNJ trở thành một "đế chế" bán lẻ trang sức, vàng bạc hàng đầu tại châu Á và sẽ không ngừng vươn xa.
 
 
 
Linh Chi (t/h)